Hiện nay, tình hình thời tiết đã chuyển hướng thuận lợi nên nông dân huyện Hòa Vang đang tích cực chăm sóc lúa ngay đầu năm Tân Sửu với quyết tâm phấn đấu được mùa lúa như 2 vụ sản xuất trong năm qua.
Nông dân tích cực chăm sóc để lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất cao trong vụ đông xuân. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Bà Nguyễn Thị Hải (nông dân ở thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến) cho biết: “Ngay trong những ngày giáp Tết, nông dân vẫn ra đồng để thăm lúa và phát hiện kịp thời bệnh đạo ôn. Trong những ngày Tết và sau Tết, bà con thường xuyên ra đồng chăm sóc lúa. Nhờ vậy, đã kịp thời phun thuốc xử lý bệnh đạo ôn và tiếp tục thu nhặt ốc bươu vàng, diệt chuột gây hại... Vụ sản xuất này dù gặp những khó khăn về thời tiết vào đầu vụ nhưng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với vụ đông xuân năm ngoái. Do vậy, người nông dân đang phấn đấu sản xuất được mùa như năm trước”.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất - Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 Nguyễn Thảo thông tin: “Đến nay, toàn bộ lúa đông xuân của các thành viên hợp tác xã đều đang sinh trưởng và phát triển tốt, nhờ sự chăm sóc thường xuyên và thực hiện đúng các hướng dẫn kỹ thuật. Chúng tôi nỗ lực phấn đấu để vụ đông xuân bội thu”.
Còn Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Đặng Quốc Tuấn cho rằng: “Mặc dù bệnh đạo ôn xuất hiện sớm nhưng được phát hiện kịp thời. Người dân tập trung chăm sóc lúa, diệt trừ bệnh trong thời gian trước, trong và ngay sau Tết Nguyên đán Tân Sửu. Đến ngày 23-2, khi đi kiểm tra trên các đồng ruộng, các diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn đã được hồi phục trở lại bình thường. Đáng mừng là vụ đông xuân năm nay rất ít chuột gây hại so với mọi năm. Các loại sâu bệnh khác cũng chưa xuất hiện nhiều nên nhìn chung, lúa vụ đông xuân năm nay đang sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao”.
Theo Chánh Văn phòng UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Văn Lý, vụ đông xuân năm nay, toàn huyện gieo sạ 2.378ha lúa với cơ cấu chủ yếu là giống lúa trung, ngắn ngày có năng suất và chất lượng cao như: HT1, Hà Phát 3, Thiên Ưu 8, Đài Thơm 8, J02, HN6... Cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, sinh trưởng, phát triển tốt; tình hình nước tưới bảo đảm; tình hình sâu bệnh không đáng kể, chỉ gây hại rải rác với mức độ bị hại nhẹ.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 42,4ha rau vụ đông, chủ yếu sản xuất các loại rau địa phương và được xuất bán mạnh, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán vừa qua. Các hộ sản xuất rau ở các vùng rau bị thiệt hại nặng do các trận bão cuối năm 2020 (ở xã Hòa Phú, Hòa Ninh...) đã và đang khôi phục sản xuất... Huyện đã chỉ đạo các địa phương theo dõi, kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây trồng; phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông báo hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ sinh vật gây hại trên cây lúa và một số cây rau màu chính trong thời gian sau Tết; các xã, hợp tác xã tiếp tục tổ chức diệt chuột, sâu bệnh và chăm sóc cây trồng thường xuyên.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, dự báo trong thời gian đến, thời tiết tiếp tục thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại và lây lan, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ dẫn đến bệnh đạo ôn cổ bông gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa. Đơn vị đã đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân tăng cường kiểm tra đồng để phát hiện bệnh sớm, đồng thời cần khoanh vùng và xử lý ngay các diện tích chớm xuất hiện để phòng ngừa bệnh phát triển và lây lan.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) trên lúa, chăm sóc bón phân đầy đủ, cân đối. Tích cực vận động nông dân thường xuyên diệt chuột; chú ý sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu phao, bệnh khô vằn gây hại.
HOÀNG HIỆP