Hướng đến cảng thông minh

.

Với thị phần tàu du lịch và container xuất nhập khẩu chiếm lượng lớn của khu vực, Cảng Đà Nẵng (Công ty CP Cảng Đà Nẵng) đã ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh từ rất sớm. Hiện nay, công ty đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong dịch vụ khách hàng, quản trị doanh nghiệp và hướng đến cảng thông minh (Smart port) và cảng xanh (Green port).

Nhân viên Công ty CP Cảng Đà Nẵng xử lý tờ khai qua mạng ở Trung tâm Dịch vụ khách hàng thuộc cảng Tiên Sa. 	  						       Ảnh: THÀNH LÂN
Nhân viên Công ty CP Cảng Đà Nẵng xử lý tờ khai qua mạng ở Trung tâm Dịch vụ khách hàng thuộc cảng Tiên Sa. Ảnh: THÀNH LÂN

Từ năm 2019, Cảng Đà Nẵng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, vận hành và khai thác cảng, hướng tới môi trường làm việc trực tuyến thay vì cách làm truyền thống dựa trên giấy tờ với thao tác thủ công như trước. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí cho khách hàng, doanh nghiệp.

Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng Trần Lê Tuấn cho biết, để đẩy nhanh quá trình số hóa, cảng Đà Nẵng đã tập trung thiết kế và xây dựng bức tranh tổng thể về số hóa trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, bao gồm 5 trụ cột chính: Chuyển đổi số trong lĩnh vực vận hành khai thác cảng; chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng; chuyển đổi trong lĩnh vực quản trị nội bộ (gồm lĩnh vực quản trị nhân sự, quản trị văn phòng, tài chính kế toán…); quản trị và vận hành số tại trung tâm Logistic Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang; quản trị hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong vận hành hệ thống công nghệ thông tin và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin. 

Đơn vị đã đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin với một phòng máy chủ hiện đại, nâng cấp mạng trục cáp quang phủ toàn bộ bến bãi; ngoài ra trang bị hệ thống wifi công nghiệp, camera quan sát toàn cảng; đầu tư mới nhiều công nghệ hiện đại cho Trung tâm điều hành và khai thác container, Trung tâm dịch vụ khách hàng nhằm phục vụ tốt nhất cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại cảng. Cảng Đà Nẵng đã chọn đối tác là Công ty Total Soft Bank (Hàn Quốc), là đơn vị có phần mềm khai thác cảng tốt nhất (thuộc top 3 của thế giới) để đầu tư phần mềm quản lý, điều hành khai thác cảng container CATOS được vận hành từ tháng 4 -2020.

Đáng chú ý, cuối năm 2020, Cảng Đà Nẵng triển khai phần mềm cảng điện tử ePort (electronic Port) và là cảng điện tử đầu tiên ở khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, cảng tiên phong trong chuyển đổi số doanh nghiệp với việc triển khai lệnh giao hàng điện tử; thông quan hải quan điện tử; hóa đơn điện tử và thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho khách hàng giao dịch không tiếp xúc, không cần đến cảng.

Phần mềm cảng điện tử ePORT ứng dụng những công nghệ tiên tiến của thế giới như: sử dụng robot trong nhiều công đoạn để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả công việc và giảm thiểu sai sót do thao tác thủ công; ứng dụng thuật toán nhận dạng mã container của Hungary, tự động nhận biết số container nhập xuất tàu và tại cổng cảng...

Đồng thời, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các công đoạn để thực hiện cổng container tự động, xe container giao nhận vào ra cảng không dừng. Hệ thống tự động nhận dạng số container và ghi nhận tình trạng container bằng camera được triển khai tại các trạm xuất nhập tàu và tại cổng ra vào, hướng đến tự động hóa hoàn toàn quy trình giao nhận hàng tại cổng, quản trị tổng thể theo dữ liệu tập trung, liên thông các đơn vị, phòng ban.

Ông Lưu Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Công ty CP Cảng Đà Nẵng) cho biết, lệnh giao hàng điện tử là một trong những giải pháp quan trọng góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, chi phí chung cho xã hội, giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực xung quanh cảng. Đây là tiền đề xây dựng Cảng Đà Nẵng thành cảng thông minh, cảng xanh hiện đại. Thực tế, ngày càng nhiều khách hàng hài lòng khi áp dụng eDO tại cảng bởi các tiện ích như: tiết kiệm chi phí, việc truyền, nhận dữ liệu chính xác, an toàn và đặc biệt là giảm được sự tiếp xúc trực tiếp, yếu tố quan trọng để phòng, chống Covid-19.

Do Covid-19, phần lớn các hoạt động ở cảng đã buộc phải đẩy mạnh kiểm tra, nhưng lại tránh tiếp xúc nhiều. Vì vậy, nhiều công cụ kỹ thuật số đã được vận dụng nhằm đẩy mạnh quy trình làm việc hiệu quả. Trong đó, tăng cường số hóa và tự động hóa là ưu tiên hàng đầu. Nhờ có những bước chuẩn bị nên Cảng Đà Nẵng không bị động trong tác động Covid-19. Cán bộ, công nhân viên của đơn vị đã làm quen với phương thức làm việc tại nhà qua hệ thống kết nối mạng...

Theo ông Trần Lê Tuấn, Cảng Đà Nẵng là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của ngành giao thông vận tải; là cảng biển chủ lực của miền Trung nên đơn vị luôn nhận thức vai trò và sứ mệnh của mình đi tiên phong trong các công cuộc đổi mới, nâng cao năng lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố và đất nước.

Trước những thách thức và cơ hội của thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập, cảng luôn chú trọng đổi mới, sáng tạo, tận dụng tối đa các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển công ty theo hướng hiện đại, tiên tiến và bền vững để hoạt động giao dịch được thực hiện nhanh chóng, chính xác và kịp thời, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đồng thời, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và khai thác, giảm chi phí nâng cao năng suất khai thác; cung cấp dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng vượt mong đợi của khách hàng.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.