Các ngành chức năng của thành phố đang tiếp tục đề xuất, triển khai nhiều giải pháp trước mắt cũng như dài hạn, trong đó tập trung bảo đảm lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nguyên vật liệu, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, cải cách thủ tục hành chính... nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất.
Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Dệt may 29-3 (quận Thanh Khê). Ảnh: KHÁNH HÒA |
Triển khai các chính sách hỗ trợ
Hiện nay, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) đã phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết rốt ráo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tái lập lại quỹ đạo hoạt động như bình thường, bảo đảm phù hợp với trạng thái bình thường mới. Trong đó, có các vấn đề về việc khó tuyển dụng lao động, lưu thông hàng hóa liên tỉnh còn chưa thông suốt, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về thuế, lãi vay, phí... vẫn còn chậm.
Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) cho biết, công ty đăng tải tuyển 200 lao động nhưng gần 10 ngày nay vẫn chưa có người đến nộp đơn. Nguyên nhân chủ yếu do lao động từ nhiều tỉnh, thành phố lân cận chưa vào lại Đà Nẵng. Gặp khó trong tuyển dụng lao động cũng là tình hình chung tại nhiều doanh nghiệp ở các KCN trên địa bàn thành phố, ảnh hưởng đến kế hoạch nâng công suất lên tối đa nhằm bảo đảm tiến độ giao hàng của nhiều đơn vị.
“Đến thời điểm này, Ban quản lý KCNC&CKCN đã có đề xuất chính sách miễn giảm tiền thuê đất cho 418 doanh nghiệp đang thuê đất, thuê lại đất trong các khu công nghiệp với thời gian hưởng miễn giảm là 1 năm; tổng số tiền ngân sách hỗ trợ để miễn giảm là 25,659 tỷ đồng. Mong rằng cơ quan thẩm quyền xem xét, quyết định sớm để doanh nghiệp sớm được thụ hưởng, có thêm động lực để vượt qua khó khăn”, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý KCNC&CKCN thành phố cho hay.
Báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến thời điểm này, tổng kinh phí đã hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, của UBND thành phố Đà Nẵng là hơn 76,7 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ riêng của thành phố cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (tính đến ngày 14-9) đạt hơn 18,5 tỷ đồng với 12.527 người được thụ hưởng. UBND thành phố đã chấp thuận cho 223 lượt người là chuyên gia nước ngoài và người thân vào làm việc tại 56 doanh nghiệp đến Đà Nẵng làm việc. Trong 9 tháng đầu năm, các sở, ban, ngành đã tiếp nhận và xử lý 170 kiến nghị liên quan đến các doanh nghiệp.
Từ nay đến cuối năm, thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông hàng hóa, thúc đẩy xuất, nhập khẩu. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty Scavi Huế tại Đà Nẵng (Khu công nghiệp Đà Nẵng). Ảnh: KHÁNH HÒA |
Nhiều giải pháp đồng bộ
Để thúc đẩy hoạt động sản xuất từ nay đến cuối năm cũng như tạo tiền đề bước sang năm 2022, các sở, ban, ngành đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, Ban quản lý KCNC&CKCN đã tham mưu UBND thành phố ưu tiên và đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin cho người lao động hoạt động trong các ngành sản xuất công nghiệp và các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào doanh nghiệp, đặc biệt là đơn giản hóa tối đa thủ tục nhập cảnh cho các đối tượng đã được cấp giấy phép lao động...
Đồng thời đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, có chính sách hỗ trợ nhằm bảo đảm đời sống của lao động ngoại tỉnh để họ vượt qua khó khăn, hạn chế sự dịch chuyển lao động, sẵn sàng chuẩn bị nhân lực để phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, một trong những giải pháp quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp nâng công suất sản xuất lên 100% khi tái khởi động lại hoạt động là triển khai nhanh tiến độ bao phủ vắc-xin. Theo kế hoạch, thành phố hướng đến đạt tỷ lệ 95% dân số (trên 18 tuổi) được tiêm vắc-xin mũi 1 và 22,1% tiêm vắc-xin mũi 2 vào cuối tháng 10, đến cuối năm 2021 đạt hơn 95% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.
Kịp thời tham mưu và triển khai nhanh các giải pháp để phục hồi sản xuất cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được ngành công thương tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm.
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, từ nay đến cuối năm, sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ các ngành chức năng bảo đảm điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, nhất là trong hoạt động xuất, nhập khẩu, vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất công nghiệp và lưu thông hàng hóa giữa các địa phương, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa ra thị trường; tránh tình trạng giá cả tăng vọt do gián đoạn trong lưu thông dẫn đến tăng chi phí vận chuyển, chi phí lưu hàng tại các kho, bãi... Sở sẽ tiếp tục nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu để có phương án xử lý kịp thời theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền có biện pháp tháo gỡ... Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp (CCN) Hòa Nhơn và Hòa Khánh Nam; xử lý vướng mắc của CCN Cẩm Lệ để sớm đưa CCN này đi vào hoạt động. Hoàn thành việc xây dựng, tham mưu UBND thành phố trình HĐND ban hành nghị quyết mới về quy định chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở phù hợp với quy định của Trung ương và thực tiễn của thành phố Đà Nẵng, tạo động lực mới phát triển lĩnh vực này.
KHÁNH HÒA