Sau khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép doanh nghiệp hoạt động nếu bảo đảm các phương án phòng, chống Covid-19, các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng lao động. Song nguồn nhân lực vẫn thiếu, khiến nhiều công ty lo lắng về tiến độ thực hiện các đơn hàng, công trình.
Hiện nay các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn. Trong ảnh: Lao động đang làm việc tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ.Ảnh: KHÁNH HÒA |
“Đỏ mắt” tìm lao động sau dịch
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng T.N.B (quận Cẩm Lệ), sau khi thành phố cho phép các công trình xây dựng được thi công trở lại, công ty huy động lực lượng thợ cũ hơn 30 người trở lại làm việc. Trước khi dịch bùng phát, nhiều người về quê ở các tỉnh phía Bắc, điều kiện đi lại khó khăn nên hiện nay vẫn chưa quay lại được. Trong khi đó, chủ các công trình liên tục hối thúc hoàn thiện công trình khiến ông rất sốt ruột. “Công ty liên tục thông tin tuyển dụng nhưng số lượng công nhân đáp ứng yêu cầu công việc rất ít. Hy vọng ít hôm nữa việc đi lại thuận lợi hơn, lượng công nhân sẽ tăng lên”, ông Bình cho biết.
Trong những ngày qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố như: Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, Công ty CP Vinaconex 25… chủ động đăng tải các thông tin tuyển dụng với nhiều hoạt động hỗ trợ, ưu đãi nhằm khuyến khích người lao động nhanh chóng trở lại làm việc. Tuy nhiên, số lượng người lao động dự tuyển hiện nay vẫn hạn chế do cư trú ở các địa phương ngoài địa bàn thành phố.
Theo lãnh đạo Công ty CP Vinaconex 25, vướng mắc lớn nhất của nhà thầu thi công công trình trọng điểm là lực lượng huy động tối đa so với trước dịch chưa đáp ứng. Hiện nay, liên doanh các nhà thầu đang tập trung tối đa nhân lực để hoàn thành hệ thống ốp lát, lắp vách kính, hệ thống cơ điện lạnh và phòng cháy, chữa cháy để kịp bàn giao tòa nhà ICT 1 trong tháng 12-2021, phấn đấu bàn giao tòa nhà ICT 2 (2 tòa nhà thuộc dự án Khu Công viên phần mềm số 2, giai đoạn 1, phường Thuận Phước, quận Hải Châu) trước tháng 3-2022, vượt tiến độ 5 tháng so với kế hoạch. Ở lĩnh vực dịch vụ, du lịch, tình trạng thiếu hụt lao động cũng diễn ra khá nhiều. Từ ngày 30-9, các hãng taxi trên địa bàn thành phố như: Tiên Sa, Mai Linh, Vinasun… hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nhiều tài xế vẫn chưa sẵn sàng trở lại làm việc, bởi phần lớn họ chuyển nghề hoặc ở các tỉnh, thành phố khác chưa thể về Đà Nẵng làm việc.
Kết nối, tạo điều kiện cho người lao động
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), hiện có khoảng 3.000 lao động ở các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố bị kẹt ở các địa phương, trong đó có khoảng 1.000 lao động ở địa bàn tỉnh Quảng Nam. Để từng bước khôi phục sản xuất, từ cuối tháng 9, thành phố cho phép người từ địa phương khác có nhu cầu được vào thành phố.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng cho biết, từ ngày 1-10 đến nay, đơn vị tiếp nhận 59 đơn vị doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng 2.600 vị trí việc làm. Trung tâm sẽ tiếp tục tuyên truyền, tư vấn việc làm đến tận cơ sở, chú trọng mời gọi doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng và kết nối việc làm đến với người lao động; tập trung nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây nguyên (Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình, Đắk Lắk..) với tần suất 1 phiên/1 tháng. Qua đó, kết nối việc làm cho những lao động từ các tỉnh thành phía Nam về quê tránh dịch.
Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH, sau thời gian dài tạm ngưng hoạt động để triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19, hiện các doanh nghiệp dần trở lại hoạt động, sản xuất trong trạng thái mới. Qua thống kê sơ bộ, các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 5.000 lao động mới để đáp ứng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về phía Sở LĐ,TB&XH đã đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Khuyến khích người sử dụng lao động chủ động rà soát các điều kiện, phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch, phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Đối với công tác phòng, chống Covid-19 khi thành phố trong trạng thái mới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến lưu ý các đơn vị sử dụng lao động chủ động rà soát, đề xuất danh sách lao động ngoại tỉnh để tiêm vắc-xin sớm cho đối tượng này. Ngoài ra, nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất ổn định tại các khu công nghiệp, thời gian qua thành phố đã nhanh chóng bao phủ vắc-xin cho các đối tượng lao động làm việc tại đây. |
PHƯƠNG CHI