Tạo nhiều sản phẩm mới phục hồi du lịch

.

Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến truyền thông quảng bá du lịch, tổ chức các chương trình kích cầu du lịch và đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới... là những giải pháp được đưa ra tại tọa đàm “Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng 2021” do Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng phối hợp Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức ngày 1-4 để tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp ngành du lịch khôi phục và phát triển trong năm 2021.

Ngành du lịch đã và đang tích cực phối hợp liên kết giữa các đơn vị, địa phương để tạo ra sản phẩm mới phục vụ du khách. TRONG ẢNH: Du khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm. 									   Ảnh: THU HÀ
Ngành du lịch đã và đang tích cực phối hợp liên kết giữa các đơn vị, địa phương để tạo ra sản phẩm mới phục vụ du khách. TRONG ẢNH: Du khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: THU HÀ

Tham dự tọa đàm có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung.

10 giải pháp phục hồi du lịch

Tọa đàm được tổ chức để đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng và mức độ hiệu quả của các giải pháp ứng phó từ chính quyền thành phố và doanh nghiệp trong thời gian qua. Đây cũng là cơ hội để cơ quan quản lý Nhà nước đối thoại với các doanh nghiệp du lịch, tiếp nhận các kiến nghị và thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp ngành du lịch Đà Nẵng khôi phục và phát triển trong năm 2021.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình cho biết, dịch bệnh làm lượng khách đến Đà Nẵng sụt giảm mạnh. Năm 2020, thành phố đón 2,7 triệu lượt khách, giảm 68,6% so với năm 2019. Ngành du lịch thành phố đưa ra 2 kịch bản để phục hồi du lịch. Để làm được điều này ngành du lịch thành phố cũng đưa ra 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thực hiện khôi phục hoạt động du lịch gồm: Bảo đảm công tác phòng, chống dịch, giữ gìn điểm đến an toàn; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh công tác xúc tiến truyền thông quảng bá du lịch; tổ chức các chương trình kích cầu du lịch; đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới; tổ chức các sự kiện hấp dẫn quy mô lớn để thu hút khách du lịch; tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết để sớm phục hồi du lịch, ngay từ đầu năm 2021, ngành du lịch Việt Nam đã xác định tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm gồm tăng cường liên kết, phối hợp liên kết ngành, kết nối doanh nghiệp và địa phương triển khai mạnh mẽ chương trình kích cầu du lịch nội địa. Đẩy mạnh công tác truyền thông, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền xúc tiến du lịch nội địa với thông điệp “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, Người Việt Nam đi du lịch ViệtNam; đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ khách khi hoạt động du lịch trở lại bình thường...

Du khách đến thành phố qua Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. 		                  Ảnh: THU HÀ
Du khách đến thành phố qua Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ

Nhiều nguồn lực đầu tư sản phẩm mới

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng ghi nhận, chia sẻ với các khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời đánh giá cao 10 giải pháp Sở Du lịch đưa ra, đề nghị chính quyền thành phố tiếp tục bằng nguồn lực đầu tư công và xã hội hóa để tạo ra các sản phẩm du lịch mới, thu hút khách nội địa, sẵn sàng đón các dòng khách quốc tế khi đủ điều kiện.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, lãnh đạo thành phố có chủ trương làm việc với các nhà đầu tư có uy tín, chỉnh trang lại toàn bộ sông Hàn, coi sông Hàn là một sản phẩm du lịch đặc trưng. Sắp tới đây, thành phố sẽ xây dựng đề án sông Hàn về đêm, bao gồm tích hợp hệ thống chiếu sáng của 6 cây cầu, chiếu sáng hai bên bờ sông thành mạng lưới điều khiển chung, tạo các hoạt động ánh sáng về đêm. Thành phố quy hoạch lại hệ thống ánh sáng, trong đó có hệ thống ánh sáng của các nhà cao tầng xung quanh sông Hàn hình thành một dự án trang trí ánh sáng nghệ thuật dọc hai bờ sông Hàn với chủ đề “Dòng sông ánh sáng”.

Ngoài ra, thành phố cũng ưu tiên phát triển một số hạ tầng liên quan như phố đi bộ Bạch Đằng - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, khu phố An Thượng kết hợp dịch vụ về đêm... Chính quyền thành phố cho làm thí điểm một số hoạt động về đêm tại bãi biển để có sản phẩm mới phục vụ du khách; tổ chức hội chợ du lịch quốc tế hằng năm vì đây là một trong những giải pháp tạo sự thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch của thành phố. Cùng với đó, thành phố cần bổ sung thêm sản phẩm thuyền buồm trên sông Hàn, tổ chức giải đua thuyền buồm trên sông Hàn...

Sở Du lịch cần tham mưu triển khai cuộc thi ảnh dành cho các du khách về thành phố Đà Nẵng để kích thích du khách đến chụp ảnh, gửi ảnh dự thi, có các giải thưởng, thu hút khách quay trở lại bằng việc tặng các voucher giải thưởng... UBND thành phố, các ngành cần quyết liệt chuyển đổi số trong hỗ trợ kinh doanh; hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng cũng đề nghị doanh nghiệp phải chủ động, có trách nhiệm trong việc vượt khó vươn lên.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng mong muốn các doanh nghiệp phải chủ động đổi mới các phương thức, hoạt động kinh doanh nắm bắt các cơ hội... Doanh nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phải duy trì, đào tạo gắn trách nhiệm của nhân lực với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp du lịch cần làm tốt công tác gắn kết, hỗ trợ nhau, trở thành một liên kết mạnh mẽ để cùng nhau phục hồi du lịch. Các doanh nghiệp đồng hành cùng thành phố trong việc phòng, chống dịch vì đây là điều kiện tiên quyết, rất quan trọng trong việc giữ gìn điểm đến du lịch Đà Nẵng.

THU HÀ

Công bố logo Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng

Sáng 1-4, trong khuôn khổ tọa đàm “Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng 2021”, Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng công bố và trao giải Nhất cho tác phẩm được chọn làm logo của quỹ. Theo đó, tác phẩm của tác giả Phạm Tam (Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh) được chọn là logo chính thức. Tác phẩm này được lựa chọn từ 97 tác phẩm của 37 tác giả ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, hầu hết là các nhà thiết kế logo chuyên nghiệp. Logo được lựa chọn có tạo hình ấn tượng và có ý nghĩa biểu trưng cao, vừa thể hiện được yếu tố quỹ xã hội, vừa sinh động gắn với du lịch; đặc biệt, logo vượt qua giới hạn về tính địa phương, phù hợp với hướng phát triển và đối tượng công chúng mà quỹ hướng đến.

Tác phẩm đoạt giải Nhất được nhận 25 triệu đồng và voucher du lịch do các thành viên tham gia sáng lập quỹ như Khu du lịch Sun World Ba Na Hills, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, khách sạn Golden Bay, khu nghỉ dưỡng Vinpearl Luxury và khu nghỉ dưỡng Crowne Plaza trao tặng.

Ông Hồ Thanh Tú, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng:

Phát động Người Đà Nẵng đi du lịch Đà Nẵng

Để sớm phục hồi hoạt động du lịch, ngành du lịch thành phố nên quan tâm, có các hoạt động hỗ trợ Hiệp hội Du lịch thông qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao hơn chất lượng chuyên môn cho lực lượng lao động ngành du lịch. Ngoài ra, thành phố cũng nên phát động mạnh hơn nữa phong trào “Người Đà Nẵng đi du lịch Đà Nẵng”. Thành phố, các sở, ban, ngành có thể lựa chọn các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí tại địa phương để vừa tăng nguồn thu cho các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng, vừa tạo được công ăn việc làm cho nhân lực ngành du lịch, đồng thời tạo sức hút cho điểm đến trong giai đoạn này.

Nguyễn Hồ Phương Chi, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng:

Quan tâm đến việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực

Ngành du lịch thành phố đã rất nỗ lực trong việc tạo các sự kiện để thu hút khách nhưng như thế thôi chưa đủ, cần thu hút khách nội địa sử dụng các dịch vụ của du lịch như ăn uống, vui chơi, đi lại... để tăng doanh thu tối thiểu cho các doanh nghiệp du lịch; đồng thời có thể hỗ trợ doanh nghiệp thêm về các chi phí vận hành cố định như điện, nước. Đặc biệt, cần quan tâm đến vấn đề đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Ngành du lịch thành phố có thể hỗ trợ các doanh nghiệp khách sạn các lớp đào tạo về buồng, bàn, bar, bếp, marketing, vận hành... để nâng cao tay nghề cho người lao động.

Ông Lê Minh Đức, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Đầu tư DHC:

Nên hình thành thẻ du lịch thông minh

Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố có thể liên kết lại với nhau, cùng nhau làm một thẻ du lịch thông minh. Trong thẻ này tích hợp các ưu đãi của các khu du lịch, các điểm đến. Khi đó sẽ thuận lợi cho khách hàng mà khi khách hàng sử dụng xong về, sau này các doanh nghiệp có các chương trình ưu đãi, kích cầu mới cũng có sẵn thông tin của khách để gửi cho khách tham khảo.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Hội Vận chuyển du lịch Đà Nẵng:

Hỗ trợ cho mượn đất trống làm bãi giữ xe  

Dịch bệnh xảy ra khiến đội xe vận chuyển du lịch không được sử dụng, nhiều chủ xe không đủ khả năng tài chính để gửi xe tại các nơi tập kết nên để ở các bãi đất trống xảy ra tình trạng mất trộm, gây hư hại đến tài sản. Thành phố có nhiều bãi đất trống chưa sử dụng tại một số quận có thể cho Hội Vận chuyển mượn các bãi đất trống này để cải tạo, nâng cấp thành bãi để xe miễn phí cho các hội viên. Khi nào thành phố có nhu cầu sử dụng thì sẽ trả lại. Hội sẽ bảo đảm các vấn đề về vệ sinh môi trường, cảnh quan của thành phố.

NHẬT HẠ ghi

 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích