Huyện Hòa Vang là địa bàn trọng điểm của thành phố về công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án đầu tư phát triển. Địa phương đang đề xuất cho phép hộ giải tỏa làm nhà tạm chờ nhận đất tái định cư (TĐC) để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Dự án tuyến đường Vành đai phía tây qua 5 xã của huyện Hòa Vang với hơn1.600 hồ sơ giải tỏa, bố trí tái định cư. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Thiếu quỹ đất tái định cư tại chỗ
Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Hà Nam cho biết, vướng mắc hiện nay trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đầu tư là việc giao đất tái định cư. Huyện có nhiều dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn các xã, các cụm dân cư, do đó, để thực hiện các chính sách về hỗ trợ, đền bù vốn đã khó và phức tạp thì việc bố trí đất TĐC càng khó hơn.
Được biết, hiện có 2 dự án hạ tầng giao thông tại huyện Hòa Vang đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại 7 xã. Cụ thể, dự án tuyến đường Vành đai phía tây qua các xã Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Ninh và Hòa Liên; dự án tuyến đường ĐH2 qua các xã Hòa Sơn, Hòa Nhơn. Riêng công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án tuyến đường Vành đai phía tây có đến 1.602 hồ sơ giải tỏa; dự án tuyến đường ĐH2 còn 43 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng.
Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công mà nguyên nhân là do chưa có quỹ đất tái định cư. Qua nguồn quỹ đất TĐC hiện có và trên hồ sơ dự án khu TĐC chuẩn bị đầu tư, 2 dự án này có 71 hồ sơ nhà đất cần giải quyết đất ở TĐC để giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Hà Nam thông tin thêm, trong năm 2021, huyện Hòa Vang triển khai 62 dự án, công trình mang tính động lực, trọng điểm. Theo đó, huyện Hòa Vang thực hiện một khối lượng lớn công tác giải phóng mặt bằng với 3.724 hồ sơ của các đối tượng thuộc diện giải tỏa. Qua 7 tháng triển khai, địa phương đã thực hiện 1.608 hồ sơ (hiện còn 2.116 hồ sơ) nhưng chỉ bàn giao đến hộ giải tỏa 553 lô đất TĐC.
Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Nguyễn Minh Huy cho hay, việc triển khai các dự án giao thông trên địa bàn huyện Hòa Vang đều có phương án về đền bù, giải tỏa và bố trí TĐC. Đơn vị đang lập thủ tục, hồ sơ 3 dự án hạ tầng TĐC.
Tuy nhiên, thủ tục đầu tư xây dựng các khu TĐC thường kéo dài nên một số dự án hiện vẫn chưa thực hiện. Việc đầu tư dự án TĐC cũng liên tục gặp khó khăn bởi cần thực hiện công tác giải phóng mặt bằng rồi đến triển khai đầu tư hạ tầng, tỷ lệ hộ giải tỏa cần nhu cầu quỹ đất TĐC theo đó tăng lên.
Thí điểm cho phép hộ giải tỏa tự làm nhà tạm trước, nhận đất tái định cư sau
Đặc thù ở huyện Hòa Vang, khi triển khai dự án đầu tư xây dựng thì công tác giải phóng mặt bằng, bố trí TĐC tác động đến hộ gia đình nông thôn. Người dân sinh sống theo cộng đồng dân cư, gia tộc cùng với đời sống sinh hoạt gắn liền với canh tác nông nghiệp. Tại nơi ở cũ hay nơi ở TĐC sau giải tỏa phải gắn với điều kiện sinh hoạt và làm việc của người nông dân.
Theo Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Hà Nam, mặc dù chủ trương, chính sách thành phố cho phép thực hiện phương án hỗ trợ bằng tiền để hộ giải tỏa thuê nhà để chờ nhận đất TĐC. Song, ở vùng nông thôn thì khó có quỹ nhà để hộ giải tỏa thuê ở; mặt khác, nếu có nhà ở thì cũng không bảo đảm các điều kiện khác về diện tích để chứa các vật dụng gia đình, vật dụng sản xuất vốn là công cụ lẫn tài sản của người dân vùng nông thôn. Đối với việc xây dựng các khu nhà tạm liền kề để bố trí hộ giải tỏa vào ở tạm chờ nhận đất TĐC như tại các quận, huyện khác ở thời điểm này càng khó thực hiện.
Ông Nguyễn Hà Nam phân tích, trong thời điểm hiện nay, tất cả các nguồn vốn đầu tư đều tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng nên dù đầu tư khu nhà tạm liền kề vẫn tương tự như đầu tư dự án khu TĐC mới và phát sinh nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác về cấp điện, thoát nước, vệ sinh môi trường.
Từ thực tế trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí TĐC, UBND huyện Hòa Vang kiến nghị UBND thành phố cho phép địa phương thí điểm cho hộ giải tỏa tự làm nhà ở tạm để chờ nhận đất ở TĐC. Theo đề xuất này, UBND huyện Hòa Vang và chính quyền các xã khu vực dự án cho phép hộ giải tỏa đang chờ nhận đất thực tế để làm nhà ở TĐC thì được sử dụng quỹ đất công, đất hoang hóa.. để làm nhà ở tạm. Sau khi hộ giải tỏa được bàn giao thực tế đất ở TĐC và làm nhà ở mới thì tự tháo dỡ nhà ở tạm bàn giao đất lại cho địa phương. Điều kiện để ràng buộc hộ giải tỏa làm nhà ở tạm trên đất công nếu không bàn giao lại đất ở tạm thì dừng cấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại dự án khu TĐC mới.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng, đề xuất cho phép hộ giải tỏa khu vực nông thôn huyện Hòa Vang được làm nhà ở tạm tại các vị trí đất công chờ nhận đất TĐC thực tế sẽ tạo thuận lợi cho thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, cần cân nhắc thực hiện thí điểm tại những khu vực dự án và hộ giải tỏa thực sự bức xúc về chỗ ở tạm. “Giải pháp cơ bản hơn vẫn là chính quyền thành phố chủ động đầu tư triển khai các khu nhà tạm để hộ giải tỏa đến sinh sống trước khi chờ đất TĐC”, ông Hùng nói. Ông Tô Văn Hùng cũng đề xuất cần chủ động điều chỉnh phương án bố trí TĐC, hoán đổi đất ở TĐC đối với hộ giải tỏa đến những khu TĐC đã có sẵn quỹ đất.
TRIỆU TÙNG