Khi doanh nghiệp cảm ơn người lao động

.

Để tri ân những đóng góp, nỗ lực của người lao động (NLĐ) đã cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, thời gian qua, các cấp Công đoàn thành phố chủ động tham mưu cấp ủy, phối hợp người sử dụng lao động tổ chức nhiều hoạt động thiết thực cảm ơn NLĐ.

Đoàn viên, người lao động khó khăn tại Công ty TNHH Bắc Đẩu (quận Sơn Trà) nhận túi “An sinh Công đoàn” do Liên đoàn Lao động thành phố  hỗ trợ.
Đoàn viên, người lao động khó khăn tại Công ty TNHH Bắc Đẩu (quận Sơn Trà) nhận túi “An sinh Công đoàn” do Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ.

Cùng doanh nghiệp vượt khó

Năm 2021, năm thứ hai liên tiếp Covid-19 bùng phát, khiến cho cuộc sống của người dân bị xáo trộn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ. Không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, lãnh đạo thành phố và các cấp chính quyền áp dụng mô hình sản xuất “3 tại chỗ” của doanh nghiệp. Việc thực hiện mô hình này bước đầu gặp khó khăn, nhất là lao động nữ có con nhỏ. “Khi vào công ty thực hiện sản xuất 3 tại chỗ, em phải gửi con cho mẹ ruột chăm sóc, những đêm đầu em rất nhớ con vì nó còn quá nhỏ nhưng phải xa mẹ…” chị Vương Thị Quý Dung, nhân viên Công ty TNHH Bao bì Tân Long, Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh tâm sự.

Đồng hành đoàn viên, người lao động, hơn 1.000 cán bộ Công đoàn cơ sở quyết tâm bám trụ sản xuất cùng NLĐ; phối hợp chủ doanh nghiệp bảo đảm nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt và nâng cao chất lượng bữa ăn cho hàng chục nghìn công nhân lao động. Theo thống kê chưa đầy đủ, Công đoàn thành phố và 11 Công đoàn ngành, quận, huyện đã hỗ trợ gần 10 tỷ đồng, hơn 300 tấn rau củ cho doanh nghiệp và NLĐ  trong hơn 1 tháng sản xuất “3 tại chỗ”.

Với đoàn viên, NLĐ thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động, giãn việc, mất việc, có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, các cấp Công đoàn thành phố chi hơn 30 tỷ đồng hỗ trợ gần 20.000 người; trao 40.000 túi “An sinh Công đoàn” đến đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh thực sự khó khăn.

Đáp lại sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, vượt qua mọi khó khăn, đoàn viên, NLĐ đã bám trụ sản xuất cùng doanh nghiệp. Không chỉ có vậy, hưởng ứng chương trình “75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, có 756 sáng kiến của NLĐ được doanh nghiệp, đơn vị ghi nhận.

Phong trào thi đua đã khơi dậy và động viên công nhân lao động - những người dù làm công việc đơn giản nhất cũng cố gắng cải tiến thao tác để nâng cao năng suất, thể hiện sự sẻ chia khó khăn, tinh thần trách nhiệm và tình cảm mà NLĐ dành cho doanh nghiệp. Ông Trần Nguyên Thụy, Giám đốc Nhà máy, Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng (KCN Hòa Cầm) chia sẻ: “Trước ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng công ty chúng tôi vẫn duy trì được sản xuất, các đơn hàng không bị đứt gãy, đó là nhờ NLĐ đã gắn bó với công ty”.

Chăm lo thiết thực, đãi ngộ thỏa đáng

Trong thời gian thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch, Công ty TNHH Pi Vina Đà Nẵng (KCN Hòa Khánh) chỉ duy trì sản xuất với 50% nhân lực. Đối với 50% công nhân đang còn ở nhà, không những mệt mỏi về tinh thần mà còn khó khăn về vật chất. “Tôi nghĩ rằng nếu có thể giúp đỡ được phần nào những NLĐ có hoàn cảnh khó khăn không thể đi làm được thì công ty và những người công nhân đang đi làm ở đây luôn sẵn sàng đóng góp, mua những phần quà nhỏ, chủ yếu là các nhu yếu phẩm để trao tặng”, ông Kim Yung Bum, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Pi Vina Đà Nẵng chia sẻ. Nhận được phần quà từ Công đoàn và ban lãnh đạo công ty trao tặng, nhiều NLĐ không giấu được niềm vui. “Nhiều bữa cơm tối của tôi có thêm thịt, trứng, dù không đi làm là không có thu nhập, bù lại tôi thấy rất ấm lòng”, chị Coor Din, nhân viên Công ty TNHH Pi Vina Đà Nẵng chia sẻ.

Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Nguyễn Thành Trung cho rằng, chính sách chăm lo, đãi ngộ của Công đoàn với người sử dụng lao động được hình thành từ nhu cầu của chính NLĐ. Chăm lo không phải là những điều gì đó to lớn, xa vời, đó là những hành động cụ thể, từ tổ chức sinh nhật, vận động hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng Covid-19 đến tham gia xây dựng, thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể gồm những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ. Do vậy, hoạt động của Công đoàn phải thật sự gắn bó mật thiết với đời sống của NLĐ mới đem lại hiệu quả, tạo dựng uy tín cho tổ chức Công đoàn.

Song song với việc hoàn thiện chế độ đãi ngộ, nhiều doanh nghiệp còn tạo điều kiện cho NLĐ học tập nâng cao trình độ, đồng thời quan tâm, cất nhắc xứng đáng những cá nhân tận lực cống hiến. Suy nghĩ “nhìn xa trông rộng” này của doanh nghiệp không chỉ giúp NLĐ cải thiện thu nhập mà còn có nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề.

Ở Công ty TNHH Đà Nẵng Telala (KCN Hòa Khánh), chính sách khuyến khích NLĐ nâng cao trình độ cũng được thực hiện xuyên suốt. Theo đó, NLĐ có thành tích xuất sắc, mong muốn đi học sẽ được công ty tạo điều kiện ra nước ngoài làm việc ở công ty mẹ. Sau thời gian tu nghiệp, khi trở về, NLĐ sẽ nhận được nhiều đãi ngộ từ công ty, tùy thuộc vào năng lực và trình độ. Chị Hồ Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc hành chính, Công ty TNHH Đà Nẵng Telala cho biết: “Khuyến khích NLĐ học tập nâng cao trình độ và đãi ngộ tương xứng là cách doanh nghiệp thu hút công nhân lao động nói chung và công nhân có tay nghề cao an tâm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”.

PHƯƠNG TRÀ

;
;
.
.
.
.
.