ĐNO - Hiện nay, hoạt động sản xuất tại một số doanh nghiệp gặp khó khăn khi không thực hiện được hồ sơ, chứng từ xuất khẩu hàng hóa do hoạt động bưu chính, bưu phẩm tạm dừng. Trong khi đó, việc bảo đảm nhu cầu "3 tại chỗ" cho người lao động cũng là thách thức không nhỏ.
Nhiều doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ vướng mắc về hồ sơ, thủ tục để hoạt động xuất, nhập khẩu thuận lợi hơn. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Vinatex quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Triển khai hoạt động sản xuất theo giải pháp “3 tại chỗ” từ ngày 16-7 đến nay với 430 công nhân trực tiếp tham gia lao động (trên tổng số hơn 1.000 công nhân làm việc tại đơn vị), Công ty Vinatex quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng ở Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh giải quyết bài toán về nguồn lương thực, thực phẩm bằng cách thương thảo với các nhà cung ứng lớn trên địa bàn để bảo đảm nguồn cung.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Trực, Giám đốc Công ty Vinatex quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng, thực tế có thời điểm nguồn cung không quá dồi dào do một số nhà cung ứng gặp khó khăn trong việc vận chuyển. Ngoài ra, đơn vị còn gặp khó khăn khi không thể nhận hoặc gửi được chứng từ gốc để lưu thông nguồn hàng hóa xuất, nhập khẩu.
“Chúng tôi luôn đồng tình với các biện pháp phòng, chống dịch mà thành phố triển khai, tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nên chăng cần có giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện hồ sơ, giấy tờ để lưu thông hàng hóa xuất khẩu”, ông Trực cho hay.
Tại Công CP Thủy sản Đà Nẵng (KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng), để bảo đảm việc ăn ở cho hơn 30 công nhân tại đơn vị theo phương án “3 tại chỗ”, thời gian qua công ty tận dụng nguồn thực phẩm là thủy hải sản có sẵn của đơn vị, đồng thời kết nối một số nhà cung ứng khác từ bên ngoài.
Tuy vậy, theo ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công CP Thủy sản Đà Nẵng, thời gian tới, cần tăng thêm các điểm bán hàng lưu động tại khu vực quận Sơn Trà nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung hàng hóa dễ dàng hơn khi các biện pháp phòng, chống dịch vẫn đang được siết chặt.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Cường, Phó Giám đốc Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng - đơn vị quản lý KCN Hòa Khánh và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng cho biết, thời gian đầu thực hiện biện pháp “ai ở đâu thì ở đó”, một số doanh nghiệp trong KCN Hòa Khánh gặp khó khăn trong việc kết nối các đơn vị cung ứng hàng hóa do việc vận chuyện gặp vướng. Sau ngày 26-8, thành phố tiến hành đổi ca, mọi việc được tháo gỡ tốt hơn.
Theo báo cáo từ Ban quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp giải quyết vấn đề về bổ sung thực phẩm cho doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng khan hiếm thực phẩm.
Tuy nhiên, đơn vị cũng đề xuất thành phố bố trí tại mỗi KCN một địa điểm cung ứng thực phẩm cho các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ". Ngoài ra, Công an các quận sớm cấp các giấy đi đường cho cán bộ, nhân viên công ty dừng hoạt động trong thời gian này để thực hiện các thủ tục về lương, hành chính.
Bên cạnh đó, qua nắm bắt thông tin từ các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm này, vướng mắc lớn nhất hiện nay vẫn là việc giao nhận chứng từ không thực hiện được, hàng hóa nhập khẩu/xuất khẩu không nhận hoặc gửi được chứng từ gốc để lấy hàng; một số trường hợp thực hiện hợp đồng lắp đặt, giao hàng gấp (do đã có kế hoạch hợp đồng trước khi giãn cách) cần được quan tâm, giải quyết.
Ngoài ra, hiện nay, việc thanh toán quốc tế gặp trở ngại khi các hãng vận chuyển thư tín dừng hoạt động. Trước thực tế này, các doanh nghiệp đề xuất thành phố cho phép hoạt động trở lại dịch vụ bưu chính, bưu phẩm để nhận được chứng từ, tài liệu gốc. Nếu được, thành phố xem xét cho 1 hãng vận chuyển thư tín hoạt động với quy mô hạn chế nhất nhằm tạo thuận lợi và phục vụ hoạt động sản xuất vẫn đang diễn ra trên địa bàn.
KHÁNH HÒA