Doanh nghiệp dệt may nỗ lực vượt khó

.

Qua 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 304 triệu USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái, giữ vững vị trí thứ hai trong các ngành có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh của thành phố. Dù còn phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình sản xuất của các doanh nghiệp dệt may ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan.

Để giữ được ổn định và hy vọng vào tăng trưởng cuối năm nay, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực rất lớn.  Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: KHÁNH HÒA
Để giữ được ổn định và hy vọng vào tăng trưởng cuối năm nay, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực rất lớn. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: KHÁNH HÒA

Duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh

Tại Công ty CP Vinatex quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng (Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, quận Liên Chiểu), 450 công nhân đang trực tiếp tham gia sản xuất “3 tại chỗ”, luân phiên làm việc 3 ca/ngày để bảo đảm tiến độ các đơn hàng. Đây là đơn vị sản xuất và cung ứng nguồn vải dệt cho thị trường trong nước và quốc tế. Hiện đơn hàng cung ứng cho thị trường xuất khẩu qua Mỹ, Nhật Bản và một số nước ở châu Âu (chiếm khoảng 30% tỷ trọng sản xuất của đơn vị) đã cơ bản lấp đầy cho đến cuối năm.

Trong khi đó, 70% sản lượng còn lại cung ứng cho thị trường nội địa gặp phải khó khăn khi hầu hết các đối tác là doanh nghiệp dệt may ở các tỉnh, thành phía nam chưa tái khởi động do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh kéo dài trong vài tháng qua.

Ông Nguyễn Chí Trực, Giám đốc Công ty CP Vinatex quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, duy trì hoạt động sản xuất khi thành phố áp dụng các biện pháp mạnh để phòng dịch nên sản lượng của đơn vị giảm khoảng 30% so với thời điểm chưa bùng phát đợt dịch lần thứ 4. “Đến nay, toàn bộ 100% cán bộ, người lao động tại đơn vị đã được tiêm vắc-xin, hy vọng sẽ sớm được tiêm mũi thứ 2 để doanh nghiệp, người lao động yên tâm hơn trong việc tham gia, đẩy mạnh hoạt động sản xuất vào thời gian tới”, ông Nguyễn Chí Trực bày tỏ.

Theo Sở Công thương, hiện nay toàn thành phố có 9 doanh nghiệp tham gia sản xuất ngành hàng dệt may, sản xuất vải, sợi. Đây là nhóm ngành có tỷ trọng tương đối thấp trong ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng nhóm ngành này có các doanh nghiệp lớn như: Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3, Công ty TNHH Dệt Hòa Khánh… và một số doanh nghiệp FDI nổi bật như: Công ty TNHH Advance Nonwoven Việt Nam (KCN Hòa Cầm) chuyên sản xuất vải không dệt, Công ty TNHH Kane-m Đà Nẵng chuyên sản xuất phụ kiện quần áo, túi xách…

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may của thành phố có sự chuyển hướng đúng đắn khi chuyển dần từ tăng trưởng theo số lượng sang nâng cao năng suất lao động, gia tăng hàm lượng nội địa hóa; chủ động đầu tư trang thiết bị, nhân lực để đón đầu xu hướng dịch chuyển đơn hàng của nhà nhập khẩu. Một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và có chất lượng tốt tham gia vào chuỗi cung ứng như sản phẩm của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3…

Bên cạnh đó, không ít đơn vị đã nhanh nhạy chuyển sang sản xuất thêm các sản phẩm đang có nhu cầu lớn như đồ bảo hộ y tế, khẩu trang y tế… Theo Sở Công thương thành phố, sau 7 tháng đầu năm khởi sắc, đà tăng trưởng của ngành dệt may chững lại trong tháng 8 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thành phố áp dụng giãn cách dài ngày. Trong 8 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất ngành dệt ước giảm 0,81%, ngành may mặc ước giảm 10,34% so với cùng kỳ năm 2020.

Các doanh nghiệp dệt may tiếp tục duy trì sản xuất để xuất khẩu. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Dệt may 29-3.Ảnh: KHÁNH HÒA
Các doanh nghiệp dệt may tiếp tục duy trì sản xuất để xuất khẩu. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: KHÁNH HÒA

Nỗ lực vượt khó, kỳ vọng cuối năm

Theo các doanh nghiệp, dệt may là ngành có mức độ hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hai năm qua, dịch bệnh đã gây khó khăn chung cho tất cả các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có các quốc gia là thị trường truyền thống, chủ lực của ngành.

Dự báo từ các doanh nghiệp dệt may cho thấy, từ nay đến cuối năm, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu vẫn đang khá cao do các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, mở cửa trở lại; một số nền kinh tế lớn như Mỹ, các nước châu Âu triển khai các gói kích cầu thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng dệt may Việt Nam. Ngoài ra, với xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh, các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may của thành phố cũng bày tỏ trăn trở trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh, thành phố phía nam, nơi có nhiều đối tác quan trọng khiến cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa còn bị gián đoạn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất bằng phương án “3 tại chỗ” khiến chi phí đội lên cao, đồng thời phải đối diện với nguy cơ rủi ro lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác.

Tăng trưởng của toàn ngành trong thời gian tới vì vậy phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc đẩy nhanh quá trình phủ sóng vắc-xin trên địa bàn thành phố nói riêng, cả nước nói chung.

“Theo dự báo của Hiệp hội dệt may Việt Nam và dựa trên kết quả phòng, chống dịch đang khả quan của thành phố Đà Nẵng, chúng tôi kỳ vọng kết quả sản xuất cũng như doanh thu có thể khả quan hơn so với những quý đầu năm, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu từ các quốc gia mà đơn vị xuất khẩu trực tiếp đang tăng mạnh.

Tuy nhiên, sẽ chưa đủ để bù đắp cho sụt giảm của thị trường trong nước, vì vậy, kết quả kinh doanh đến cuối năm 2021 của đơn vị có thể vẫn tăng trưởng nhưng mức chênh lệch sẽ không quá lớn so với cuối năm ngoái”, ông Nguyễn Chí Trực, Giám đốc Công ty CP Vinatex quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng cho hay.

Theo ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3, việc thiếu container rỗng và giá cước vận chuyển tăng cao cũng là trở ngại cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong những tháng cuối năm nay. Để giữ được ổn định và hy vọng vào tăng trưởng ở cuối năm 2021, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực rất lớn.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích