ĐNO - Phiên chợ ngày 30 tháng Chạp trên địa bàn thành phố đã vơi bớt sự tấp nập, hối hả. Thay vào đó, nhiều quầy sạp bắt đầu đóng cửa theo thời gian đang khép lại của năm Canh Tý.
Một người kinh doanh thủy hải sản ở chợ Đống Đa (quận Hải Châu) tranh thủ dọn dẹp để đóng cửa quầy hàng vào đầu giờ chiều 30 Tết. Ảnh: HOÀNG LINH |
Tại chợ Đống Đa (quận Hải Châu), đến đầu giờ chiều 30 tháng Chạp, khu vực kinh doanh thủy hải sản đã đóng cửa, các lô quầy được dọn dẹp sạch sẽ, chỉ còn lại hàng thịt heo và hàng rau hành laghim.
Giá thịt heo không tăng, thậm chí còn giảm nhẹ từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Theo đó, thịt ba chỉ giảm còn 170.000 đồng/kg (trong khi đó, vào các ngày 28-29 tháng Chạp âm lịch, vẫn ở mức cao là 180.000 đồng/kg), thịt vai và mông giá 150.000 đồng/kg (trước đó là 160.000 – 170.000 đồng/kg), sườn non giá 170.000 đồng/kg (trước đó là 180.000 đồng/kg), giò heo giá 100.000 đồng/kg (trước đó là 115.000 đồng/kg)...
Trong khi nhiều tiểu thương kinh doanh quầy hàng thủy hải sản sắp nghỉ bán thì hàng thịt heo tại chợ Đống Đa (quận Hải Châu) vào đầu giờ chiều 11-2 (nhằm ngày 30 tháng Chạp) vẫn còn khá nhiều người mua. Ảnh: HOÀNG LINH |
Tại chợ Hòa Cường (quận Hải Châu), trong khi các quầy hàng thủy hải sản và thịt trong đình chợ hầu hết đã đóng cửa, tiểu thương tranh thủ thu vén, vệ sinh và đóng kín quầy kệ thì hàng rau hành laghim vẫn còn nhiều người mua. Ở phía mặt tiền tuyến đường Lê Thanh Nghị, hàng trái cây và hoa tươi vẫn đông người đến mua sắm.
Nhiều người dân tranh thủ chiều 30 Tết để đi mua thêm hoa về chưng trong nhà. Ảnh chụp tại chợ Hòa Cường vào chiều 11-2 (nhằm ngày 30 tháng Chạp âm lịch). Ảnh: HOÀNG LINH |
Bà Nguyễn Thị Thu (chủ shop hoa Thu) tại chợ Hòa Cường cho biết, năm nào cũng qua 20 giờ tối 30 tháng Chạp mới đóng cửa, ngừng hoạt động vì khách vẫn đến mua hàng.
Ngoài các loài hoa thông thường như hoa cúc, lay ơn, ly…năm nay, shop hoa của bà Thu nhập về nhiều loài hoa mới, hút khách như tuyết mai (giá 260.000 đồng/ bó), thanh liễu (300.000 đồng/ bó), lan vũ nữ (250.000 đồng/ bó)…
Theo kinh nghiệm mua bán lâu năm của bà Thu, vào cuối chiều 30 Tết lúc nào cũng có đông người đi mua hoa. Có người chỉ đơn giản sắm thêm bó hoa lay ơn để thay bình hoa mới sau ngày mồng 1 Tết. Người khác lại thích cảm giác đi dạo, thưởng thức không khí chiều cuối năm mà hàng hoa, nơi được ví với khu vườn đem lại hương thơm nên thường là lựa chọn hàng đầu.
Năm nay, các mặt hàng bánh chưng, bánh tét tiếp tục đắt hàng với sức tiêu thụ khá tốt. Mức giá dao động từ 20.000 đồng - 120.000 đồng/chiếc. Vào chiều 11-2, mặt hàng này vẫn được bày bán ở một số chợ.
Một người bán bánh chưng, bánh tét tại chợ Mới vào chiều 11-2. Bà cho biết, năm nay gia đình nấu hàng trăm chiếc bánh như thế này và đây là số còn lại, hy vọng sẽ tiêu thụ hết trong chiều nay. Dù không bán chạy như năm ngoái nhưng doanh thu năm nay của gia đình bà vào mùa Tết không quá "bết bát" như lo ngại trước đó. Ảnh: HOÀNG LINH |
Tại chợ Cồn, không khí mua sắm ngày 30 tháng Chạp âm lịch vẫn khá tấp nập. Đông nhất vẫn là khu vực hàng bánh kẹo, mứt, đồ gia dụng các loại...và khu vực ẩm thực, vốn là nét riêng có của khu chợ truyền thống này.
Một số người dân tranh thủ mua sắm thêm đồ gia dụng cho gia đình tại chợ Cồn vào chiều 30 Tết. Ảnh: HOÀNG LINH |
Giữa bộn bề của cuộc mưu sinh, hối hả tất bật của việc mua sắm Tết, nhiều người vẫn dành chút thời gian thưởng thức ẩm thực chợ Cồn vốn nổi danh từ lâu nay. Ảnh chụp tại chợ Cồn vào chiều 11-2. Ảnh: HOÀNG LINH |
Nhiều năm nay, Đà Nẵng là thị trường hấp dẫn, thu hút nhiều người kinh doanh đặc sản các vùng miền đến giao dịch hàng hóa mỗi khi bước vào mùa Tết. Thông thường, trước Tết Nguyên đán tầm 10-15 ngày, ở các tuyến đường như Hoàng Diệu (quận Hải Châu), Ông Ích Đường (quận Cẩm Lệ) hay các tuyến đường xung quanh chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu)...hàng hóa được bán nhiều là cam Canh, bưởi Diễn, quả phật thủ, miến các loại...
Ông Lê Văn Huấn (quê ở Nam Định) vào Đà Nẵng từ ngày 20 tháng Chạp âm lịch để kinh doanh một số mặt hàng trái cây trên tuyến đường Hoàng Diệu (quận Hải Châu). Ảnh: HOÀNG LINH |
Trời càng về chiều, người bán hàng tràn ra các tuyến đường quanh chợ, cố gắng mời chào hết số hàng còn lại để kịp về nhà chuẩn bị cho đêm giao thừa cận kề.
Trong khi đó, nhiều mặt hàng phục vụ cho việc cúng bái vào đêm giao thừa được bày bán nhiều bắt đầu từ sáng 30 tháng Chạp. Nhiều tiểu thương cho biết sẽ bán đến tầm trước 20 giờ tối.
Một người kinh doanh xôi, chè trên tuyến đường Lương Ngọc Quyến bắt đầu dọn hàng ra bán từ trưa ngày 11-2 với mức giá 5.000 đồng/ chén chè và 10.000 đồng - 15.000 đồng/ dĩa xôi (tùy kích cỡ). Ảnh: HOÀNG LINH |
Theo đại diện Sở Công Thành phố Đà Nẵng, thị trường hàng hóa vào ngày 30 tháng Chạp vẫn giữ ổn định, giá cả nhiều mặt hàng thậm chí còn giảm xuống so với thời điểm vài ngày cận Tết Nguyên đán.
Năm nay, sức mua tăng không đáng kể so với năm ngoái nhưng cơ bản tiểu thương vẫn khá lạc quan khi đây là kết quả tốt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến còn phức tạp. Nhiều tiểu thương bán ra thị trường số lượng hàng hóa lớn, giúp bù đắp được phần nào doanh thu trong cả năm 2020.
HOÀNG LINH