Phát triển cấu trúc đô thị Đà Nẵng có bản sắc riêng

.

Tại hội nghị thẩm định đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới đây, nhiều chuyên gia đầu ngành đề xuất bổ sung quy hoạch công trình cao tầng, bởi có nhiều dư địa để dung nạp trên cơ sở hiện trạng thành phố có chỉ tiêu xây dựng thấp.

Các trục giao thông hướng đông - tây cần ưu tiên phát triển các công trình cao tầng vừa tạo điểm nhấn kiến trúc, tăng hệ số sử dụng đất, chỉ số xây dựng và đón gió biển thổi vào đô thị trung tâm. Trong ảnh: Vệt đô thị phía đông quận Sơn Trà. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Các trục giao thông hướng đông - tây cần ưu tiên phát triển các công trình cao tầng vừa tạo điểm nhấn kiến trúc, tăng hệ số sử dụng đất, chỉ số xây dựng và đón gió biển thổi vào đô thị trung tâm. TRONG ẢNH: Vệt đô thị phía đông quận Sơn Trà. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Giới chuyên môn khẳng định, về nguyên lý, thành phố Đà Nẵng có thể “tiếp nhận” nhà cao tầng, nhưng cần có thiết kế đô thị quy định rõ khu vực và tìm mô hình kiến trúc phù hợp.

Theo GS.TS, KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trong Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu phát triển đô thị Đà Nẵng hiện đại nên việc phát triển nhà cao tầng cần đưa vào quy hoạch để đô thị Đà Nẵng phát triển hiện đại và bền vững.

Thời gian qua, đô thị Đà Nẵng phát triển quá mạnh về bề ngang theo hướng đô thị hóa nên làm mất đi hoặc biến dạng hệ sinh thái nội và ngoại vùng. Hệ thống khung thiên nhiên không được bảo toàn một cách tốt nhất, các yếu tố cây xanh, mặt nước (biển, sông, hồ) chưa được khai thác có hiệu quả; cấu trúc đô thị chưa bảo đảm để phát triển bền vững…

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đô thị hiện đại không thể thiếu nhà cao tầng bởi nó mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư, người dân và cả ngân sách địa phương. Phát triển nhà cao tầng góp phần khai thác hiệu quả các dự án giao thông hiện đại trong đô thị như: tàu điện ngầm, đường sắt trên cao… “Đối với không gian ven biển, sông, tư duy thiết kế phải lui lại một bước cho tư duy quy hoạch, để trả lời nơi nào nên và không nên xây.

Đà Nẵng có thể tham khảo điển cứu New York, với nhiều điểm giống Đà Nẵng như biển và sông sâu vào bờ. Dù quy mô lớn hơn, New York cũng đang gặp vấn đề trả lại mặt tiền biển cho người dân và cũng không phải cứ mở lối ra biển là đủ mà phải tính phát triển làm sao với lối ra đó”, ông Ngô Viết Nam Sơn nói. Theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, nhất thiết phải có bản đồ quy hoạch làm cơ sở khoa học. Việc xây nhà cao tầng ở đâu phải có luận cứ khoa học chứ không thể theo lối mòn đất càng rộng xây càng cao và theo “nguyện vọng” của nhà đầu tư.

Ông gợi ý các khu không nên xây nhà cao tầng như sân bay, thành Điện Hải, bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Khu có thể xây như khu công nghiệp An Đồn (sau khi di dời), nơi đây tiềm năng phát triển khu lõi tập trung nhà cao tầng.

Tuy nhiên, đối với khu vực ven sông Hàn, biển thì tối kị phát triển nhà cao tầng nối nhau thành bức tường thành. Phát triển nhà cao tầng tại Đà Nẵng cần tạo các cụm nhà cao tầng làm điểm nhấn, các tuyến đường theo trục đông - tây từ trung tâm ra biển hình thành đại lộ nhà cao tầng để vẫn đón gió biển, kéo theo phát triển hệ thống giao thông metro, hệ thống xe buýt nhanh công cộng song hành, giải quyết kẹt xe. Các đô thị mới như trung tâm thành phố mới khu vực tây bắc thành phố, sông Cu Đê, khu đô thị logistics cũng cần điểm nhấn dự án, công trình nhà cao tầng…

Về các giải pháp kỹ thuật, TS.KTS Lê Vĩnh An, Trưởng khoa Kiến trúc và mỹ thuật thuộc Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng đề xuất giải pháp thiết kế quy hoạch các khoảng đặc/rỗng hợp lý để gió biển tràn vào vùng lõi đô thị, hài hòa cảnh quan sinh thái.

Còn GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông thì nhìn nhận, để đạt được mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á, trong điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng lần này có thể xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu phát triển đô thị như: mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao…

Do đó, cần nghiên cứu, đưa vào quy hoạch để áp dụng mô hình “đô thị nén/mật độ cao” hoặc khả năng điều chỉnh cao tầng theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông) ở một số vị trí được lựa chọn cụ thể, trong đó có khu vực trung tâm, đầu mối giao thông quan trọng và khu vực ven biển (phía tây các tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp và Trường Sa) trong cấu trúc tổng thể toàn đô thị.

Tuy nhiên, phải trên quan điểm bảo vệ, khai thác tốt yếu tố cảnh quan, bản sắc và giá trị di sản đặc thù của đô thị, bảo đảm các yêu cầu về an toàn bay của sân bay quốc tế Đà Nẵng. “Về cơ bản, thành phố Đà Nẵng hội tụ đủ các yếu tố địa lý - kinh tế - chính trị quan trọng cho việc thực hiện ý tưởng phát triển cấu trúc một đô thị biển có đặc điểm riêng với các yếu tố cảnh quan, các công trình kiến trúc, nhất là kiến trúc cao tầng hài hòa, thân thiện, hướng tới tầm nhìn trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á vào năm 2045 theo Nghị quyết số 43-NQ/TW đã xác định”, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông nói thêm.

TRIỆU TÙNG

 

;
;
.
.
.
.
.