CÔNG NHÂN TRỞ LẠI LÀM VIỆC SAU TẾT

Bảo đảm phòng, chống Covid-19, ổn định sản xuất, kinh doanh

.

Hầu hết công nhân, người lao động tại các công ty, xí nghiệp đã trở lại làm việc sau thời gian nghỉ Tết. Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy tắc 5K gồm: khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế.

Doanh nghiệp vừa tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam luôn giữ khoảng cách khi làm việc. Ảnh: M.QUẾ
Doanh nghiệp vừa tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam luôn giữ khoảng cách khi làm việc. Ảnh: M.QUẾ

Không khí làm việc những ngày đầu năm tại Nhà máy X50 (Tổng Công ty Sông Thu, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) diễn ra sôi nổi. Theo đại diện lãnh đạo đơn vị, Nhà máy X50 có hơn 350 người lao động, trong đó có hơn 200 công nhân. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khoảng 95% số công nhân đã quay trở lại nơi làm việc. Trong số đó, không có ai trở về từ những vùng có bệnh nhân mắc Covid-19. Đại tá Lê Văn Sỹ, Bí thư Đảng ủy Nhà máy X50 cho hay, vào đầu ngày làm việc, đơn vị tổ chức đo nhiệt độ cơ thể cho người lao động. Các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19 sẽ được cách ly tại chỗ (tại một khu vực riêng trong khuôn viên đơn vị).

Còn với Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang), khoảng 95% công nhân đã quay trở lại trụ sở công ty để làm việc. Đại diện công ty cho biết, trong số 71 người lao động, có khoảng 50-60% là người địa phương, số còn lại chủ yếu từ các tỉnh, thành phố lân cận nên hầu như không có trường hợp nào đáng nghi ngại. Tuy vậy, Công ty Tokyo Keiki vẫn triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt là đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách theo đúng hướng dẫn.

Với số lượng công nhân là 3.700 người, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam xem việc thực hiện quy tắc 5K là ưu tiên hàng đầu. Theo Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam Nguyễn Văn Phu, công nhân sẽ được đo nhiệt độ tại cổng công ty; rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế và khi đi vào phân xưởng sẽ thay trang phục của công ty, tiếp tục rửa tay sát khuẩn, đo nhiệt độ và giữ khoảng cách khi làm việc. Công ty vẫn duy trì các bàn ăn được trang bị kính chống giọt bắn và chia làm nhiều ca ăn. Theo tìm hiểu, năm nay có khá nhiều công nhân của công ty không về quê ăn Tết. Công nhân về quê sẽ khai báo thời gian lưu trú tại các địa điểm cụ thể.

Nhìn chung, trong những ngày đầu năm mới, tại các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lực lượng công nhân đều đã quay trở lại làm việc khá đầy đủ. Riêng đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch lại có biến động về nhân lực. Khi dịch bệnh bùng phát, ngành du lịch bị ảnh hưởng rất lớn nên các hoạt động phục vụ cho du khách không nhiều, theo đó lượng lao động cũng bị tinh giản bớt. Tuy nhiên, đối với các đơn vị lữ hành, lưu trú…, trong ngày làm việc của năm mới đều có phương án bảo đảm an toàn cho người lao động. Bà Huỳnh Thị Kim Lương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Đà Nẵng cho biết, khi dịch bệnh xuất hiện ở một số địa phương trên cả nước thì những lao động ở tỉnh xa làm việc tại công ty đều không về quê ăn Tết, không ai di chuyển ra khỏi thành phố nên trong ngày làm việc đầu năm mọi người đều có mặt đúng thời gian quy định. Song, vì dịch bệnh nên công ty vẫn thực hiện bảo đảm các yếu tố an toàn như: yêu cầu nhân viên, đặc biệt là nhân viên phục vụ (khối nhà hàng) thường xuyên tiếp xúc với khách hàng phải đeo khẩu trang; khuyến khích khách hàng sử dụng nước sát khuẩn, đeo khẩu trang để bảo vệ an toàn cho mình và cho mọi người.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng phân tích, thời điểm này, ngành du lịch chưa cần nhiều nhân lực nên những lao động ở địa phương xa, hoặc trong vùng có dịch chưa quay trở lại thành phố. Vì vậy, đa phần doanh nghiệp sử dụng lao động tại chỗ, không di chuyển nên công tác phòng, chống và kiểm soát dịch được thực hiện khá tốt. “Do Đà Nẵng từng trải qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh nên các doanh nghiệp cũng rất cảnh giác và tăng cường mạnh công tác phòng, chống Covid-19 bằng cách yêu cầu người lao động đeo khẩu trang, nước sát khuẩn khi tiếp xúc với khách. Khi có khách đến lưu trú thì phải điền thông tin tại các tờ khai y tế rõ ràng…, tuân thủ đúng các yêu cầu phòng, chống dịch của thành phố”, ông Cao Trí Dũng cho hay.

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố, tính đến ngày 19-2, hơn 40.000 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đã trở lại làm việc, đạt 98%. Năm nay, khá nhiều doanh nghiệp tổ chức ra quân đầu năm ngay từ mồng 6 tháng Giêng hoặc thậm chí sớm hơn. Một số ít doanh nghiệp tổ chức làm lại từ ngày 22-2 do lịch làm việc muộn, đa số doanh nghiệp du lịch vẫn đang tạm thời đóng cửa. Để động viên người lao động, hầu hết các doanh nghiệp đều lì xì cho người lao động đầu năm 100.000 - 500.000 đồng/người.

Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Duy Minh thông tin, sau Tết, tình trạng lao động nhảy việc, nghỉ việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ít biến động, đơn hàng cũng nhiều hơn. Đây là tín hiệu đáng mừng trong những ngày đầu năm mới. Bên cạnh đó, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thành phố khá ổn định. Trước, trong và sau Tết, LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương tại một số doanh nghiệp có tổ chức làm việc trong thời gian Tết. Năm 2021, ảnh hưởng của Covid-19 khiến việc sản xuất, kinh doanh chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn nhưng việc trở lại làm việc với tỷ lệ 98% là một điều tích cực đối với ngành công nghiệp của thành phố.

M.QUẾ - THU HÀ - K.NINH

Lao động tự do chậm trở lại làm việc

Trái với lao động làm việc ở các doanh nghiệp, theo thỏa thuận từ trước Tết, từ mồng 5 tháng Giêng, người lao động tự do sẽ có mặt tại Đà Nẵng để mồng 6 bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Thế nhưng đến hẹn, chỉ có vài người quay trở lại là thực trạng chung của thị trường lao động tự do những ngày đầu năm 2021.

Ông Bùi Văn Nghĩa, chủ thầu xây dựng các công trình dân dụng trên địa bàn thành phố cho biết: “Hiện tôi đang nhận thi công 3 ngôi nhà ở quận Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn. Ngoài ra còn thi công một nhà xưởng ở quận Sơn Trà. Thế nhưng đến hôm nay, trong tay tôi chỉ có 3 thợ ở Quảng Nam mới ra. còn lại nhóm thợ Nghệ An, Thanh Hóa và Quảng Bình vẫn chưa trở lại làm việc. Liên lạc qua điện thoại có người tắt máy, có người hứa vài ngày nữa, có người cho biết chờ dịch bệnh ổn định mới đi làm lại... Trong khi đó, hợp đồng thi công có điều khoản rõ ràng, nếu công trình chậm tiến độ thì chủ thầu phải chịu phạt...”. Chung tâm trạng phải “ngóng” lao động như vậy, ông Lê Văn Thành, chủ hai tàu đánh bắt thủy sản ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cho hay, hằng năm, mồng 2 tháng Giêng ông đã đi biển chuyến đầu tiên. Năm nay, đến mồng 5, ông mới đủ bạn thuyền cho một tàu. Tàu còn lại phải ở lại bến vì số người lao động ở Quảng Ngãi và Phú Yên chưa trở lại làm việc. Với tình trạng này thì phải “hết mồng” cả hai tàu của ông mới đi chuyến ra khơi đầu tiên của năm nay.

Ngay cả tại các chợ lớn ở thành phố như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa... rất nhiều gian hàng trong tình trạng phủ kín bạt vì người giúp việc vẫn chưa quay trở lại làm việc. Bà L.T.K , tiểu thương ở chợ Hàn, chuyên đóng gói mặt hàng hải sản chế biến đi các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên tỏ ra rất nóng ruột. Bởi bà chuyên bán hàng sỉ, đóng gói rồi chở hàng lên Bến xe Trung tâm Đà Nẵng gửi cho khách. Đến nay người giúp việc chưa quay trở lại, bà buộc phải vừa thương lượng với khách vừa cố gắng xoay xở làm đến khuya nhưng cũng không kịp trả các đơn hàng. Các cơ sở kinh doanh mặt hàng ăn uống, giải khát trong dịp Tết cũng gặp khó khăn vì thiếu lao động.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ quản lý lao động của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho rằng, đây là hệ quả tất yếu của kiểu “hợp đồng lao động miệng”, vốn lỏng lẻo về mọi mặt. Với kiểu hợp đồng như thế này thì yếu tố may rủi luôn xuất hiện cho cả bên sử dụng lao động và người lao động. Theo quy định hiện nay, loại hình lao động này là do chính quyền cấp phường, xã quản lý. Thế nhưng trên thực tế thì đây là công việc quá tầm với của chính quyền. Trong khi đó, người sử dụng lao động lẫn người lao động đều chọn cách tự giải quyết các phát sinh ngay khi có tranh chấp xảy ra thay vì báo cáo với chính quyền địa phương. Vì vậy việc chờ đợi, trông ngóng và “làm khó” lẫn nhau khó chấm dứt được.

THANH VÂN

 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích