Nguồn cung và phân phối hàng hóa dần ổn định

.

ĐNO - Tiếp tục bảo đảm thị trường cung ứng hàng hóa, lương thực, thiết yếu đến người dân, địa phương và các thành phần kinh tế cùng tham gia chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa với giá bán ổn định. Đến nay, hoạt động mua sắm hàng thiết yếu của người dân đang dần trở lại bình thường, sức mua trên thị trường đang có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hệ thống chợ từng bước được khôi phục giúp chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Ảnh: QUỲNH TRANG
Hệ thống chợ từng bước được khôi phục giúp chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Ảnh chụp tại chợ Hàn sáng 30-8. Ảnh: QUỲNH TRANG

Đơn đặt hàng qua hệ thống siêu thị hạ nhiệt

Sáng 31-8, đại diện các hệ thống siêu thị trên địa bàn cho biết, từ 2 ngày cuối tuần đến nay, các siêu thị nhận số lượng đơn hàng giảm đáng kể so với tuần trước.

Giám đốc siêu thị MM Mega Market Đà Nẵng Nguyễn Tiến Dương cho biết, siêu thị hoạt động theo hình thức trả đơn 3 ngày sau khi đặt. Nếu như trong tuần trước, số lượng đơn hàng luôn quá tải, dẫn đến kéo dài thời gian trả đơn hàng thì đầu tuần này, lượng đơn hàng giảm hẳn, siêu thị có thời gian tập trung giải quyết dứt điểm những đơn tồn đọng. Bên cạnh đó, số lượng đơn hàng được đặt thông qua các tổ chức thực hiện nhiệm vụ “3 tại chỗ” cũng giảm mạnh.

“Nhiều người thắc mắc tại sao truy cập vào trang web mua hàng của MM Mega Market luôn trong tình trạng tạm ngừng phục vụ. Thực tế, hệ thống vận hành fanpage tự động khóa khi đơn hàng chạm mốc 200 đơn. Tuy nhiên, chỉ 30 phút - 60 phút sau, khi khách hàng truy cập lại sẽ đặt được đơn hàng. Có lẽ, do hiện nay có nhiều kênh mua sắm khác nên khách hàng không còn “kiên trì” đặt đơn”, ông Dương thông tin thêm.

Tương tự, tại siêu thị Big C Đà Nẵng, số điện thoại hotline, fanpage bán hàng của siêu thị đã “hạ nhiệt”, không còn rơi vào tình trạng quá tải như những ngày trước.

Giám đốc Big C Đà Nẵng Võ Thị Thu Thủy cho biết, khoảng 2,3 ngày trở lại đây, số lượng đơn đặt hàng tại siêu thị giảm 30%. “Nếu như tuần trước, người dân đặt hàng phải 2-3 ngày mới nhận được thì những ngày cuối tuần, đặt trong buổi sáng thì buổi chiều nhận được hàng, người dân rất ngạc nhiên. Nhiều kênh bán hàng được mở ra đã giảm tải áp lực cho các siêu thị”.

Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng bán hàng theo combo. Trong tuần trước, mỗi ngày siêu thị cung ứng ra thị trường 500 combo thì 3 ngày gần đây, số lượng combo bán ra chỉ 150 - 200 combo/ngày.

“Một số cửa hàng thực phẩm, chợ truyền thống hoạt động trở lại, rồi kênh bán hàng của Công an thành phố, các địa phương chủ động đặt hàng từ các tỉnh, thành lân cận nên người dân có nhiều lựa chọn mua sắm. Hiện thị trường hàng hóa đã dần ổn định hơn”, ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Co.opmart Đà Nẵng nhận định.

Nỗ lực tìm nguồn hàng cung ứng

Có mặt tại chợ Hàn, ông Nguyễn Bốn, tổ trưởng tổ 6 (phường Hải Châu 1) phấn khởi nói: “Nghe chợ mở lại mà mừng hơn cái chi! Từ 6 giờ sáng tui đã đạp xe đi “trinh sát” trước, coi có đúng như báo chí nói là chợ mở lại không. Tới nơi thấy hàng hóa đầy đủ, mừng chi mà mừng”.

Tính đến nay, hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều tổ chức bán hàng lưu động, mang hàng hóa, nhu yếu phẩm đến từng địa bàn dân cư. 

Từ ngày 30-8, UBND quận Ngũ Hành Sơn cho phép người dân tiếp nhận hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt và đời sống chuyển gửi đến các điểm chốt phòng, chống Covid-19 khu vực giáp tỉnh Quảng Nam.

Một số người dân cư trú trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có nguồn hàng thực phẩm từ quê nhà đã liên kết với các ban điều hành khu dân cư để nhận đơn đặt hàng.

Chị Ngọc Hoa (trú tổ 26, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) vui mừng kể: “Chiều hôm qua, trong nhóm zalo của tổ, có một bạn đứng ra gom đơn trái cây, rồi bạn khác gom đơn cá nục, chả bò, nem, chả heo… Mọi người trong tổ ai nấy đều phấn khởi vì từ hôm nay, bữa ăn sẽ được cải thiện với đầy đủ thực phẩm hơn”.

Tại địa bàn quận Cẩm Lệ, địa phương cũng chủ động liên hệ đặt mua hàng hóa và tổ chức các điểm bán lưu động tại các phường Hòa An, Hòa Thọ Đông, Khuê Trung, Hòa Thọ Tây với 20 tấn thủy, hải sản, 1 tấn dưa hấu…

Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Nguyễn Thành Nam thông tin, tình hình cung ứng lương, thực phẩm trên địa bàn quận đã ổn định hơn so với những ngày trước đó do địa phương chủ động đặt thêm hàng hóa tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Trên địa bàn quận hiện có 15 điểm bán hàng và chợ tạm để cung ứng hàng hóa thiết yếu. Ngoài ra, các phường đã tổ chức xe bán hàng lưu động để phục vụ người dân với các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, cá.

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện chuỗi cung ứng thực phẩm chủ đạo của thành phố là hệ thống chợ truyền thống, chợ đầu mối, cảng cá Thọ Quang, cửa hàng tiện lợi… vẫn tạm ngưng hoạt động. Sự chủ động của các địa phương trong vấn đề tìm nguồn cung thực phẩm và phân phối đến người dân là cần thiết để chia sẻ áp lực với hệ thống siêu thị.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.