Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động khó khăn do Covid-19

.

Trước tác động nặng nề của Covid-19 đối với nền kinh tế, nhiều chính sách của Trung ương và địa phương tiếp tục được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp giảm khó khăn, duy trì việc làm cho người lao động.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động khó khăn là kịp thời và cần thiết trong thời điểm Covid-19 ảnh hưởng  lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: KIM LIÊN
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động khó khăn là kịp thời và cần thiết trong thời điểm Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: KIM LIÊN

Sau hơn 3 tháng triển khai, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19-4-2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 được đánh giá là chính sách hỗ trợ có khá nhiều đối tượng được thụ hưởng. Theo số liệu của Cục Thuế thành phố, tính đến ngày 21-7, có 2.888 giấy đề nghị gia hạn đúng thủ tục được gửi tới cơ quan thuế, trong đó có 1.727 doanh nghiệp và 1.161 hộ kinh doanh. Tổng số tiền gia hạn thuế (gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh) hơn 510 tỷ đồng.

Song song với chính sách gia hạn thuế, các ngân hàng cũng triển khai đồng thời hai chính sách hỗ trợ là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 2-4-2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 và giảm lãi suất cho vay.

Là doanh nghiệp được giảm lãi suất cho vay trong đợt này, ông Ngô Bảo Thiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải du lịch và Dịch vụ thương mại Long Hiền cho biết: “Công ty đã được giảm 0,5% lãi suất với các khoản vay hiện hữu tại các ngân hàng. Quy trình cũng khá đơn giản vì doanh nghiệp khi nghe thông tin giảm lãi suất đã chủ động liên hệ với các ngân hàng, sau khi xem xét thì ngân hàng đã đồng ý chỉ sau vài ngày. Doanh nghiệp vui vì được đồng ý giảm lãi suất trong khi thời điểm này năm ngoái, chúng tôi có đề nghị giảm lãi suất, nhưng bị từ chối nên có thể thấy lần giảm lãi suất này của các ngân hàng “thực chất” hơn và doanh nghiệp có thể tiếp cận”.

Ông Thiên cho biết thêm, khoảng 2 tháng trước, công ty cũng đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN.

Các ngân hàng thực hiện đồng thời hai chính sách cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất cho vay.  Trong ảnh: Người dân giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ
Các ngân hàng thực hiện đồng thời hai chính sách cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất cho vay. TRONG ẢNH: Người dân giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ

Hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do Covid-19

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Nguyễn Hùng Anh cho biết, BHXH thành phố đang tích cực triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ. BHXH thành phố đã gửi thông báo số tiền tạm tính điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7-2021 đến tháng 6-2022 (12 tháng) cho 9.340 đơn vị sử dụng lao động (gần 175.000 lao động) tổng cộng kinh phí khoảng 61,3 tỷ đồng. Dự kiến xác nhận lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng từ tháng 5-2021 đến ngày 22-7 khoảng 8.834 người.

Trên cơ sở phối hợp với BHXH thành phố, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Đà Nẵng cũng đang triển khai cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh. Từ ngày 1-7 đến 28-7-2021, NHCSXH chi nhánh Đà Nẵng đã cho vay cho hơn 1.430 lao động với số tiền khoảng 71,3 tỷ đồng. Số tiền vay bình quân mỗi lao động 50 triệu đồng. Đối với người lao động trong lĩnh vực du lịch vay vốn để chuyển đổi ngành nghề hoặc khôi phục sản xuất, kinh doanh, NHCSXH cho vay tối đa 100 triệu đồng. Tính tới ngày 28-7, đã có 89 lao động lĩnh vực du lịch vay vốn với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng, số tiền vay bình quân mỗi lao động 54 triệu đồng.

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Giám đốc Công ty TNHH Ô-tô Hồng Sơn Star Đà Nẵng Nguyễn Hồng Cương cho biết, về cơ bản, các doanh nghiệp đánh giá cao mức độ hữu ích của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mà Trung ương và thành phố đã ban hành. Cụ thể là chính sách về hỗ trợ giảm lãi suất, giãn thời gian cho vay, cho vay mới và hỗ trợ về bảo hiểm xã hội. Có thể thấy, các chính sách được ban hành trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế nhưng được thực hiện tương đối khẩn trương và đã có nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng. Qua nắm bắt thông tin từ các hội viên, trong Hội Doanh nhân trẻ đã có nhiều doanh nghiệp dịch vụ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ ngân hàng và giảm lãi suất cho vay. Đơn cử, Công ty TNHH Ô-tô Hồng Sơn Star Đà Nẵng đã được giảm lãi suất cho vay trong đợt này là 0,5% và 1% từ 2 ngân hàng.

Ông Cương đánh giá, trong các định phí hằng tháng của doanh nghiệp thì lãi ngân hàng chiếm khá lớn, vì vậy, việc giảm lãi suất và cơ cấu nợ lần này cũng giúp một phần chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng thương mại trong đợt này vẫn chưa thấy động thái giảm lãi suất nên doanh nghiệp cũng mong muốn việc giảm lãi suất cho vay này sẽ được triển khai đồng bộ nhất. Việc hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hiện nay đang là vấn đề cấp bách vì nếu không có tín dụng, doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản. Ngoài ra, các ngân hàng cũng nên cân nhắc việc giảm thêm lãi suất với các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt vì đợt dịch lần này có tác động lớn tới đời sống và kinh tế.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Phạm Bắc Bình cho rằng, đây là những động thái tích cực mà cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi. Ông Bình cũng mong muốn cần quan tâm hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng “chống chịu” của nhóm doanh nghiệp này chưa cao.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.