Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

.

Thời gian qua, nhiều chính sách của Trung ương và địa phương được triển khai đã hỗ trợ kịp thời, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do Covid-19. Năm 2021, việc tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ có hiệu quả là điều mà doanh nghiệp kỳ vọng để sớm phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Những chính sách hỗ trợ hiệu quả giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển sản xuất. Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: KIM LIÊN
Những chính sách hỗ trợ hiệu quả giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển sản xuất. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: KIM LIÊN

Năm 2020, toàn ngành thuế đã tiếp nhận và rà soát gần 7.581 hồ sơ đề nghị gia hạn với tổng số thuế đề nghị gia hạn 790,5 tỷ đồng. Qua rà soát, có 7.436 hồ sơ được gia hạn với tổng số tiền được gia hạn 782,8 tỷ đồng. Cục Thuế thành phố đã hướng dẫn các doanh nghiệp lập thủ tục, hồ sơ và đã giải quyết 27 hồ sơ với số tiền thuê đất được giảm là 20,9 tỷ đồng theo Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bên cạnh đó, có gần 12.000 hộ kinh doanh gửi hồ sơ đến UBND phường, xã đề nghị hỗ trợ trong thời gian tạm nghỉ do ảnh hưởng của Covid-19; trong đó có 2.484 hộ kinh doanh được UBND phường, xã gửi đề nghị đến cơ quan thuế thẩm định. Kết quả, có 1.555 hộ kinh doanh được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 và Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19.

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm 3 lần một loạt lãi suất điều hành như: giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5%/năm xuống 4%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng 5,5%/năm xuống 5%/năm... Đồng thời, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ; giảm 0,5 -1,5%/năm cho các khoản vay hiện hữu bị ảnh hưởng; miễn, giảm phí, nhất là phí thanh toán và một số dịch vụ khác.

Doanh nghiệp mong muốn có thể thụ hưởng các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới. TRONG ẢNH: Công nhân đang vận chuyển hàng tại Công ty CP Bình Vinh, quận Liên Chiểu. 							                          Ảnh: M.QUẾ
Doanh nghiệp mong muốn có thể thụ hưởng các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới. TRONG ẢNH: Công nhân đang vận chuyển hàng tại Công ty CP Bình Vinh, quận Liên Chiểu. Ảnh: M.QUẾ

Theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh Đà Nẵng đã giải ngân cho 3 khách hàng với số dư nợ là 742 triệu đồng để trả lương cho 318 lao động ngừng việc. Tương tự, Bảo hiểm xã hội thành phố đã xác nhận cho 390 lượt đơn vị với hơn 11.150 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; giải quyết tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội cho 35 lượt đơn vị với số tiền hơn 23 tỷ đồng.

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ trong năm 2020, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng Tô Văn Hiệp nhận định, với chính sách hỗ trợ giảm lệ phí trước bạ và thuế tiêu thụ đặc biệt đã giúp thị trường ô-tô có nhiều khởi sắc. Qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp vận tải nhờ các chính sách hỗ trợ đã giảm được các chi phí khi đưa vào sử dụng các loại ô-tô.

Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Lưu Đức Sáu, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28-6-2020 là một trong những chính sách mà người dân được tiếp cận rộng rãi khi có 2.400 trường hợp  được giảm với số tiền 90 tỷ đồng. Cục Thuế đã gia hạn 74,3 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt theo Nghị định số 109/2020/NĐ-CP ngày 15-9-2020 của Chính phủ.

Bước sang năm 2021, nhiều chính sách mới có hiệu lực, góp phần khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đáp ứng các mục tiêu Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29-12-2020 về quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với Covid-19. Kể từ ngày 1-1-2021 đến hết ngày 30-6-2021, 29 loại phí, lệ phí giảm 10% - 50% so với mức thu lệ phí theo quy định hiện hành.

Từ ngày 1-1-2021, Nghị quyết số 324/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố quy định chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố chính thức có hiệu lực.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Đà Nẵng tham gia phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; sản xuất các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch; áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được hỗ trợ đào tạo nghề với mức hỗ trợ 100% tổng chi phí, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến với mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/cơ sở và tối đa 450 triệu đồng/cơ sở, nếu là dây chuyền công nghệ và còn nhiều hỗ trợ khác như: xây dựng đăng ký nhãn hiệu, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật...

Song song đó, Nghị quyết số 329/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố cũng có hiệu lực từ 1-1-2021.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Phạm Bắc Bình cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2020, đặc biệt là đối với các chính sách về thuế, đã có khá nhiều doanh nghiệp của thành phố được thụ hưởng. Kết quả tích cực của nhiều chính sách hỗ trợ cho thấy, vào 3 tháng cuối năm 2020, xuất khẩu và nhiều chỉ số sản xuất đều tăng đáng kể so với đầu năm.

Năm 2021, với mục tiêu phục hồi và khôi phục tăng trưởng kinh tế, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố đang tham mưu cho UBND thành phố mở rộng các ngành nghề được tiếp cận với vốn ưu đãi, cùng với đó là nhiều chính sách về đất đai, quy hoạch các khu công nghiệp đang được thực thi. Ông Phạm Bắc Bình cũng kỳ vọng các doanh nghiệp có thể tiếp tục thụ hưởng ưu đãi từ các chính sách được ban hành.

Hiệp hội cũng mong muốn thành phố và Trung ương rà soát các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng, tập trung triển khai cho vay với lãi suất ưu đãi cho một số đối tượng với lộ trình cụ thể. Đồng thời đa dạng hóa các kênh huy động vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để vượt qua khó khăn.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.
Đại lý Bếp từ tại Quảng Ninh Cung cấp máy lạnh packaged giá rẻ