6 tháng cuối năm ngành dệt may Việt Nam mới thật sự bước vào giai đoạn khó khăn, xuất khẩu của ngành này có thể giảm từ 14-18%.
Từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp dệt may tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa) |
Theo Bộ Công Thương, 7 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 16,18 tỷ USD, giảm 12,1%; xơ, sợi dệt các loại giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm, nhất là các sản phẩm có giá trị cao như: veston, sơ mi cao cấp. Trong khi đó, mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là “chủ lực” của nhiều doanh nghiệp may hiện giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, quý 2 sẽ là quý khó khăn nhất của toàn ngành khi khách hàng tại các thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ, EU đều đã hủy đơn hàng do các thị trường đồng loạt đóng cửa. Tỷ lệ bị hủy đơn hàng trung bình từ 30% - 70%. Đơn hàng giảm mạnh khiến hàng tồn kho tăng cao, cùng với áp lực chi trả tiền lương nhân công đã khiến doanh nghiệp khó khăn chồng chất khó khăn.
Để giảm bớt chi phí và cầm cự chờ dịch bệnh qua đi, 80% doanh nghiệp trong ngành dệt may đã buộc phải cắt giảm lao động. Phần lớn doanh nghiệp phải tìm mọi cách duy trì hoạt động ở mức 50% công suất.
Công ty cổ phần Kết nối châu Âu (Eurolink) là một ví dụ điển hình. Ông Nguyễn Hữu Thành, CEO của công ty chia sẻ, trong khi mảng may mặc cạn kiệt nguyên liệu, đối tác hủy đơn hàng, hàng sản xuất ra khó tiêu thụ, công ty đã phải tìm đến phân khúc khẩu trang để duy trì đơn hàng thì mảng sản xuất giày dép, túi xách gần như bất động.
Công ty phải tính tới việc cắt giảm một nửa số nhân công lao động, tiết giảm mọi chi phí không cần thiết để gắng gượng vượt qua những khó khăn do Covid-19 gây ra.
Trước hàng loạt khó khăn hiện hữu, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo, xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong những tháng cuối năm tiếp tục giảm từ 14-18% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.
Ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn cho hay, tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đã được lên kế hoạch và dự báo khá sát so với kết quả hiện tại. Theo đó, 6 tháng đầu năm chưa phải là thời điểm khó khăn nhất, do kinh tế vẫn còn “sức khỏe” và số ca nhiễm bệnh chưa tăng cao như hiện nay. Tuy nhiên, 2 quý cuối năm mới thật sự là thử thách đối với ngành dệt may.
“Hiện, đơn hàng cho quý IV hầu như chưa có, đây là một thách thức vô cùng lớn cho kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn. Những đơn hàng khẩu trang cũng đã đảo chiều, số lượng không nhiều trong khi giá lại giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất”, ông Lê Tiến Trường cho biết.
Bộ Công Thương nhìn nhận, dịch bệnh có thể vẫn tiếp tục kéo dài và chưa biết khi nào sẽ kết thúc, do đó, những tháng cuối năm doanh nghiệp dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Đồng thời tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục.
Theo VOV