Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) đã nỗ lực vừa chống dịch, vừa bảo đảm các điều kiện sản xuất, tiêu thụ vải thiều, giúp nông dân bán sản phẩm thuận lợi.
Kiểm soát chặt người ra, vào
Hộ ông Tôn Văn Bính, thôn Đồng Trắng, xã Mỹ An có 500 cây vải. Dự kiến vụ này thu hơn 10 tấn quả. Do chăm sóc tốt nên trà vải sớm hơn 200 cây của gia đình mẫu mã đẹp, bán được giá. Ông Bính chia sẻ: “Hôm nay nhà tôi vừa bán 2 tạ vải, thu về suýt 4 triệu đồng”. Cùng với hộ ông Bình, thời điểm này, vải thiều sớm của Lục Ngạn đang thu hoạch rộ, tập trung tại các xã: Phượng Sơn, Hồng Giang, Giáp Sơn, Phì Điền, Mỹ An, Tân Mộc, Tân Quang và Đồng Cốc.
Vợ chồng ông Bính thu hoạch vải thiều sớm. |
Dọc các tuyến đường chính của Lục Ngạn có nhiều điểm thu mua vải mọc lên, tấp nập. Chỉ khác là trên các tuyến phố, hàng quán, dịch vụ ăn, uống không mở cửa. Người dân đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19. Các thôn, tổ dân phố, đặc biệt là các chốt kiểm soát phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 luôn có lực lượng trực suốt ngày đêm để kiểm soát người ra, vào địa bàn, quyết không để mầm dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Ông Đinh Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Hùng Thảo, xã Giáp Sơn cho biết, mỗi ngày doanh nghiệp (DN) thu mua từ 250-300 tấn vải xuất sang Trung Quốc. “Do chuẩn bị chu đáo các khâu, từ thu mua, kết nối khách hàng đến vận chuyển và thông quan nên đến thời điểm này, việc xuất bán vải thiều của chúng tôi diễn ra rất thuận lợi”, ông Hùng nói.
Theo UBND huyện Lục Ngạn, tính đến ngày 6-6, toàn huyện có hơn 170 điểm cân vải cố định. Mỗi ngày, lượng tiêu thụ hơn 2,5 nghìn tấn, tổng sản lượng từ đầu vụ đạt gần 20 nghìn tấn, giá bán bình quân dao động từ 12-32 nghìn đồng/kg.
Vải được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường phía Nam, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh; trong hệ thống siêu thị (Aoen, Central Retail, MM Mega MarKet, Lotte, Big C, Saigon.coop, Vinmart, Vinmart+, Fivimart và Citimart, Vincom…) và xuất khẩu sang Campuchia, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản.
Các tuyến giao thông trong huyện được mở rộng, xây mới nên năm nay ngoài tiêu thụ vải bằng hình thức thu mua tại điểm cân, nhiều thương lái còn đến đặt mua tại vườn.
Năm nay, lần đầu tiên 29/29 xã, thị trấn trong huyện thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến, tiêu thụ vải thiều. Do đó việc giám sát, kiểm soát chống gian lận thương mại, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông luôn thuận tiện, an toàn, thông thoáng.
Đồng thời cấp hàng trăm Giấy xác nhận lái xe, lô vải an toàn dịch Covid-19 để hàng hóa thông thương thuận lợi. Đặc biệt, việc kiểm soát PCD luôn đặt lên hàng đầu. Đến thời điểm này, việc thu hoạch và tiêu thụ vải thiều của Lục Ngạn diễn ra thuận lợi.
Hỗ trợ thương nhân, lái xe và người lao động phòng dịch
Để bảo đảm việc thu hoạch, cung ứng vải thiều thuận lợi, những ngày qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Lục Ngạn đã tập trung, nỗ lực trên 2 “mặt trận”: PCD Covid-19 và sản xuất, tiêu thụ vải thiều. Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam chia sẻ, huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện mục tiêu kép “Vừa PCD Covid-19 vừa phát triển kinh tế”.
Chọn vải trước khi đóng gói tại một điểm thu mua vải ở phố Kim, xã Phượng Sơn. |
Trọng tâm là sản xuất và tiêu thụ vải thiều cho người dân. Cấp ủy, chính quyền Lục Ngạn đã chỉ đạo kịp thời các lực lượng tuyến đầu, như: Y tế, công an, quân sự và các cấp lãnh đạo cơ sở phát hiện nhanh, truy vết các ca F1, F2, F3, khoanh vùng kịp thời chống dịch.
Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, các phòng, ngành và lãnh đạo cấp xã đều ngày đêm bám cơ sở, địa bàn được giao để hỗ trợ, kiểm tra, đôn đốc chống dịch. Đồng thời bảo đảm an ninh trật tự, đáp ứng nhu yếu phẩm, hỗ trợ lao động cho các hộ, người bị cách ly y tế.
"Hiện Lục Ngạn đang là vùng vải an toàn với dịch bệnh Covid-19, các thương nhân, lái xe, người lao động có thể đến cùng địa phương thu hoạch và tiêu thụ vải thiều”. Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam. |
Ngay sau ngày bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp, huyện Lục Ngạn đã tổ chức ra quân, huy động cán bộ, đảng viên về cơ sở, triển khai thành lập đồng loạt 404 “chốt kiểm soát tự quản” với 1.246 thành viên; 1.143 tổ PCD Covid-19 cộng đồng với 4.431 thành viên tham gia. Chốt tự quản tại các khu phố mật độ dân cư đông bố trí 1 tổ (2-3 người), phụ trách từ 100 đến 150 hộ. Tại các thôn có các hộ cách xa nhau, bố trí 1 tổ phụ trách từ 20-40 hộ.
Bí thư Chi bộ thôn Thanh Bình, xã Thanh Hải Nguyễn Văn Cương khẳng định: “Dù nắng nóng vất vả nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm bám chốt, kiểm soát chặt người ra vào thôn, không để Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng”. Huyện cũng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 diện rộng và duy trì 7 chốt trên 7 tuyến giao thông chính dẫn vào huyện để kiểm soát, ngăn chặn nguồn lây, xây dựng vùng vải an toàn, không dịch Covid-19.
Bảo đảm cho các thương nhân, lái xe, người lao động đến Lục Ngạn thu mua, vận chuyển vải thiều đi tiêu thụ thuận lợi, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh huyện đã tổ chức các điểm test nhanh vi rút SARS-CoV-2 cho các đối tượng này tại các xã: Phượng Sơn, Giáp Sơn và thị trấn Chũ. Bởi đây là 3 địa phương tập trung nhiều điểm thu mua, đóng gói vải thiều.
Kết quả có hàng nghìn lượt thương nhân, lái xe, người lao động xét nghiệm test nhanh Covid-19. Các điểm cân, đóng gói vải thường xuyên được phun thuốc khử trùng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, huyện còn tổ chức tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 miễn phí cho các thương nhân, lái xe, giúp họ đủ điều kiện vận chuyển hàng qua các tỉnh, TP. Thời gian qua, Lục Ngạn không phát sinh F0 ngoài cộng đồng, bảo vệ tốt vùng vải an toàn.
Với tinh thần tập trung cao, quyết liệt trong PCD Covid-19; tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân, lái xe, người lao động đến thu mua, tiêu thụ vải thiều, kỳ vọng năm nay Lục Ngạn sẽ có mùa vải ngọt lành, bội thu.
Theo Báo Bắc Giang