Hình thành bản sắc đô thị khu trung tâm thành phố

.

Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố xác lập khu trung tâm - trái tim của thành phố sẽ là tâm điểm, hồn cốt của đô thị.

Lõi đô thị

Khu vực dự kiến là Quảng trường trung tâm thành phố được hình thành với các công trình kiến trúc đại diện cho sự phát triển hiện đại và cấp tiến gắn liền với bề dày lịch sử và văn hóa của Đà Nẵng như: Thành Điện Hải, Trung tâm Hành chính Đà Nẵng, cảng Sông Hàn... Ảnh: TRIỆU TÙNG
Khu vực dự kiến là Quảng trường trung tâm thành phố được hình thành với các công trình kiến trúc đại diện cho sự phát triển hiện đại và cấp tiến gắn liền với bề dày lịch sử và văn hóa của Đà Nẵng như: Thành Điện Hải, Trung tâm Hành chính Đà Nẵng, cảng Sông Hàn... Ảnh: TRIỆU TÙNG

Khu vực trung tâm thành phố nghiên cứu bao gồm: một phần quận Hải Châu, một phần quận Sơn Trà, xoay quanh trung tâm hiện tại thành phố và phần mở rộng, cùng các khu dọc sông Hàn và bờ đông. Khu vực này tiếp giáp với tuyến đường Hoàng Diệu - Ông Ích Khiêm - Đống Đa - công trình cầu vượt sông Hàn - Vân Đồn - Trần Thánh Tông - Vương Thừa Vũ - Võ Nguyên Giáp - Nguyễn Văn Thoại - cầu Trần Thị Lý - Duy Tân, với diện tích khoảng 631 ha. Việc phân tích khu vực này để xác định các cơ hội và thách thức chính được giải quyết theo thiết kế đô thị định hướng.

Hiện tại, những khu vực này gồm có trung tâm thương mại và du lịch, cùng với các tòa nhà cao tầng, khách sạn, cửa hàng thương mại, các khu dân cư đô thị quy mô nhỏ, các tuyến phố bán lẻ, các bãi biển, đường đi bộ và dịch vụ ẩm thực. Đặc trưng của trung tâm đô thị này là thương mại, du lịch và giá trị lịch sử. Các dự án tiềm năng được xác định trong ranh giới thiết kế đô thị này để giới thiệu các giải pháp thiết kế chính cho các vấn đề đô thị của Đà Nẵng.

Thiết kế đô thị được định hướng nhằm biến trung tâm đô thị Đà Nẵng thành một điểm đến; xác định và định hướng các điểm thu hút mới nhằm hiện đại hóa trung tâm thành phố; đồng thời bổ sung các điểm tham quan phía tây. Định hướng cũng lựa chọn một số địa điểm để cải tạo đô thị. Các địa điểm văn hóa và lịch sử hiện tại được bảo tồn và tích hợp phát triển đô thị và không gian công cộng mới. Những địa điểm này được kết nối với nhau qua tuyến phố đi bộ và các kết nối giao thông công cộng để hình thành mạng lưới tích hợp các điểm đến độc đáo.

Bản đồ điểm đến xác định các điểm đến đa dạng ở trung tâm thành phố. Các điểm đến này có thể tiếp cận dễ dàng qua mạng lưới phố đi bộ (các đường đi dạo ven sông/biển, các hành lang xanh và các đường phố). Cụ thể, các điểm đến chính trong khu vực về văn hóa và lịch sử có Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Quân khu 5, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Giáo xứ chính tòa Đà Nẵng, Thành Điện Hải.

Đặc biệt, khu vực trung tâm thành phố được xác lập “Bảo tàng sống” là hồn cốt của đô thị hiện tại thông qua các hoạt động dịch vụ hành chính công và thương mại với Quảng trường trung tâm (khu vực phía nam và bắc Thành Điện Hải - Trung tâm Hành chính thành phố), Trung tâm thương mại CBD An Đồn (phường An Hải Bắc), cảng Sông Hàn, dự án Gateway Đà Nẵng (trục đường Võ Văn Kiệt)… Điểm nhấn là chợ Cồn - chợ Hàn gắn với tuyến phố thương mại Hùng Vương. Khu đô thị trung tâm Đà Nẵng có các không gian mở và công viên như công viên 2-9, công viên APEC, công viên và cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi, sân vận động Chi Lăng…

Quy hoạch mạng lưới đường bộ khu vực trung tâm được định hướng thiết kế mạng lưới đường tại khu vực được đánh giá kỹ hơn với lối ra/vào dành cho phương tiện giao thông, được kiểm soát phù hợp với các chức năng của tuyến đường. Để bảo đảm đường đi bộ cho người dân, cần một quy hoạch mạng lưới chỗ đỗ xe hợp lý hơn.

Các bãi xe tập trung được khuyến khích đặt tại lối vào của các dự án phát triển lớn, nhằm cung cấp chỗ đậu xe đầy đủ và thuận tiện, không ảnh hưởng đến các không gian công cộng trên đường. Định hướng thiết kế đô thị tích hợp nhiều phương thức giao thông để phát triển hệ thống thuận tiện và hấp dẫn dựa trên mạng lưới tổng thể toàn thành phố. Các tuyến giao thông cụ thể được định hướng trở thành một hệ thống toàn diện kết nối các điểm đến quan trọng tại Đà Nẵng; trong đó bao gồm 3 tuyến LRT/BRT, một mạng lưới xe bus hỗ trợ và một tuyến giao thông thủy với các nút giao thông vận tải đa phương thức được tích hợp.

Sông Hàn là vùng kết nối khu đô thị trung tâm. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Sông Hàn là vùng kết nối khu đô thị trung tâm. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Quảng trường trung tâm

Tại khu vực trung tâm có tổ chức không gian Quảng trường trung tâm. Đây là một khu vực có diện tích 9ha nằm trong một cảnh quan độc đáo sát mặt sông, Trung tâm Hành chính và Thành Điện Hải. Quảng trường trung tâm sẽ trở thành không gian công cộng biểu tượng cho người dân và tầm nhìn đô thị bản sắc của Đà Nẵng. Dự án tiếp giáp đường Bạch Đằng, Trần Phú, Quang Trung và Lý Tự Trọng. Để triển khai dự án, sẽ có một tuyến đường ngầm đoạn tại đường Trần Phú (đoạn Quang Trung - Lý Tự Trọng) và bãi đỗ xe ngầm sẽ thay thế cho bãi đỗ xe ngoài trời hiện tại.

Bên cạnh đó, các tòa nhà xung quanh như Trung tâm Hành chính thành phố được khuyến khích chuyển đổi thành các công năng phù hợp để tích hợp tốt hơn với Quảng trường trung tâm. Quảng trường thành phố được đặc trưng bởi các công trình kiến trúc đại diện cho sự phát triển hiện đại và cấp tiến gắn liền với bề dày lịch sử và văn hóa của Đà Nẵng. Các công trình kiến trúc điểm nhấn là Thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng (42 Bạch Đằng), Trung tâm Hành chính Đà Nẵng, Khách sạn Novotel, Trung tâm triển lãm quy hoạch kiến trúc thành phố (bến du thuyền), hầm đậu xe, đường ngầm, cảng Sông Hàn.

Việc tổ chức không gian tại các điểm nhấn đô thị khu vực trung tâm đối với khu “Bảo tàng sống” được xác định bởi các tuyến đường có quy mô phù hợp là các con hẻm sôi động, tràn ngập cuộc sống đường phố. Một khu “Bảo tàng sống” được định hướng để bảo vệ kết cấu hiện tại của những làng đô thị này và để giới thiệu về lịch sử và lối sống tại Đà Nẵng. Khu “Bảo tàng sống” sẽ trở thành một điểm đến du lịch độc đáo, cho phép du khách trải nghiệm phong cách sống trong quá khứ và hiện tại của người dân địa phương trong một khung cảnh không gian đích thực.

Để dung hòa với các yêu cầu về các không gian mở hơn với mật độ cao hơn, một khu vực rộng 11ha, được giới hạn bởi các tuyến đường Hùng Vương - Phan Châu Trinh - Hoàng Diệu - Lê Đình Dương - Trưng Nữ Vương - Trần Bình Trọng - Ngô Gia Tự... Điều này sẽ giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của các phát triển hiện tại và duy trì các đặc tính của đường phố, đồng thời xúc tác các hoạt động thương mại trong khu đô thị. Một bãi đậu xe nhiều tầng được khuyến nghị tại ranh giới của khu “Bảo tàng sống” để đáp ứng các nhu cầu đậu xe, giảm các phương tiện chướng ngại dọc đường, khiến đường phố thân thiện hơn với người đi bộ và cho phép nhiều hoạt động sôi động hơn.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.