Bị ách tắc khâu lưu thông và tiêu thụ do nhiều nơi giãn cách khiến giá heo hơi đang giảm mạnh. Trong khi đó, giá thịt heo tại các cửa hàng thịt, các chợ truyền thống, siêu thị... vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng.
Giá thịt heo tại các cửa hàng thịt, các chợ truyền thống, siêu thị... vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Theo các hộ nuôi heo ở huyện Hòa Vang, giá heo hơi liên tục giảm trong những tuần vừa qua. Thời điểm tháng 7-2021, giá bán heo hơi ở mức 58.000 - 61.000 đồng/kg (mức giá này đã giảm từ 10.000 - 12.000 đồng/kg so với trước đó). Tuy nhiên, trong tháng 8 và đầu tháng 9, giá heo hơi tiếp đà giảm còn 52.000 - 55.000 đồng/kg. Như vậy, đây là mức giá heo hơi thấp nhất trong 2 năm trở lại đây.
Qua khảo sát, giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường trong tháng 8-2021 tiếp tục tăng đồng loạt; trong đó, thức ăn cho heo dao động từ 340.000 - 350.000 đồng/bao, trung bình 1 con heo thịt sử dụng 7-8 bao trong quá trình nuôi cho đến khi xuất bán. Theo tính toán của hộ ông Nguyễn Ngọc Tửu (xã Hòa Khương), một con heo nuôi đến lúc bán đạt trọng lượng 1,1 tạ, phải chi hết gần 4 triệu đồng tiền cám, tiền giống hết hơn 2 triệu đồng, rồi các khoản điện, nước, công...
Nếu bán với mức giá 50.000 - 61.000 đồng/kg như hiện nay thì gần như người chăn nuôi không có lãi, thậm chí lỗ. “Hiện nay, giá heo hơi đang giảm, chưa có dấu hiệu tăng trở lại, trong khi giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 4, 5 đợt từ đầu năm đến nay. Vì vậy, tôi và một số hộ chăn nuôi còn chần chừ, chưa dám tái đàn”, ông Tửu bày tỏ.
Trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện có 9 trang trại, gia trại chăn nuôi heo sử dụng 100% thức ăn công nghiệp. Các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ không sử dụng thức ăn công nghiệp cho heo mà hầu hết sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán ăn để nấu chín nên việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao không ảnh hưởng nhiều đến các hộ dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nên hộ dân không có nguồn thức ăn thừa để lấy. Do không tận dụng được nguồn thực phẩm này, các hộ chăn nuôi phải mua cám công nghiệp làm thức ăn cho heo, đẩy chi phí chăn nuôi lên cao.
Mọi năm, vào thời điểm này, người chăn nuôi bắt đầu tái đàn heo, gia cầm để phục vụ Tết Nguyên đán 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của giãn cách xã hội nên việc mua, vận chuyển con giống tái đàn khó khăn hơn; đồng thời, giá cả con giống, vật tư đầu vào tăng cao hơn dẫn đến việc nhiều hộ chăn nuôi không muốn tái đàn.
Về giải pháp hỗ trợ ngành chăn nuôi, ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho biết, huyện sẽ tập trung chỉ đạo các giải pháp tái đàn, tăng đàn theo hướng an toàn sinh học và hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm; ổn định phát triển gia cầm và phát triển một số loại vật nuôi khác, tiếp tục kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi, đặc biệt là các bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm...
Ngoài ra, ngành chăn nuôi của huyện sẽ hướng dẫn các nông hộ chủ động sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có tại địa phương, nguồn phụ phẩm của nông nghiệp để thay thế một phần thức ăn công nghiệp, đặc biệt là gia súc ăn cỏ và gia cầm.
Trong báo cáo kế hoạch 6 tháng cuối năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang đặt mục tiêu duy trì, phát triển ổn định chăn nuôi. Cụ thể: chăn nuôi heo đạt 20.000 con, bò hơn 4.000 con, gia cầm: 620.000 con (gà, vịt, ngang, ngỗng, cút), sản lượng trứng gà đạt 50.000 nghìn quả/ngày. Nếu các địa phương không có những biện pháp cấp bách trong thời điểm này, khả năng nguồn cung thịt trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022 sẽ không nhiều và đa dạng như các năm trước.
Qua khảo sát tại các chợ truyền thống, giá thịt heo ở mức 120.000-170.000 đồng/kg (cụ thể: thịt sườn 160.000 đồng/kg, ba chỉ 150.000 đồng/kg, thịt nạc vai/mông 120.000 đồng/kg, xương 100.000 đồng/kg); tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, giá thịt cao hơn từ 20.000-50.000 đồng/kg. |
QUỲNH TRANG