Ngành dệt may, da giày từng bước phục hồi

.

Quý 1 năm 2021, thành phố ghi nhận những tín hiệu tích cực đối với ngành dệt may và da giày khi nhu cầu thị trường tăng trở lại. Các doanh nghiệp kỳ vọng những cơ hội mới từ đây sẽ giúp vượt qua khó khăn, từng bước tiến tới ổn định doanh thu.

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Sản xuất - Thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Sản xuất - Thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ

Nhiều chương trình kích cầu, sản phẩm mới  

Liên tục tung ra nhiều chương trình kích cầu vào thời điểm cuối năm 2020 đã giúp doanh thu tháng 1-2021 của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại BQ đạt xấp xỉ cùng kỳ năm trước (thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát). Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại BQ Phan Hải, cuối năm âm lịch là “thời điểm vàng” của ngành thời trang nên việc đạt được doanh thu trên chứng tỏ sức mua của thị trường rất triển vọng. Trước kết quả trên, doanh nghiệp tiếp tục tăng cường các hình thức kích cầu mua sắm ngay trong quý 1-2021 theo cách không dàn trải mà tối ưu giá trị sản phẩm, tăng bảo hành và hậu mãi. Kết thúc quý 1-2021, doanh nghiệp ghi nhận tín hiệu tích cực khi tăng so với cùng kỳ khoảng 5%.

“Chúng tôi đang đặt ra các chiến lược kinh doanh ngắn hạn, tập trung vào phân khúc khách hàng trẻ tuổi, sử dụng thành thạo công nghệ. Doanh nghiệp tập trung marketing, quảng cáo trực tuyến để có thể tiếp cận phân khúc khách hàng này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cải tiến mẫu mã các sản phẩm. Dự kiến trong năm nay, doanh nghiệp sẽ mở rộng thị trường ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, bởi lẽ dịch bệnh cũng tạo cơ hội khi chi phí mặt bằng được kéo thấp xuống”, ông Phan Hải thông tin thêm.

Trong khi đó, Công ty TNHH sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế (quận Liên Chiểu) đang cải tạo cơ sở hạ tầng và nhân lực một cách đồng bộ để đón đầu nhu cầu thị trường trong thời gian tới. Giám đốc công ty Nguyễn Xuân Sơn cho hay, theo phân tích của các chuyên gia, dự kiến trong năm 2022 sẽ dịch chuyển lại cơ cấu ngành may mặc. Do đó, công ty đang tiến hành đào tạo nghề để người lao động có thể tiếp cận với việc tạo ra các sản phẩm mới, hoàn chỉnh các quy trình sản xuất để các sản phẩm của công ty đạt được các chứng chỉ, quy chuẩn quốc tế phù hợp với yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, công ty còn cải tiến và bảo dưỡng công cụ lao động đang sử dụng…

Theo ông Sơn, doanh thu quý 1-2021 vừa qua tuy có thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (vì thời điểm quý 1-2020 là cao điểm xuất khẩu khẩu trang) nhưng nhìn chung tình hình kinh doanh vẫn ổn định vì thị trường nội địa đã có nhiều khởi sắc.

Các siêu thị, cửa hàng đã nhập hàng hóa với số lượng nhiều hơn. Với các resort, khách sạn, nếu như trước đây chủ yếu nhập mặt hàng dép cói và lót giày thì nay lấy thêm cả túi vải, túi giặt để đựng áo quần nên công ty vẫn bảo đảm duy trì giá trị đơn hàng từ các đối tác. Bên cạnh đó, công ty cũng tăng cường khuyến mãi cho khách hàng mua sắm trực tuyến, qua sàn thương mại điện tử Tiki, Shopee… với chương trình mua sản phẩm sẽ tặng kèm sản phẩm.

Doanh nghiệp dệt may và da giày không ngừng cải tiến để bắt kịp xu hướng tiêu dùng.  TRONG ẢNH: Khách hàng mua sắm tại Cửa hàng Giày BQ (quận Hải Châu). Ảnh: M.QUẾ
Doanh nghiệp dệt may và da giày không ngừng cải tiến để bắt kịp xu hướng tiêu dùng. TRONG ẢNH: Khách hàng mua sắm tại Cửa hàng Giày BQ (quận Hải Châu). Ảnh: M.QUẾ

Tuyển dụng người lao động

Hai tháng đầu năm 2021, Công ty TNHH Kim Sora (Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) tiếp tục là 1 trong 31 doanh nghiệp chính trong cả nước tham gia xuất khẩu khẩu trang y tế (theo thống kê của Tổng cục Hải quan). Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Sora Dương Tuệ cho biết, cuối tháng 2 vừa qua, công ty đã tuyển dụng thêm 35 công nhân may để bù đắp vào mảng may mặc bị “chững” lại khá nhiều vào năm vừa qua để sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường trong thời gian tới. Tương tự, Công ty CP Sản xuất Thương mại Hữu Nghị (KCN An Đồn, quận Sơn Trà) - đơn vị chuyên sản xuất giày xuất khẩu cũng đã tuyển dụng thêm công nhân, hiện công ty có hơn 2.000 lao động đang làm việc với lượng đơn hàng ổn định.

Đơn hàng dần quay trở lại với các doanh nghiệp dệt may và da giày, giúp kim ngạch xuất khẩu may mặc khả quan hơn. Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 1-2021 của Cục Thống kê thành phố, chỉ số giá xuất khẩu hàng may mặc tăng 8,96% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu bán lẻ hàng may mặc quý 1 là 873 tỷ đồng, tăng 13,52% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Phan Hải, sự hồi phục bước đầu của ngành dệt may và da giày được đánh giá là do sau một năm “chung sống” với Covid-19, các doanh nghiệp đã tìm ra những hướng đi phù hợp, song song đó, thông tin về vắc-xin phòng Covid-19 cũng khiến thị trường lạc quan hơn, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, trong đó có ngành dệt may và da giày. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng, thời điểm này tuy có nhiều tín hiệu tích cực nhưng doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị tốt, hoạch định chiến lược phát triển phù hợp để sẵn sàng bắt kịp khi xu hướng tiêu dùng có sự chuyển dịch.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.