Những năm gần đây, ngành công nghiệp phần mềm phát triển nhanh dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự, trong đó có Đà Nẵng. Trước tình hình đó, nhiều công ty phần mềm đang có những giải pháp, chính sách riêng để xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ, thu hút người tài từ những nơi khác đến thành phố.
Sự có mặt của các công ty phần mềm nước ngoài góp phần tăng chất lượng nguồn nhân lực Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Người lao động làm việc tại Công ty MTV Giải pháp CNTT Enouvo. Ảnh: P.LAN |
Tìm kiếm nhân sự có kinh nghiệm
Ông Lê Hồng Lĩnh, Giám đốc nguồn lực Công ty TNHH Phần mềm FPT (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, năm 2021, FPT Đà Nẵng cần tuyển khoảng 1.500 nhân lực mảng CNTT với khoảng 50% là nhân sự có kinh nghiệm (senior) và 50% là sinh viên mới ra trường (junior). Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, trong vòng 2-3 năm tới, FPT Đà Nẵng cần tuyển khoảng 2.000-3.000 nhân lực CNTT mỗi năm.
Trong đó, nguồn lực chuyên gia, senior chủ yếu đến từ các công ty ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau như: Đà Nẵng, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… và từ nước ngoài (Mỹ, Úc, châu Âu…); còn nguồn lực junior chủ yếu đến từ các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước.
Tuy vậy, hiện FPT Đà Nẵng đang gặp khá nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng đủ số lượng nhân sự đáp ứng đúng yêu cầu về chuyên môn, đặc biệt là nguồn nhân sự có kinh nghiệm nói chung cũng như nhân sự trong các mảng công nghệ mới như: điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, hệ thống nhúng…
Để xây dựng, chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho các mục tiêu hoạt động, phát triển của mình, công ty đang triển khai xây dựng các chính sách an cư lạc nghiệp, chính sách hỗ trợ chuyển vùng… cho nhân viên và áp dụng chính sách này để thu hút nguồn lực kinh nghiệm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên tục việc đào tạo nâng cao kỹ năng cho tất cả nhân viên của công ty từ chuyên môn đến năng lực ngoại ngữ và các kỹ năng mềm.
Riêng phần nguồn lực mảng junior, FPT Software Đà Nẵng tiếp tục hợp tác, phối hợp chặt chẽ, toàn diện với các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực CNTT thông qua hỗ trợ chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, cử chuyên gia của công ty tham gia giảng dạy, tổ chức các hội thảo về công nghệ, tài trợ các hoạt động học tập và nghiên cứu của sinh viên và nhà trường, định hướng nghề nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên kiến tập, thực tập tốt nghiệp, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp tại doanh nghiệp...
Dự báo nhu cầu nhân lực ngành phần mềm và nội dung số giai đoạn 2021 - 2025. Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông. Đồ họa: PHONG LAN |
Chọn lọc sinh viên kỹ thuật giỏi ngoại ngữ
Qua tìm hiểu, sau 10 năm có mặt ở Đà Nẵng, Công ty TNHH Axon Active Việt Nam (quận Hải Châu) hiện có khoảng 200 người lao động, chia thành các đội dự án làm việc trực tiếp với khách hàng. So với quy mô công ty trên toàn Việt Nam là 500 nhân viên thì Đà Nẵng chiếm tỷ trọng khá lớn. Tuy vậy, những năm gần đây, việc mở rộng quy mô phát triển công ty ở Đà Nẵng đang gặp những khó khăn nhất định, nguyên nhân chính là do không tuyển được người.
Ông Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Axon Active Việt Nam nhận định, công ty không gặp nhiều vấn đề về tuyển dụng nhân sự kỹ thuật, song khó nhất là tuyển nhân sự vừa có khả năng kỹ thuật, vừa có ngoại ngữ.
Ông Hải lý giải: “Với sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm, trong 4 năm gần đây, thu nhập chung của các lập trình viên đã tăng khoảng 50-60%, khiến Việt Nam không còn là nơi có lợi thế nhân công rẻ. Do vậy, khi làm việc với các công ty thuê ngoài (outsource) ở Việt Nam, khách hàng sẽ có sự so sánh với các thị trường không có sự khác biệt về múi giờ, ngôn ngữ. Họ sẽ phỏng vấn trực tiếp nhóm làm việc để xem các lập trình viên có thể giao tiếp thoải mái bằng tiếng Anh được không”.
Khi tuyển dụng, ngoài kỹ năng và kiến thức chuyên môn, Axon Active Việt Nam còn chú trọng khả năng ngoại ngữ, thái độ nghề nghiệp, mục tiêu nghề nghiệp của ứng viên.
Công ty Axon Active Việt Nam có khoảng 40% nhân sự mới được tuyển từ các trường đại học (trung bình 20 sinh viên/năm), còn 60% tuyển ngoài thị trường. Công ty tiếp cận, tuyển các em năm cuối rồi đưa vào đào tạo 5 tháng và có thể tuyển dụng sau đó.
Phần còn lại thì tuyển ngoài thị trường. Với các sinh viên mới ra trường, công ty cung cấp chương trình đào tạo kéo dài 5 tháng để “thử thách” trước khi nhận làm việc chính thức. Tuy vậy, ông Hải chia sẻ: “Việc phát triển CNTT trong thời gian gần đây rất nóng, trong khi nguồn lực không đủ nên vấn đề thiếu hụt nhân sự đã trở nên cần thiết. Nhiều công ty tìm đủ mọi cách để tuyển dụng, khiến tình trạng nhảy việc rất nhiều.
Trên thực tế, một số công ty phần mềm đã rút khỏi thị trường Đà Nẵng vì tỷ lệ nhảy việc cao quá. Những doanh nghiệp còn lại phải chấp nhận và cố gắng cải thiện, song nếu quá khó khăn thì buộc phải mở rộng phát triển ở thị trường khác”.
Bà Trần Hạnh Trang, Giám đốc Công ty MTV Giải pháp CNTT Enouvo (quận Sơn Trà) cho rằng, do cạnh tranh lớn nên thị trường CNTT ở Đà Nẵng những năm gần đây đã trở nên sôi động hơn, tạo động lực cho các trường đại học đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn mang vào kiến thức, huấn luyện, giúp cải thiện nhân lực Đà Nẵng. Bà Trang nói: “Khi ngày có càng nhiều doanh nghiệp CNTT đến Đà Nẵng thì tiếng vang của thành phố cũng tăng lên, mở ra các cơ hội thu hút đầu tư, các doanh nghiệp địa phương cũng dễ tiếp cận những hợp đồng lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp CNTT nước ngoài khi về Đà Nẵng cũng đồng thời kéo theo một lượng nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên cả nước, dù có cạnh tranh nhưng chúng ta vẫn có thêm nhân lực cho thị trường Đà Nẵng”.
Theo ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian tới, thành phố sẽ có các cơ chế, chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các đối tượng là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT - truyền thông đến làm việc tại thành phố; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối cung - cầu nhân lực CNTT thành phố.
Ngoài ra, sẽ triển khai hình thức dịch vụ chia sẻ/cho thuê nhân lực CNTT giữa các doanh nghiệp nhằm giảm bớt áp lực chi phí, giúp các doanh nghiệp tập trung phát triển giá trị cốt lõi, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
PHONG LAN