Thương mại điện tử (TMĐT) tại Đà Nẵng phát triển nhanh, nhiều loại hàng hóa có thể mua, bán qua mạng. Hình thức kinh doanh này giúp doanh nghiệp (DN) đa dạng kênh phân phối, tiếp cận thị trường, giảm chi phí. Tuy nhiên, việc giao dịch trực tuyến cũng gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong kiểm tra, kiểm soát.
Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại 4B Chơn Tâm 1, quận Liên Chiểu. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Khó xử lý các vụ vi phạm
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng, trong năm 2020, đơn vị nhận được nhiều thông tin khiếu kiện của người dân về chất lượng hàng hóa khi mua hàng trực tuyến. Song việc xử lý không dễ dàng vì phải chứng minh được hành vi vi phạm với sự việc, con người và món hàng cụ thể. Trong khi đó, người dân thường không có văn bản khiếu kiện với đầy đủ thủ tục mà chỉ gọi điện thoại “nói miệng”. Chưa kể, hầu hết các giao dịch đều không có hóa đơn, chứng từ khiến việc xử lý càng thêm khó khăn; việc xác định đối tượng vi phạm cũng không dễ vì thường giao nhận hàng hóa thông qua dịch vụ chuyển phát.
Đáng lưu ý, hầu hết các vụ khiếu nại đều liên quan đến chất lượng hàng hóa, như: hàng nhận được không giống với quảng cáo, thông tin sai về xuất xứ, bao gồm các hành vi vi phạm như: không đăng ký, thông báo website, cung cấp sản phẩm không bảo đảm chất lượng, giả mạo DN khác nhằm lừa khách hàng.
Quyền Cục trưởng Cục QLTT Đà Nẵng Trần Phước Trí thông tin, một cá nhân có thể dễ dàng tự thiết lập và sử dụng website TMĐT vào hoạt động mua bán, kinh doanh của mình nên việc quản lý hoạt động của các website TMĐT do các cá nhân thiết lập gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng thường thiết lập website TMĐT có địa chỉ gần giống với website TMĐT của DN khác nhằm mục đích lợi dụng thương hiệu, hình ảnh và uy tín của DN đó để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình, gây nhầm lẫn đối với khách hàng.
“Hàng hóa vi phạm tuy được rao bán công khai tại các website TMĐT nhưng chưa có giải pháp cụ thể để xác minh, xác định địa chỉ của các website đang hoạt động, đặc biệt là các website có tên miền quốc tế với đuôi tên miền “.com”, “.online”, “.site”. Các vụ vi phạm liên quan đến giao dịch TMĐT thường liên quan đến yếu tố nước ngoài. Trong khi đó, việc xét duyệt thông tin người bán, đăng tin bán, thanh toán… đều thông qua đơn vị vận hành sàn TMĐT mà thả lỏng việc xét duyệt hồ sơ để tăng doanh thu, lợi nhuận gây khó khăn trong công tác xác định địa điểm kinh doanh, tư cách pháp lý của doanh nghiệp”, ông Trần Phước Trí đề cập thêm.
Hướng đến môi trường kinh doanh lành mạnh
Trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, TMĐT là xu hướng tất yếu trong giao dịch thương mại, từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và phương thức kinh doanh của DN. Ông Võ Văn Khanh, Chi hội trưởng Hiệp hội TMĐT tại Đà Nẵng cho rằng, để giải quyết hiện tượng hàng giả, hàng nhái kinh doanh trên sàn TMĐT thì cần kiểm soát quản lý chất lượng sản phẩm bán trên các sàn TMĐT ngay từ khâu đầu tiên, thông qua việc lựa chọn các tổ chức, cá nhân kinh doanh có đầy đủ pháp lý DN, sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Thêm vào đó là công khai, minh bạch thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT. Đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website TMĐT bán hàng, cần phải cung cấp những thông tin mô tả chi tiết, rõ ràng để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ. Sàn TMĐT cũng xây dựng hệ thống khiếu nại, góp ý cho người mua hàng khi gặp phải tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng. Cục QLTT cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra thường xuyên đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh qua mạng xã hội”, ông Khanh nói.
Để khắc phục những nhược điểm của TMĐT, hướng đến môi trường kinh doanh lành mạnh, có lợi cho người tiêu dùng, ông Trần Phước Trí cho rằng, cần xác định đúng bản chất, cá nhân hiện diện trên môi trường trực tuyến và sự tham gia của nhiều đơn vị như quản lý thị trường, an ninh mạng, thông tin truyền thông. “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử trong lĩnh vực công thương như: TMĐT, thanh toán điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, logistics… tính đồng bộ chưa cao, chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn kinh doanh trực tuyến trong bối cảnh TMĐT. Ví dụ, một số hành vi vi phạm trên TMĐT như đăng tải các hình ảnh, thông tin về thuốc chữa bệnh có kê đơn, rượu, thuốc lá lậu… nhưng chưa có chế tài xử lý về mặt TMĐT đối với các hoạt động này dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai”, ông Trần Phước Trí nói.
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng và DN, người tiêu dùng cần chủ động hơn trong việc phát hiện và cảnh báo những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, góp phần lành mạnh hóa thị trường, thúc đẩy TMĐT kinh doanh theo hướng văn minh, là động lực cho kinh tế số phát triển mạnh mẽ.
QUỲNH TRANG