Theo một số hộ nuôi trồng nấm trên địa bàn thành phố, nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm nấm sạch hiện còn rất lớn. Nấm được thương lái bao mua nên không lo đầu ra.
Khu vực trồng nấm của hộ anh Phan Văn Hiếu (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) đang mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Hiện nay, thành phố có gần 20 hợp tác xã (HTX) trồng nấm rơm, nấm bào ngư, nấm linh chi... Với quy mô sản xuất gần 2.000m2, HTX nấm Nhơn Phước (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) mỗi năm trồng 2 đợt nấm linh chi và nấm dược liệu. Riêng nấm bào ngư treo gối đầu quanh năm với hơn 28.000 bịch phôi. Hằng năm, HTX cung cấp hơn 100.000 bịch phôi giống cho hộ nông dân trên địa bàn thành phố và tỉnh Quảng Nam.
Anh Nguyễn Văn Nhi, Giám đốc HTX nấm Nhơn Phước cho biết, nấm bào ngư có giá bán trung bình tại trại là 40.000 đồng/kg, nấm linh chi, nấm dược liệu dao động 800.000 - 1 triệu đồng/kg. Giống nấm và bịch phôi là sản phẩm chủ lực chiếm 70% tổng doanh thu nên HTX đang đẩy mạnh năng lực cung cấp cho thị trường từ 8-10 tấn giống nấm/năm và từ 80.000-100.000 bịch phôi/năm. Người tiêu dùng ngày càng chuộng nấm trồng trong nước vì ngon hơn và an toàn.
Trang trại nấm bào ngư của anh Phan Văn Hiếu (thôn Hiền Phước, xã Hòa Liên) có 7 nhà lưới, mỗi nhà có diện tích khoảng 50m2 với 2 nhà lưới dùng để cấy phôi nấm, 5 nhà lưới dùng để treo bịch phôi nấm và 1 lò hấp tiệt trùng phôi nấm. Trang trại cung ứng ra thị trường 50kg nấm bào ngư/ngày. Các ngày rằm, mồng một, sản lượng cung ứng 150-200kg nấm.
“Các tiểu thương ở chợ đầu mối Hòa Cường và chợ Hòa Khánh bao mua nấm tại trại của tôi và của các trại khác trên địa bàn xã nên chúng tôi không lo đầu ra. Nhiều tiểu thương liên hệ đặt hàng tôi cung cấp cho họ 300kg nấm vào các ngày rằm, mồng một nhưng trại tôi không đủ khả năng. Nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm nấm tươi hiện còn lớn, do đó, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng quy mô nhà xưởng và tăng diện tích nuôi trồng nấm”, anh Hiếu nói.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa (trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ: “Gia đình tôi thường mua nấm các loại về chế biến món ăn để hạn chế tiêu thụ thịt, cá. Nhiều loại nấm trong nước sản xuất rất tươi ngon giá lại rẻ và an tâm về chất lượng, nhất là nấm rơm, bào ngư, đông cô. Riêng các loại nấm nhập ngoại tôi ít mua sử dụng vì đắt tiền”.
Qua khảo sát tại các chợ, hầu hết các quầy hàng bán rau hành, lagim đều bán thêm các loại nấm bào ngư, đùi gà, kim châm, đông cô, nấm tuyết... Các tiểu thương cho biết, nấm thường được sản xuất ngay tại thành phố, hạn chế nấm nhập từ nơi khác về do đây là mặt hàng không bảo quản được lâu, chi phí vận chuyển lớn nên không thuận tiện. Hiện, giá bán các loại nấm giữa các chợ truyền thống không chênh lệch nhiều. Cụ thể, nấm bào ngư có giá 50.000-60.000 đồng/kg, nấm rơm 120.000-180.000 đồng/kg (tùy theo loại ở dạng tự nhiên hay được gieo trồng hoặc ở dạng búp hay đã nở có thân và mũ), nấm đùi gà 100.000-140.000 đồng/kg...
Tiểu thương Võ Thị Ngọc Vân (lô 11-18, chợ Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) cho biết, trung bình mỗi ngày bán hơn 10kg nấm các loại, trong đó, nhiều nhất là nấm bào ngư với hơn 5kg/ngày. Vài năm trở lại đây, mặt hàng nấm được tiêu thụ khá mạnh trên thị trường, hầu như lấy ngày nào bán hết ngày đó, không có hàng tồn.
Tương tự, tiểu thương Nguyễn Thị Thảo (chợ Mới, quận Hải Châu) cho hay, so với thịt heo, thịt bò, các loại hải sản thì nấm có giá rẻ hơn nhiều, lại chế biến được nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng nên mặt hàng này tiêu thụ tốt tại các chợ. Nhất là vào những ngày rằm, mồng một, sức mua tăng gấp 3, 4 ngày thường.
Khảo sát tại các hệ thống siêu thị, hầu hết sản phẩm nấm đều có nhãn mác ghi tên cơ sở sản xuất, đơn vị nhập khẩu, các thông số chất lượng, hạn sử dụng... Theo bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị Big C Đà Nẵng, khách hàng ngày càng ưa chuộng các món ăn được chế biến từ nấm tươi nên mặt hàng này tiêu thụ khá tốt. Vào các ngày rằm, mồng một, siêu thị thường tổ chức “chạy” các chương trình “lễ hội chay” với nhiều ưu đãi hấp dẫn nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm từ nấm, phục vụ nhu cầu của khách hàng.
QUỲNH TRANG