Phát huy hiệu quả sử dụng đất tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp

.

Thành phố hiện có Khu Công nghệ cao với diện tích 361,36ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 46,64% và 6 khu công nghiệp với diện tích gần 1.067ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 86,35%. Giai đoạn 2021-2030, thành phố tiếp tục hình thành các khu, cụm công nghiệp mới nhằm góp phần đẩy mạnh, nâng cao chất lượng nguồn vốn đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, giải quyết bài toán về mặt bằng cho doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu).  Ảnh: KHÁNH HÒA
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA

Xử lý vướng mắc sử dụng đất tại khu công nghiệp

Với vai trò là khu vực trọng điểm thúc đẩy sản xuất công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, hình thành dịch vụ đi kèm…, tổng diện tích được quy hoạch cho Khu Công nghệ cao là 361,36ha, trong đó có 202,58ha dành phục vụ cho hoạt động sản xuất; 99,93ha dành cho các công trình phục vụ hoạt động nghiên cứu, ươm tạo; 31,4ha dành cho khu nhà ở và 27,45ha phục vụ hậu cần, logistics dịch vụ.

Theo báo cáo từ Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) Đà Nẵng, đến nay, Khu Công nghệ cao đã thu hút và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 24 dự án, trong đó có 12 dự án trong nước và 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tương ứng tỷ lệ lấp đầy 46,64%. Riêng đất phân khu sản xuất đã lấp đầy 74,52%.

Trong đó, tỷ lệ lấp đầy của 11 dự án đã đi vào hoạt động/tổng diện tích 24 dự án đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, chiếm tỷ lệ 37,81%. Tổng diện tích đất còn lại tại KCNC phục vụ hoạt động kêu gọi xúc tiến đầu tư 185,60ha. Trong đó, 51,61ha dành cho hoạt động sản xuất; 95,74ha dành cho hoạt động nghiên cứu, ươm tạo; 31,40ha dành cho xây dựng khu nhà ở cho chuyên gia, người lao động; 6,84ha phục vụ hậu cần logistics.

Tại 6 KCN có quy mô tổng thể gần 1.067ha; tổng diện tích có thể cho thuê theo quy hoạch (trừ diện tích cây xanh, giao thông, công cộng,...) 782,62ha; tổng diện tích đã cho thuê 675,81ha (tương ứng với tỷ lệ lấp đầy 86,35%). Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy của KCN Hòa Khánh, KCN Đà Nẵng và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng đạt 100%; KCN Hòa Cầm (giai đoạn 1) 98,23%; KCN Hòa Khánh mở rộng 100%; KCN Liên Chiểu 52,60%. Hiện nay, tổng diện tích còn lại có thể cung cấp cho các nhà đầu tư hơn 106,8ha.

Để xử lý các tồn tại, vướng mắc liên quan đến việc chuyển nhượng không đúng mục đích, chậm triển khai dự án… (tập trung ở KCN hiện hữu), ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý KCNC&CKCN Đà Nẵng cho biết, ban quản lý đã tập trung xử lý dứt điểm cũng như đề xuất một số giải pháp báo cáo lên lãnh đạo thành phố. Cụ thể, đã xử lý phạt hành chính 2 dự án tại KCN Hòa Khánh là: Công ty TNHH Thương mại tổng hợp T.V (KCN Hòa Khánh, với số tiền 35 triệu đồng) do không thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ lắp máy M.N (xử phạt 60 triệu đồng) do không thực hiện dự án theo đúng nội dung giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp, tạm ngừng hoạt động không thông báo. Đến nay, các dự án này đã tuân thủ việc nộp phạt và chấn chỉnh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo quy định. Đối với 2 dự án chậm triển khai ở KCN Hòa Khánh và KCN Hòa Khánh mở rộng (quận Liên Chiểu) sau khi làm việc, nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thi công đầu tư xây dựng, chưa thuộc đối tượng xem xét thu hồi đất hoặc chấm dứt dự án theo Điều 48, Luật Đầu tư 2020.

Tại KCNC, ban quản lý thường xuyên theo dõi tiến độ thực hiện công tác đầu tư xây dựng trên thực tế tại hiện trường các dự án; kịp thời đôn đốc, nhắc nhở nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công tác đầu tư xây dựng để hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nâng cao hiệu quả sử dụng đất ở Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố trong thời gian tới. Trong ảnh: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất ở Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố trong thời gian tới. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA

Ưu tiên thu hút hàm lượng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại KCNC&CKCN, Ban quản lý KCNC&CKCN Đà Nẵng đã làm việc và yêu cầu các nhà đầu tư, song song công tác đầu tư xây dựng, có kế hoạch bố trí vốn đầu tư và tiến hành thủ tục mua sắm thiết bị, máy móc; tìm kiếm chuyên gia và tuyển lao động; chuyển giao công nghệ, đào tạo chuyên môn để sẵn sàng vận hành, hoạt động dự án. Đối với dự án dịch vụ nhà xưởng công nghệ cao, tiến hành đồng thời công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, tìm kiếm đối tác thuê lại nhà xưởng và các dịch vụ liên quan để bảo đảm sau khi hoàn thành công tác xây dựng sẽ đưa đất vào sử dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Riêng KCN Liên Chiểu có tỷ lệ lấp đầy 52,60%, tương đối thấp so với các KCN khác. Nguyên nhân chính do vướng các thủ tục liên quan đến giao đất, cho thuê đất và giải phóng mặt bằng liên quan đến dự án kéo dài trong thời gian qua. Ban quản lý KCNC&CKCN Đà Nẵng đã báo cáo lãnh đạo thành phố đề nghị UBND quận Liên Chiểu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các hộ còn lại trong phạm vi ranh giới dự án KCN Liên Chiểu, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư để có cơ sở giám sát tiến độ đầu tư theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan, phối hợp UBND quận Liên Chiểu trong công tác giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư đối với các hồ sơ thuộc ranh giới dự án; rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng còn ít nhất có thể, ưu đãi quyền lợi phù hợp cho các hộ dân để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.

Để phát triển các KCN theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cũng như hiệu quả sử dụng đất tại KCNC&CKCN Đà Nẵng, thành phố xác định công tác thu hút đầu tư thay vì thu hút nhằm lấp đầy KCN thì tập trung chọn lọc, ưu tiên các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Đà Nẵng. Song song đó, tập trung triển khai chỉ đạo công tác chuẩn bị đầu tư đối với các cụm công nghiệp mới và đã phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối 4 cụm công nghiệp (CCN), gồm: CCN Cẩm Lệ (29,09ha), CCN Hòa Nhơn (24,7ha), CCN Hòa Khánh Nam (13,29ha) và CCN Hòa Hiệp Bắc (14,48ha) nhằm tăng diện tích đất, mặt bằng, phục vụ công tác thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.