Duy trì hoạt động sản xuất trong tình huống chưa từng có tiền lệ khi thành phố siết chặt biện pháp phòng, chống dịch, nhiều doanh nghiệp cho biết, dù đây là lựa chọn khó khăn nhưng vẫn giữ được bạn hàng, uy tín, vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời làm tốt an sinh, giữ chân người lao động để bảo đảm chiến lược phát triển lâu dài trong các năm tiếp theo.
Nhiều doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất để giữ vững chuỗi cung ứng, thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA |
Từ 2 tháng nay, 900 công nhân (trong tổng số hơn 2.400 công nhân) của Công ty CP Dệt may 29-3 tham gia sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” nhằm bảo đảm tiến độ đơn hàng cho các đối tác quan trọng ở Mỹ và châu Âu. Dù sản xuất trong điều kiện khó khăn khi vừa phải bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, vừa tốn khoản chi phí không nhỏ (hơn 200 triệu đồng/ngày) để chăm lo ăn, ở cho một số lượng lớn công nhân nhưng theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3 Huỳnh Văn Chính, quyết định này của ban lãnh đạo được người lao động ủng hộ, tạo thành phong trào thi đua trong sản xuất.
Nhờ đó, dù duy trì sản xuất trong tình thế khó khăn với số lượng công nhân sụt giảm mạnh nhưng năng suất lao động tại nhà máy ở thành phố Đà Nẵng tăng khoảng 10%, riêng nhà máy ở xã Duy Trung (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) tăng 20% so với trước khi xảy ra đợt dịch thứ 4; nhiều công nhân được tăng thêm tiền thưởng trong tháng do hiệu quả làm việc cao.
“Dù tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp nhưng thời điểm này, cơ hội cho ngành dệt may tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu là rất lớn, nhất là sau khoảng thời gian bị ngưng trệ trong năm 2020. Hiện nay, nhu cầu về các sản phẩm đồ bảo hộ y tế, áo quần thể thao từ các thị trường Mỹ, châu Âu tăng mạnh. Chúng tôi duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm này không chỉ vì doanh thu mà còn vì uy tín của doanh nghiệp trên thương trường.
Nếu vì dịch bệnh mà dừng sản xuất, chúng tôi sẽ mất bạn hàng vào tay những đối tác khác vốn cạnh tranh khốc liệt từ lâu nay, sẽ bị đánh bật ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu mà doanh nghiệp đã rất nỗ lực để tham gia vào đó. Khi vượt qua giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp sẽ giữ được liền mạch hoạt động sản xuất để giữ chân người lao động quay trở lại làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát tốt”, ông Chính cho biết.
Dưới áp lực phải cung ứng đủ nguồn hàng hóa cho các đối tác tại thị trường truyền thống ở Mỹ, Công ty CP Cao su Đà Nẵng chấp nhận trích ra phần chi phí hơn 3 tỷ đồng để thực hiện giải pháp sản xuất “3 tại chỗ” cho gần 1.000 công nhân từ đầu tháng 7 đến nay. Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng chia sẻ, đây là nỗ lực rất lớn của đơn vị để không xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, dù nằm trong vùng phong tỏa cứng từ đầu tháng 8 nhưng các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng (quận Sơn Trà) như Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, Công ty CP Thủy sản Đà Nẵng, Công ty TNHH Bắc Đẩu vẫn giữ được một phần dây chuyền sản xuất quan trọng, các đơn hàng nội địa hay xuất khẩu qua các thị trường chủ lực không bị ngắt quãng.
Thực tế cho thấy, sau các đợt bùng phát dịch bệnh từ năm 2020 kéo dài đến nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố chưa kịp phục hồi và bù đắp lại những thiệt hại, vẫn còn đang bộn bề lo lắng về nhân lực, thị trường, về nguyên liệu cho đầu vào sản xuất, thậm chí chưa kịp điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, chính sách giá cả để cạnh tranh và thu hút khách hàng cũng như tìm kiếm các kế sách dự phòng cho những tình huống xấu...
Chính vì vậy, việc duy trì hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh tại Đà Nẵng nói riêng, trên cả nước nói chung diễn biến còn phức tạp như hiện nay là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp khi phải bảo đảm thực hiện mục tiêu “kép” là vừa bảo đảm phòng, chống dịch vừa giữ được liền mạch dây chuyền sản xuất và giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu bằng phương án “3 tại chỗ”. Qua đó, góp phần duy trì mạch máu kinh tế của địa phương, bảo đảm an sinh xã hội cho lực lượng công nhân trên địa bàn cũng như một số tỉnh, thành lân cận.
Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021 vừa được Cục Thống kê thành phố công bố cho thấy, tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 8 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh kéo dài đã ghi nhận Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 21,7% so với tháng trước và giảm 17,1% so với tháng cùng kỳ của năm 2020. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng của năm 2021 vẫn tăng trưởng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. |
KHÁNH HÒA