Tăng cường giải ngân vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp

.

Thời điểm cuối năm, nông dân trên địa bàn huyện Hòa Vang rất cần nguồn vốn để sản xuất. Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường giải ngân các chương trình tín dụng chính sách cho người dân, kịp thời đáp ứng nhu cầu về vốn.

Chị Ngô Thị Tuyên (thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) chăm sóc vườn hoa Tết được đầu tư từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.Ảnh: MINH LÊ
Chị Ngô Thị Tuyên (thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) chăm sóc vườn hoa Tết được đầu tư từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: MINH LÊ

Để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay, gia đình chị Ngô Thị Tuyên (thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) mở rộng quy mô trồng hoa với khoảng hơn 2.000 chậu hoa cúc, hoa vạn thọ và hơn 2.200 chậu hoa các loại khác, tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Để có thêm nguồn lực sản xuất, chị Tuyên đã tiếp cận nguồn vốn vay từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Giữa tháng 11-2021, chị Tuyên được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang giải ngân 100 triệu đồng. “Gia đình tôi có truyền thống trồng hoa Tết hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên tôi tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH để phục vụ việc mở rộng quy mô sản xuất. Dự kiến, nếu thời tiết thuận lợi và thị trường tiêu thụ tốt, doanh thu mùa hoa Tết năm nay của gia đình tôi khoảng vài trăm triệu đồng. Việc tiếp cận vốn tại NHCSXH đã giúp gia đình có thêm kinh phí trang trải các chi phí vật tư nguyên liệu, đầu tư hệ thống phun tưới tự động trị giá hàng chục triệu đồng”, chị Tuyên cho hay.

Cũng phục vụ cho nhu cầu trồng hoa Tết, anh Lê Ninh (thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh) trồng khoảng 50.000 giỏ hoa treo. Theo kế hoạch, anh Ninh sẽ được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang giải ngân 100 triệu đồng vào đầu tháng 12 này để phục vụ cho việc trồng thêm 20.000 giỏ hoa. Anh Ninh cho biết, tổng số tiền anh đã đầu tư vào sản xuất hoa khoảng 500 triệu đồng, trong đó vay vốn từ NHCSXH 1 lần 100 triệu đồng vào tháng 5 vừa qua. Việc vay vốn thời hạn 5 năm, lãi suất 7,92%/năm là tương đối phù hợp để người dân có thể tiếp cận vốn vay. Được biết, các mô hình trồng hoa của chị Tuyên và anh Ninh cũng tạo việc làm cho 2-3 lao động thời vụ/mô hình với thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/ngày.

Trong khi đó, tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên), gia đình ông Võ Văn Thành có 2 lao động đã tiếp cận vốn vay với mục đích mở rộng việc làm. Cụ thể, mỗi lao động vay 100 triệu đồng và đã được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang giải ngân 200 triệu đồng vào ngày 23-11 vừa qua. Trước đó, ông Thành đã vay 65 triệu đồng để mua máy cày phục vụ sản xuất. Trước khi vay vốn, ông Thành đang chăn nuôi quy mô lớn với khoảng 50 con bò và khoảng hơn 1.200 con gà, vịt. Sau khi được giải ngân vốn, ông Thành nâng tổng đàn gà và vịt thả vườn lên khoảng 2.000 con. Ngoài ra, ông đầu tư thêm 1 máy gặt với giá trị 300 triệu đồng để tối ưu hóa sản xuất, chăn nuôi và sản xuất quy mô lớn giúp ông có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.

Đây là những mô hình sản xuất nông nghiệp đã được tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH dịp này. Ngay sau thời điểm thành phố cơ bản khống chế được dịch bệnh vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua, nông dân cũng bắt đầu bước vào vụ sản xuất cuối năm, vì vậy, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang đã tăng cường giải ngân vốn vay chương trình hỗ trợ duy trì và tạo việc làm.

Tính đến ngày 30-11, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang đã giải ngân hơn 230 tỷ đồng cho 5.821 hộ dân. Trong đó, chỉ riêng tháng 10 và 11 đã giải ngân hơn 52 tỷ đồng cho 1.345 hộ dân, số liệu này chứng tỏ nhu cầu về vốn sản xuất cuối năm của người dân rất lớn.

Ông Đoàn Ngọc Cẩm, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang cho biết, qua theo dõi việc sử dụng vốn vay cho thấy, người dân trên địa bàn rất linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn.

Thay vì đầu tư các mô hình lớn như nhiều năm trước, người dân chú trọng sản xuất theo quy mô hộ gia đình. Điều này giúp người dân không bị thiệt hại quá nhiều nếu xảy ra các rủi ro như thiên tai, dịch bệnh… cũng như vẫn bảo đảm nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp cho thành phố.

Nhờ đó, người dân có nguồn thu nhập ổn định, thực hiện các phiên giao dịch với ngân hàng đúng hạn và chất lượng tín dụng ngày càng được cải thiện. Hiện NHCSXH huyện cùng tổ tiết kiệm và vay vốn đang tiếp tục đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền để người dân sử dụng nguồn vốn hiệu quả, phối hợp với các đơn vị liên quan khác thực hiện an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. 

Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang, tính đến ngày 30-11-2021, tổng dư nợ toàn huyện đạt 624,8 tỷ đồng, tăng 45,7 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Nợ quá hạn là 117 triệu đồng, chiếm 0,02%, tiếp tục giảm 0,02% so với cuối năm 2020. Hiện tại, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang có 12 chương trình vay vốn còn dư nợ; có 333 tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 14.600 khách hàng vay vốn trên địa bàn 11 xã.

MINH LÊ

;
;
.
.
.
.
.