Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

.

Thời gian qua, thành phố đã thực hiện một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để giải quyết khó khăn. Tuy nhiên, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và đứng vững trong bối cảnh dịch bệnh, cần có thêm những chính sách hữu hiệu hơn.

Doanh nghiệp mong muốn có những chính sách hỗ trợ hữu hiệu để phục hồi và phát triển sản xuất. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Pi Vina (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). 					  Ảnh: MAI QUẾ
Doanh nghiệp mong muốn có những chính sách hỗ trợ hữu hiệu để phục hồi và phát triển sản xuất. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Pi Vina (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: MAI QUẾ

Kịp thời tiếp sức người lao động tại các doanh nghiệp

Kết thúc thời gian triển khai Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19-4-2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 vào ngày 31-7 vừa qua, ngành thuế thành phố đã tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn của 5.727 người nộp thuế. Trong đó, có 3.572 doanh nghiệp, tổ chức và 2.155 giấy đề nghị gia hạn của hộ, cá nhân kinh doanh. Tổng số tiền gia hạn thuế (gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh) gần 880 tỷ đồng.

Về hỗ trợ cho người lao động, tổng kinh phí để thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 và Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 19-7-2021 của UBND thành phố là gần 77 tỷ đồng.

Cụ thể, thành phố đã ban hành quyết định hỗ trợ cho 52 đơn vị với 881 người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và ngừng việc với số tiền hơn 3,44 tỷ đồng; hiện các quận, huyện đã chi 3,28 tỷ đồng (đạt 95,44%). Song song đó, thành phố đã hỗ trợ 78 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền 331 triệu đồng; hỗ trợ 34 viên chức hoạt động nghệ thuật với số tiền 126 triệu đồng; hỗ trợ 1.342 hướng dẫn viên du lịch với số tiền gần 5 tỷ đồng; hỗ trợ 167 hộ kinh doanh gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, tính đến ngày 14-9, thành phố đã ban hành quyết định hỗ trợ 12.527 người với số tiền 18,53 tỷ đồng. Các quận, huyện đã chi cho 11.275 người với số tiền 16,7 tỷ đồng (đạt 90,01%).

Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ 1.080 đoàn viên, người lao động bị tác động trực tiếp bởi Covid-19 với số tiền 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ 4.078 đoàn viên, người lao động khó khăn với số tiền 1,4 tỷ đồng; hỗ trợ 2.251 người lao động mất việc làm (mỗi người 1 triệu đồng) với số tiền 2,2 tỷ đồng; hỗ trợ 10.000 suất nhu yếu phẩm cho người lao động khó khăn bởi Covid-19 với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng.

Bảo hiểm Xã hội thành phố đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 9.036 đơn vị với 137.013 người, số tiền hơn 15 tỷ đồng; tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho 11 đơn vị với 1.091 người, số tiền 3,65 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh Đà Nẵng đã cho 7 đơn vị vay vốn với 284 lao động, tổng số tiền 1,1 tỷ đồng. Trong đó, cho vay trả lương ngừng việc là 6 đơn vị với 250 lượt lao động, số tiền 980 triệu đồng và cho vay phục hồi sản xuất 1 đơn vị với 34 lao động, số tiền là 133 triệu đồng…

Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Trùng Khoa (Khu công nghiệp Đà Nẵng, quận Sơn Trà). Ảnh: M.QUẾ
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Trùng Khoa (Khu công nghiệp Đà Nẵng, quận Sơn Trà). Ảnh: M.QUẾ

Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ

Hiện có 6 nhóm vấn đề doanh nghiệp đang kiến nghị thành phố giải quyết, liên quan đến hỗ trợ tiêm vắc-xin cho người lao động; hỗ trợ tài chính; hỗ trợ người lao động; bảo đảm chuỗi cung ứng, vận tải; phục hồi sản xuất và thủ tục nhập cảnh cho người lao động, chuyên gia nước ngoài. Qua tìm hiểu từ các doanh nghiệp, hội, hiệp hội doanh nghiệp, tới thời điểm này, cơ bản doanh nghiệp yên tâm hơn về tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Đối với thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia cũng bớt khó khăn hơn so với trước đây. Các chính sách hỗ trợ người lao động nêu trên cũng góp phần giảm khó khăn cho đơn vị sử dụng lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn mong muốn có những chính sách hỗ trợ hữu hiệu hơn nữa, liên quan trực tiếp đến tài chính của doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố cho biết, các hội viên của hiệp hội mong muốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có yêu cầu về giảm lãi suất cho các khoản vay cũ cũng như các khoản vay mới với một con số nhất định và đồng nhất; không để biên độ hoặc phân loại khách hàng dễ dẫn đến cơ chế không rõ ràng, khó kiểm soát, làm khó doanh nghiệp. Hầu hết các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp đều quan tâm đến vấn đề tài chính - ngân hàng, trong đó kiến nghị nhiều nhất liên quan đến các ngân hàng thương mại là giảm lãi suất cho vay, kế tiếp là có gói vay mới với lãi suất tốt và áp dụng đồng bộ.

Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19-4-2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 cũng mới chỉ hỗ trợ giãn nợ thuế. Trong khi đó, doanh nghiệp mong muốn giảm trực tiếp các khoản thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, thuê mặt bằng… Một số doanh nghiệp cho rằng, gia hạn tạm thời nhưng rồi doanh nghiệp cũng phải nộp, song chưa chắc tới thời điểm năm 2022 đã có thể xoay vòng nguồn vốn. Vì vậy, dù giảm nhiều hay giảm ít thì doanh nghiệp vẫn mong muốn được giảm trực tiếp hơn là gia hạn.

Ông Châu Quang Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Liên Chiểu, Giám đốc Công ty TNHH An Thạnh cho hay, bên cạnh các chính sách tài khóa, các doanh nghiệp cũng mong muốn tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số...

“Tôi đề xuất giảm bớt các thủ tục hành chính liên quan đến các chế độ mẫu biểu, báo cáo định kỳ không cần thiết của doanh nghiệp. Đồng thời, áp dụng kênh trực tuyến xử lý tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính tại tất cả các cơ quan, ban, ngành; chủ động thông báo cho doanh nghiệp được biết”, ông Anh nói.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp thời gian qua, được biết, UBND thành phố đã tổng hợp và đề xuất với Trung ương về chính sách giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng…, giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội, các loại phí Công đoàn, giảm giá điện. Về phía địa phương, dự kiến sẽ có các chính sách về vay vốn lưu động và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố… Ngày 24-9, tại hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp”, dự kiến thành phố sẽ công bố kế hoạch phục hồi kinh tế trên địa bàn trong thời gian đến và xem xét hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tính đến ngày 15-9, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 2.672 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 13.596 tỷ đồng; giảm 13,4% về số lượng doanh nghiệp và giảm 18,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020; hoàn tất thủ tục giải thể cho 542 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 34.081 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 227.386 tỷ đồng.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.