Thời gian qua, Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hoạt động và cả xu hướng tiêu dùng hàng hóa trên thị trường. Trong bối cảnh đó, hàng Việt cũng trở thành “bệ đỡ” quan trọng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Theo ghi nhận, hàng Việt chiếm phần lớn trong các cơ sở phân phối, nhất là ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích - nơi cung cấp các mặt hàng thiết yếu trong điều kiện giãn cách xã hội trên địa bàn.
Khách hàng ngày càng tin dùng hàng Việt. TRONG ẢNH: Người dân lựa chọn sản phẩm nông sản trong nước sản xuất bày bán tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng (quận Thanh Khê). Ảnh: QUỲNH TRANG |
Hàng Việt chiếm 90% các kệ siêu thị, cửa hàng tiện lợi
Qua khảo sát, những năm gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm làm từ gạo của các thương hiệu Việt như Safoco, Cầu Tre, Vifon tăng mạnh. Ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho biết, các mặt hàng làm từ gạo như bún khô, mì Quảng khô, sợi phở, miến, các loại bột làm bánh bèo, bánh canh, bánh ướt, bánh xèo… được tiêu thụ rất tốt. Ngoài ra, Co.opmart cũng có nhãn hàng riêng một số mặt hàng này như bánh tráng, bún gạo, bún tươi sấy khô…
Các sản phẩm này có doanh số bán hàng cao, có những thời điểm tăng 3-4 lần so với ngày thường. “Những năm qua, Saigon Co.op (đơn vị quản lý mạng lưới siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra…) có chính sách ưu tiên mua hàng, bố trí diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mãi… dành cho hàng Việt Nam. Tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, hàng hóa nhãn hiệu Việt chiếm 90% tại các kệ, quầy. Đặc biệt, siêu thị ưu tiên nhập mặt hàng thực phẩm tươi sống là hàng địa phương”, ông Thống cho biết thêm.
Trong khi đó, hệ thống các siêu thị như VinMart, VinMart+, Lotte Mart, MM Mega Market, Go!... đang triển khai các chương trình ưu đãi, giảm giá sâu lên đến 50% đối với tất cả các mặt hàng Việt. Đây là cơ hội để người tiêu dùng mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước với chi phí tiết kiệm nhất. Bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị Go! (tên gọi hiện tại của Siêu thị Big C) cho hay, trong số hơn 30.000 mã hàng đang bày bán tại siêu thị thì hàng Việt chiếm đến 95%.
Ngoài ra, siêu thị luôn có chính sách hỗ trợ về diện tích trưng bày cũng như làm chương trình cho các nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng Việt. “Chúng tôi luôn đánh giá cao vai trò của hàng Việt Nam trong hệ thống bán lẻ hiện đại; đồng thời luôn đồng hành với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại địa phương. Siêu thị dành 4 quầy hàng lớn để trưng bày sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của thành phố Đà Nẵng”, bà Thủy nói.
Tại các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, hàng hóa nhãn hiệu Việt cũng chiếm đa số trên các quầy hàng. Anh Nguyễn Khai, quản lý cửa hàng La bàn Mart (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng trái cây, rau, củ, gạo, ngũ cốc, thịt heo VietGap, thực phẩm khô từ các nhà cung cấp Việt Nam. Hiện nay, hàng sản xuất trong nước chất lượng rất tốt và có giá cả phù hợp với túi tiền của người dân. Đơn vị luôn ưu tiên nhập hàng nội địa trong cơ cấu hàng hóa tại cửa hàng.
Thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt trong tình hình mới
Trong bối cảnh Covid-19 tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng và luân chuyển thương mại, làm đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ thì thị trường trong nước thực sự là “bệ đỡ” cho các doanh nghiệp nội địa. Đặc biệt, các nhà bán lẻ lớn đã chủ động dự báo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa khi diễn biến dịch bệnh phức tạp để tăng lượng hàng dự trữ. Nhờ đó, hàng hóa lưu thông thông suốt, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá những mặt hàng thiết yếu.
Ghi nhận tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hình ảnh những sản phẩm như bánh kẹo, cà phê, ly, chén sứ, thực phẩm tươi, thực phẩm đông lạnh, đồ dùng học tập… “made in Việt Nam” đặt trong hộp giấy/túi hút chân không có tính thẩm mỹ cao đã không còn xa lạ với người dân. Từ mua để ủng hộ, đến nay hàng Việt thuyết phục khách hàng bằng cách nỗ lực cải thiện chất lượng bên trong, mẫu mã bên ngoài.
Mới đây, UBND thành phố ban hành văn bản về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Nội dung văn bản nhấn mạnh: “Các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các đơn vị, tổ chức và nhân dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, khắc phục những bất cập, hạn chế gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Theo thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố, trong những tháng cuối năm, đơn vị tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ vào sản xuất sản phẩm, hàng hóa, cho ra đời sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, Mặt trận sẽ vận động, động viên các cơ sở kinh doanh, phân phối sản phẩm, các tiểu thương lựa chọn kinh doanh, phân phối, buôn bán hàng Việt Nam có chất lượng. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Việt Dũng cho hay: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để nhân dân phát huy tinh thần “3 giác”: “tự giác” mua sắm, sử dụng hàng hóa, sản phẩm Việt Nam có chất lượng; “phát giác” và “tố giác” các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Mặt khác, tiếp tục tổ chức các “Hội chợ hàng Việt”, “Phiên chợ hàng Việt” trên địa bàn quận, huyện và phường, xã”.
QUỲNH TRANG