Tăng cường quản lý, truy thu thuế thương mại điện tử

.

Làm thế nào để khuyến khích thương mại điện tử phát triển nhưng không thất thu thuế đang là “bài toán” mà ngành thuế thành phố tìm lời giải.

Thời gian qua, Cục Thuế thành phố thực hiện nhiều giải pháp chống thất thu thuế thương mai điện tử. TRONG ẢNH: Tư vấn chính sách cho người nộp thuế tại Cục Thuế thành phố. Ảnh: MAI QUẾ
Thời gian qua, Cục Thuế thành phố thực hiện nhiều giải pháp chống thất thu thuế thương mai điện tử. TRONG ẢNH: Tư vấn chính sách cho người nộp thuế tại Cục Thuế thành phố. Ảnh: MAI QUẾ

Theo Cục Thuế thành phố, tổng số trang web kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đã được rà soát tới nay là 8.710, trong đó có 627 trường hợp người nộp thuế đã kê khai. Tuy nhiên, mới có 8 trường hợp người nộp thuế tự giác kê khai nộp hoặc bị xử lý thu thuế và phạt với tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước hơn 24 tỷ đồng.

Một số trường hợp điển hình như ông N.N.D (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) là chủ trang web cung cấp phần mềm giải trí với nguồn thu từ việc đặt quảng cáo. Ông N.N.D đã phát sinh doanh thu từ quý 2-2015 đến quý 2-2018 là 281 tỷ đồng và đã bị truy thu, phạt hơn 23,5 tỷ đồng tiền thuế. Một trường hợp khác là ông P.V.T (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) phát sinh doanh thu 13,8 tỷ đồng từ bán phần mềm và dịch vụ phần mềm cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước từ tháng 5-2014 đến tháng 6-2019. Đến nay lực lượng chức năng truy thu, phạt 342 triệu đồng tiền thuế.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế Lưu Đức Sáu phân tích, có thể thấy, 627 người nộp thuế đã kê khai trên tổng số 8.710 trang web kinh doanh TMĐT là tỷ lệ rất nhỏ (7%), dẫn đến thất thu thuế lớn. Tuy nhiên, tính chất, nội dung của hoạt động này khác hẳn với kinh doanh truyền thống: không có địa điểm giao dịch cụ thể, có nhiều tài khoản trên một chủ sở hữu, sử dụng tiền mặt trong giao dịch, sử dụng nhiều cách thanh toán... Đơn cử, người bán chuyển hàng qua đơn vị giao hàng, người giao hàng thanh toán cho người bán, sau đó chuyển hàng cho khách, khách lại thanh toán lần hai cho người giao hàng cùng với phí vận chuyển. Hay người mua chuyển tiền mặt cho người bán nhưng không ghi rõ nội dung gì; người bán vừa bán ở quầy truyền thống có kê khai thuế với cơ quan thuế theo doanh thu nhưng vẫn bán hàng trên mạng điện tử và phần doanh thu này không kê khai...

Tuy có nhiều khó khăn, song ngành thuế bước đầu đã triển khai một số giải pháp để tăng cường quản lý, truy thu thuế TMĐT. Theo ông Nguyễn Sắc, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Thanh Khê - Liên Chiểu, Chi cục đã xác định được nhiều trường hợp giao dịch, mua, bán sản phẩm hoặc dịch vụ trong môi trường trực tuyến ở trên địa bàn. Đây cũng là lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, là nhiệm vụ trọng tâm chống thất thu thuế năm 2021. Hiện Chi cục Thuế khu vực Thanh Khê - Liên Chiểu đã thành lập 3 tổ kiểm tra, giám sát về lĩnh vực thuế TMĐT. Trong đó, 2 tổ sẽ thực hiện việc tìm kiếm, khai thác thông tin các công ty vận chuyển; các tổ chức, cá nhân có phát sinh hoạt động bán hàng online; các ứng dụng giao nhận đồ ăn. Tổ còn lại sẽ xử lý dữ liệu được 2 tổ trên khai thác.

Ngành thuế thành phố đang thực hiện các giải pháp để quản lý thuế thương mại điện tử hiệu quả trong thời gian đến. TRONG ẢNH: Khách hàng tham khảo mua hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee.  Ảnh: M.QUẾ
Ngành thuế thành phố đang thực hiện các giải pháp để quản lý thuế thương mại điện tử hiệu quả trong thời gian đến. TRONG ẢNH: Khách hàng tham khảo mua hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee. Ảnh: M.QUẾ

Trong khi đó, bà Lê Thị Kim Liên, Chi cục phó Chi cục Thuế khu vực Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho hay, đoàn viên Đoàn Thanh niên của Chi cục đã thành lập 8 tổ để thu thập thông tin đối với các cá nhân bán hàng trực tuyến trên mạng, trong đó, 6 tổ ở quận Sơn Trà và 2 tổ ở quận Ngũ Hành Sơn. Hiện nay Đội Kiểm tra trực thuộc Chi cục Thuế khu vực Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đang phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn thu thập các thông tin như: dữ liệu dòng tiền giao dịch qua tài khoản của các tổ chức, cá nhân trong nước với các tổ chức cung cấp dịch vụ trực tuyến nước ngoài như Google, Facebook, Youtube… Bên cạnh đó, rà soát, xác định đầy đủ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trung gian vận chuyển, trung gian thanh toán để chủ động thu thập dữ liệu về số lượng hàng hóa vận chuyển liên quan đến các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh.

“Việc thu thuế trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh qua mạng điện tử hiện nay nếu chỉ riêng ngành thuế thì khó có thể thực hiện được vì có những giao dịch qua ngân hàng thì ngân hàng chuyển thông tin qua cơ quan thuế mới biết. Vì vậy, thời gian tới, Cục Thuế sẽ tăng cường phối hợp các cơ quan như cảnh sát kinh tế, ngân hàng thương mại để tiếp tục nắm bắt thông tin. Ngoài ra, Cục Thuế đang tăng cường tuyên truyền để cá nhân kinh doanh TMĐT nâng cao ý thức tự giác về nghĩa vụ thuế”, ông Lưu Đức Sáu cho biết.

Ngày 13-5 vừa qua, Cục Thuế đã ban hành kế hoạch về tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, chống thất thu thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số. Trong đó xác định việc quản lý, chống thất thu với lĩnh vực TMĐT là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Đồng thời, tăng cường rà soát các đối tượng như website; các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT (Shopee, Sendo, Tiki…); các tổ chức, cá nhân có hợp đồng giao nhận hàng hóa với các công ty chuyển phát và các doanh nghiệp kinh doanh game online.

TS. Võ Quang Trí, Trưởng khoa Thương mại điện tử, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng):

Cần phân loại được các loại hình và hàng hóa giao dịch

Giải pháp chống thất thu thuế TMĐT căn cơ nhất là xây dựng được hệ thống giám sát giao dịch điện tử hiệu quả, cho phép theo dõi các giao dịch phát sinh trên địa bàn, kết hợp với các dữ liệu từ các ngành liên quan để truy thu, xử phạt răn đe các trường hợp trốn thuế. Bên cạnh đó, nên xây dựng một chính sách khuyến khích tự giác kê khai nộp thuế TMĐT theo nguyên tắc nộp thuế có lợi hơn nhiều so với trốn thuế. Để có được hai điều kiện trên cần thời gian triển khai thực hiện.

Đối với việc chống thất thu thuế TMĐT trong thời điểm hiện tại, tôi đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, cần phân loại được các loại hình và hàng hóa giao dịch qua TMĐT, hàng hóa cần vận chuyển thông thường (vật chất) và hàng hóa số (dịch vụ quảng cáo, sản phẩm số…). Việc phân loại này sẽ giúp cho ngành thuế có thể xây dựng các phương án giám sát kinh doanh tốt hơn. Ví dụ như các hàng hóa phải giao nhận thì có phương án hợp tác với các công ty giao nhận, vận chuyển để có được thông tin về tình hình giao dịch thương mại, từ đó ước tính được khối lượng TMĐT nói chung.

Thứ hai, thống kê, rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh doanh có thể phát sinh hoạt động TMĐT trên địa bàn và phân loại theo các loại hình khác nhau. Việc này sẽ giúp triển khai tuyên truyền, giám sát được hiệu quả hơn. Mặc dù TMĐT giao dịch trực tuyến nhưng các đối tượng giao dịch lại là hiện hữu.

Thứ ba, có thể đề xuất một chính sách thuế phù hợp cho các loại hình kinh doanh TMĐT theo hướng thuế khoán. Vì triển khai thuế theo hình thức này sẽ khuyến khích các cá nhân, tổ chức chọn nộp thuế hơn là trốn thuế, tất nhiên phải nghiên cứu kỹ điều kiện triển khai.

Ths.Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Văn phòng Luật sư PHONG & PARTNERS:

Có chính sách thưởng cho những người cung cấp thông tin

Nhiều người đã có ý kiến về giải pháp thu thuế TMĐT hiệu quả như xây dựng chương trình đào tạo cho cán bộ thuế về công nghệ thông tin, đào tạo về kỹ năng khai thác dữ liệu… Theo tôi, để đạt được hiệu quả nhanh chóng trong công tác thu thuế từ hoạt động TMĐT, ngành thuế cần xây dựng chính sách thưởng cho những cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin chính xác về những cá nhân, tổ chức đang hoạt động TMĐT nhưng chưa tự nguyện kê khai nộp thuế. Mức thưởng dựa trên % số tiền truy thu thuế và xử phạt. Chỉ cần đưa ra chính sách đó, tôi tin số lượng cá nhân tự kê khai, nộp thuế liên quan đến hoạt động TMĐT sẽ tăng lên.

 MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.