Vì sao dừng triển khai dự án xe buýt nhanh BRT?

.

Ngày 12-4-2021, tại kỳ họp lần thứ 17, HĐND thành phố khóa IX đã thông qua Tờ trình số 44/TTr-UBND của UBND thành phố về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng. Trong đó, UBND thành phố đề xuất dừng đầu tư hệ thống xe buýt nhanh BRT và tập trung phát triển hệ thống xe buýt chất lượng cao.

Xe buýt trợ giá hoạt động trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa ngày 29-4-2021. Ảnh: THÀNH LÂN
Xe buýt trợ giá hoạt động trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa ngày 29-4-2021. Ảnh: THÀNH LÂN

Năm 2013, Chính phủ phê duyệt đầu tư dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng với 5 hợp phần, gồm: cải thiện hệ thống nước mưa, nước thải; thí điểm hệ thống xe buýt nhanh (BRT); các đường chiến lược đô thị; tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện dự án và hợp phần các hạng mục được chuyển từ dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 6-2021.

Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố cho biết, hệ thống xe buýt nhanh BRT thí điểm là hợp phần 2 trong 5 hợp phần của dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng với tổng mức đầu tư hơn 358 triệu USD. Trong đó, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế Giới (WB) gần 275 triệu USD, vốn đối ứng của thành phố Đà Nẵng hơn 83 triệu USD). Dự án được UBND thành phố giao cho Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư kiêm điều hành.

Đến nay, hợp phần 2 mới chỉ đạt 33% khối lượng việc, hoàn thành hạ tầng cho xe buýt trợ giá thành phố, gồm: điểm đầu cuối, nhà chờ, trụ biển báo, cải tạo một số nút giao thông, xây dựng hầm chui nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương. Riêng hạng mục xây dựng hệ thống bán vé thông minh, tín hiệu giao thông ưu tiên và cải tạo các nút tổ chức giao thông còn lại và nhà chờ trên dải phân cách để phù hợp với cơ sở xe buýt nhanh chưa hoàn thành…

Theo báo cáo đánh giá tại Tờ trình số 44/TTr-UBND ngày 9-4-2021 của UBND thành phố về việc xin ý kiến điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng, trên cơ sở rà soát, đánh giá công tác quản lý, vận hành xe buýt đô thị trợ giá đưa vào vận hành năm 2017 của Sở Giao thông vận tải, việc đưa xe buýt nhanh BRT thí điểm vào vận hành trong thời điểm này sẽ có những bất cập (do dự báo sản lượng hành khách tính toán của BRT chưa đạt yêu cầu, chưa có bãi đỗ xe cá nhân, thói quen tham gia giao thông công cộng của người dân chưa cao…).

Điều này, dẫn đến việc triển khai hệ thống BRT ở thời điểm này khả năng chưa mang hiệu quả xã hội cao; chưa thực hiện được mục tiêu chống ùn tắc giao thông trên địa bàn cũng như tăng số lượng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Trong khi đó, chi phí trợ giá sẽ tăng cao hơn nhiều so với trợ giá xe buýt thường và kéo dài, tạo gánh nặng cho ngân sách thành phố và phản ứng, dư luận xã hội không tốt về hiệu quả đầu tư. Do đó, lãnh đạo thành phố và đối tác Ngân hàng Thế giới sẽ điều chỉnh chuyển hệ thống xe buýt nhanh BRT sang hệ thống xe buýt chất lượng cao.     

Kỹ sư Phan Viết Tường (Công ty Xây dựng cầu đường 368) nhìn nhận, hiện thành phố có rất nhiều tuyến xe buýt, mạng lưới xe buýt đang được đầu tư, mở rộng, đáp ứng khoảng 41% diện tích vùng phục vụ của Đà Nẵng, bao gồm 20 tuyến xe buýt, trong đó 5 tuyến buýt liền kề (100 xe); 12 tuyến buýt nội đô (gồm 11 tuyến được thành phố trợ giá và 1 tuyến buýt TMF do quỹ Toyota Mobility Foundation -TMF tài trợ); 2 tuyến buýt du lịch; 1 tuyến buýt liên tỉnh liền kề Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế. Chỉ riêng 12 tuyến xe buýt trợ giá, có mạng lưới hoạt động gần 250km với khoảng gần 800 điểm dừng. Các tuyến xe buýt của thành phố đều trang bị phương tiện vận tải khách mới, nhiều tiện ích như điều hòa, wifi… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lượng khách sử dụng xe buýt chưa nhiều và khá thưa thớt. Do đó, việc thành phố thống nhất cho dừng đầu tư hệ thống xe buýt nhanh BRT thí điểm vào thời điểm này là hợp lý. 

Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng (trú 90/6 Phan Thanh, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) cho rằng, qua thực tế triển khai các tuyến xe buýt trợ giá cho thấy, việc đưa xe buýt nhanh BRT vào thí điểm trong giai đoạn hiện nay sẽ có những bất cập do dự báo sản lượng hành khách của BRT chưa đạt yêu cầu, thói quen tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng của người dân chưa cao. Điều này dẫn đến việc triển khai hệ thống BRT lúc này chưa mang lại hiệu quả xã hội… Vì vậy, việc dừng xây dựng hệ thống xe buýt nhanh BRT thí điểm trên địa bàn giai đoạn này là hợp lý, qua đó tập trung dồn nguồn lực để đầu tư phát triển xe buýt trợ giá, xe buýt chất lượng cao hiện có.

Được biết, hiện Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng đã làm việc với Ngân hàng Thế giới và đạt được sự nhất trí về việc dừng xây dựng hệ thống xe buýt BRT trên địa bàn. Từ những lý do này, hợp phần 2 thí điểm hệ thống xe buýt nhanh BRT đã được HĐND thành phố thống nhất giảm mức độ đầu tư, tạm ngưng triển khai đấu thầu và thi công các công trình, hạng mục mới liên quan đến BRT (hệ thống vé, giao thông thông minh, tín hiệu giao thông ưu tiên, tổ chức giao thông tại các nút, nhà chờ dải phân cách, nhà chờ trên vỉa hè ưu tiên phục vụ cho xe buýt nhanh…); chỉ tiếp tục triển khai thi công một số hạ tầng cơ bản của xe buýt trợ giá để bảo đảm hoàn thành toàn bộ các điểm đầu cuối phục vụ cho 12 tuyến buýt trợ giá.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích