Xử lý container 'vô chủ' đọng tại cảng biển

.

Tính đến cuối tháng 5-2020, Cảng Đà Nẵng còn 44 container lưu bãi thuộc khu vực giám sát hải quan nhưng không có tổ chức, cá nhân nào nhận. Hiện đã quá thời hạn lưu trữ nên ngành hải quan đang triển khai các phương án để xử lý.  

Cục Hải quan thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý hàng tồn đọng tại cảng biển.   Trong ảnh: Cán bộ hải quan và Xí nghiệp Cảng Tiên Sa kiểm tra các container tồn đọng tại cảng.  Ảnh: MINH LÊ
Cục Hải quan thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý hàng tồn đọng tại cảng biển. Trong ảnh: Cán bộ hải quan và Xí nghiệp Cảng Tiên Sa kiểm tra các container tồn đọng tại cảng. Ảnh: MINH LÊ

Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng cho biết, 44 container tương đương 718,5 tấn này đã nằm “bất động” hơn 2 năm nay nhưng chưa có người đến nhận, ngoài ra còn có 3.283 tấn hàng lẻ, hàng rời. Theo Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22-12-2014 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xử lý hàng tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan thì người vận chuyển có trách nhiệm cung cấp thông tin về danh sách vận đơn, nếu hàng hóa lữu trữ quá 90 ngày được xác định là hàng tồn đọng. Tuy nhiên, trừ những hàng hóa dễ hư hỏng, gần hết hạn sử dụng, còn để có phương án xử lý một lô hàng tồn đọng phải mất ít nhất là 9 tháng kể từ ngày hàng đến cảng.

Đó là chưa kể trường hợp khi đã có phương án xử lý nhưng cơ quan quản lý chuyên ngành không có kinh phí để thực hiện khi đi kèm quy trình là nhiều chi phí như tiền thuê tổ chức giám định, thẩm định giá trị hàng, thuê đơn vị thực hiện tiêu hủy đối với hàng hết giá trị, trả phí lưu kho, lưu bãi cho đơn vị kinh doanh cảng… Do đó, thời gian để xử lý một lô hàng hóa bị tồn đọng tại cảng có thể mất nhiều năm khiến chi phí tăng cao, gây khó khăn và thiệt hại cho cảng, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp khác.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng Nguyễn Công Tâm, có nhiều nguyên nhân khiến hàng hóa tồn đọng như bên nhập hàng không làm thủ tục hoặc từ bỏ hàng vì hàng hư hỏng, không đúng hợp đồng… hay nhiều lô hàng được đưa về cảng với mục đích tạm nhập tái xuất để chuyển đến quốc gia, vùng lãnh thổ khác, song do các quy định, chính sách có sự thay đổi nên không xuất được.

Từ đó, các chi phí lưu container, lưu bãi, cắm điện… phát sinh lớn nên người đứng tên trên vận đơn từ chối trách nhiệm liên quan dẫn tới tồn đọng. Trong khi đó, số container tồn đọng này chủ yếu là gỗ thanh, gỗ tạp, nông sản, hạt nhựa, máy móc thiết bị cũ… giá trị không cao để các bên phải mất thêm chi phí vận chuyển, bốc xếp hai đầu và nhiều chi phí khác.

Tăng cường phân tích thông tin khai báo thông qua bản lược khai điện tử là giải pháp để ngăn chặn container chứa phế liệu, chất thải nhập vào Cảng Đà Nẵng. Trong ảnh: Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng đang kiểm tra tờ khai của doanh nghiệp. Ảnh: MINH LÊ
Tăng cường phân tích thông tin khai báo thông qua bản lược khai điện tử là giải pháp để ngăn chặn container chứa phế liệu, chất thải nhập vào Cảng Đà Nẵng. Trong ảnh: Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng đang kiểm tra tờ khai của doanh nghiệp. Ảnh: MINH LÊ

Ông Tâm cho rằng, quy mô cảng, kho bãi có giới hạn nhưng phải lưu giữ, bảo quản hàng tồn đọng thì sẽ không còn đủ không gian và nguồn lực để tiếp nhận những hàng hóa thiết thực khác, làm tắc nghẽn lưu thông hàng hóa.

Chính vì vậy, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng đã và đang tăng cường phân tích thông tin khai báo thông qua bản lược khai điện tử E-manifest để kịp thời ngăn chặn từ xa, không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với các container chứa chất thải, phế liệu không đáp ứng điều kiện, quy định về bảo vệ môi trường.

Đối với các lô hàng tồn đọng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng thường xuyên đôn đốc doanh nghiệp, hãng vận tải thực hiện thủ tục đăng ký tờ khai nhập khẩu hoặc thủ tục tái xuất, đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam nếu không đáp ứng các điều kiện, quy định về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Chi cục còn thường xuyên rà soát các lô hàng lưu giữ tại bãi do doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, chủ kho ngoại quan cung cấp, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục xử lý hàng tồn đọng theo hướng hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để nhanh chóng giải phóng hàng hóa. Ngoài ra, Chi cục còn thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để các chủ hàng hóa hoặc người vận chuyển đến nhận và thực hiện các thủ tục hải quan theo quy định.

Trước lượng container tồn đọng trên, Cục trưởng Cục Hải quan Quách Đăng Hòa cho biết, Cục Hải quan đã chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng và các đơn vị trực thuộc khác bám sát trình tự, thủ tục để thực hiện việc xử lý hàng tồn đọng tại cửa khẩu.

Theo đó, tổ chức giám sát chặt chẽ các lô hàng tồn đọng, nếu có doanh nghiệp đến nhận hàng thì yêu cầu doanh nghiệp xuất trình đầy đủ hồ sơ, chứng từ hợp lệ theo quy định để nhập khẩu hàng hóa, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và bố trí công chức tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhanh chóng làm thủ tục nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

Trong năm 2019, Cục Hải quan đã ra quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định đối với 11 container hàng tồn đọng, chủ trì thành lập hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá (đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp) để tổ chức bán đấu giá và thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1,2 tỷ đồng.

MINH LÊ

;
;
.
.
.
.
.