Khôi phục hoạt động thương mại

.

Bên cạnh việc ổn định kênh phân phối, chuẩn bị hàng hóa cho những tháng cuối năm, ngành công thương đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát thị trường, cân đối cung - cầu; đẩy mạnh kết nối giao thương, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng.

Thời gian qua, Đà Nẵng triển khai hiệu quả nhiều giải pháp đẩy mạnh kết nối giao thương, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng. TRONG ẢNH: Khách hàng mua sắm tại siêu thị Go!. Ảnh: QUỲNH TRANG
Thời gian qua, Đà Nẵng triển khai hiệu quả nhiều giải pháp đẩy mạnh kết nối giao thương, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng. TRONG ẢNH: Khách hàng mua sắm tại siêu thị Go!. Ảnh: QUỲNH TRANG

Tiếp tục ổn định kênh phân phối

Để hoạt động kết nối cung - cầu phát huy tối đa hiệu quả, các đơn vị cung ứng lương thực thực phẩm đang nỗ lực ổn định kênh phân phối để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Hiện, tất cả các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố được phép hoạt động với công suất 100% (trừ chợ đầu mối Hòa Cường). Các đơn vị bán lẻ tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, thực hiện 5K, lắp đặt màng ngăn giọt bắn, tấm chắn tránh tiếp xúc trực tiếp… để bảo đảm an toàn cho người dân khi mua sắm hàng hóa.

Ghi nhận tại các chợ, dù lượng khách chưa nhiều nhưng tiểu thương đang dần mở lại hoạt động buôn bán và thích ứng với trạng thái mới. Tiểu thương Võ Thị Xuyên (chợ An Hải Đông, quận Sơn Trà) cho biết, khách đi chợ chỉ lai rai chứ chưa sôi động như những ngày cũ. Dù vậy, các tiểu thương trong chợ cũng động viên nhau đi bán cho quen khách, chỉ mong dịch bệnh sẽ được khống chế tốt để cuộc sống bình thường trở lại.

Tại chợ đầu mối Hòa Cường, từ ngày 10-10, chợ chuyển sang hoạt động theo giai đoạn 2 với phương án thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với Covid-19.  Và từ ngày 21-10 khôi phục lại hoạt động bán lẻ. Đến nay có gần 150 tiểu thương bán sỉ (khu vực nhà lồng) đi bán trở lại luân phiên theo ngày chẵn, lẻ; sản lượng rau, củ, quả về chợ trung bình 180-200 tấn/ngày. Trong khi đó, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động, bảo đảm cung cấp đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ thị trường với giá cả ổn định. Bên cạnh đó, người dân vẫn duy trì sử dụng kênh phân phối trực tuyến để mua sắm.

Với mặt hàng thịt heo, thời gian qua, các hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ khá lao đao vì giá heo ở mức thấp trong nhiều tháng. Trong khi dịch tả heo châu Phi bùng phát trở lại tại một số địa phương và giá thức ăn chăn nuôi cao tiếp tục gây áp lực lên các công ty và hộ chăn nuôi.

Đánh giá thị trường thịt heo cuối năm, ông Đoàn Quang Thuyên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hai Thuyên cho biết, mỗi ngày công ty cung ứng ra thị trường 120-130 con heo với giá trung bình 75.000-80.000 đồng/kg. Đơn vị là nhà cung ứng chủ lực mặt hàng thịt heo cho các siêu thị lớn trên địa bàn như Co.opmart Đà Nẵng, Lotte Mart, Vinmart…

“Sức mua trên thị trường hiện tại khá chậm nên các đơn vị cung ứng chưa quá lo lắng sự thiếu hụt nguồn cung thịt heo do dịch bệnh. Tuy nhiên, với kinh nghiệm cung ứng thực phẩm nhiều năm, chúng tôi khuyến cáo người dân nên chuyển sang các loại thịt khác như bò, gà nếu thịt heo bị thiếu hụt dịp cận Tết Nguyên đán để tránh mặt hàng bị tăng giá bất hợp lý”, ông Thuyên chia sẻ.

Chương trình “Kết nối, giao thương trực tuyến giới thiệu, quảng bá hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP giữa thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Phú Yên, Kon Tum” được tổ chức vào sáng 22-10 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG
Chương trình “Kết nối, giao thương trực tuyến giới thiệu, quảng bá hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP giữa thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Phú Yên, Kon Tum” được tổ chức vào sáng 22-10 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Đa dạng giải pháp kết nối cung - cầu

Theo Sở Công Thương, trong những tháng cuối năm, để khôi phục hoạt động thương mại, thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức các hội chợ, kết nối cung cầu, tổ chức nhiều chương trình bán hàng khuyến mại, mua sắm trực tuyến… phù hợp với bối cảnh và tình hình kiểm soát dịch bệnh. Trước mắt, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa dồi dào, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân cũng như bình ổn thị trường vào dịp cuối năm, nhất là Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở Công Thương dự kiến tổ chức chương trình “Tuần lễ khuyến mại, kích cầu mua sắm” trên địa bàn vào đầu tháng 11.

Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình gồm: các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp - chuyên doanh, chợ truyền thống, cửa hàng tự chọn, các tuyến phố - cửa hàng chuyên doanh, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hàng tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống, vận chuyển công nghệ, ngân hàng, viễn thông, thương mại điện tử... đều có thể đăng ký tham gia.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hữu Hạnh cho hay, nhằm tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh bán hàng, khắc phục những khó khăn sau ảnh hưởng của Covid-19; đồng thời tạo điều kiện để người tiêu dùng có cơ hội mua sắm hàng hóa thiết yếu với chất lượng, giá cả phù hợp, sở đã gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hưởng ứng đăng ký tham gia chương trình “Tuần lễ bán hàng khuyến mại năm 2021”. Qua đó, khuyến khích các doanh  nghiệp tham gia ngoài bán hàng bình ổn, chất lượng thì thực hiện thêm các hình thức khuyến mại dành cho người tiêu dùng khi mua sắm hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, dự kiến cuối tháng 10, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố sẽ tổ chức chương trình kết nối hoạt động giới thiệu, quảng bá nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng thành phố; trong tháng 11-2021 sẽ tổ chức các chương trình như Hội chợ quốc tế hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC 2021), chương trình đưa hàng Việt về các xã miền núi, vùng xa (Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Tiến)…

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.