Giá xăng trong nước đang lập đỉnh kỷ lục sau kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu của liên Bộ Tài chính - Công Thương vào chiều 21-2. Cụ thể, mỗi lít xăng RON 95 có giá hơn 26.000 đồng, xăng E5 RON 92 là hơn 25.500 đồng. Giá xăng liên tục tăng và lập đỉnh khiến giá cả hàng loạt mặt hàng đã và sẽ tăng theo.
Ngư dân lo lắng vì giá xăng, dầu tăng. (Ảnh chụp tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang). Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Ngành bán lẻ lao đao
Ghi nhận những ngày này cho thấy, ảnh hưởng của Covid-19 khiến thị trường sau Tết khá trầm lắng. Trong các ngày cuối tuần, sức mua có nhỉnh hơn ngày thường nhưng không đáng kể. Đa số người dân thắt chặt chi tiêu, chủ yếu mua các thực phẩm thiết yếu để phục vụ bữa ăn hằng ngày. Đáng chú ý, hiện các nhà bán lẻ đã hoàn tất điều chỉnh các mặt hàng theo mức giá mới nhờ giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách miễn, giảm thuế kể từ ngày 1-2-2022.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc siêu thị Winmart (tầng 2, Vincom Plaza) cho hay, sức mua sau Tết khá chậm nên hiện tại chưa có mặt hàng nào tăng giá đáng kể. Tuy nhiên, nếu tiếp tục tăng giá xăng, dầu thì chắc chắn trong thời gian tới, các nhà cung cấp sẽ tăng giá để bù vào giá cước vận chuyển.
Giá xăng, dầu tăng rõ ràng đã ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng. Anh Phi Tài (giáo viên Trung tâm Tiếng Anh, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) bày tỏ: “Xăng dầu tăng giá luôn “kéo” theo các ngành hàng, dịch vụ khác tăng giá như: giá cước vận tải, thực phẩm, rau củ quả… Từ sau Tết, quán bún vỉa hè tôi hay ăn đã tăng giá lên 25.000 đồng/tô thay vì 20.000 đồng/tô như trước đây. Nói chung, bây giờ, nhiều mặt hàng tăng giá, trong khi ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thu nhập giảm nhiều”.
Tại các tiệm tạp hóa, một số mặt hàng thiết yếu như: sữa, dầu ăn, đường… đã bắt đầu nhích một vài giá. Anh Tuấn (chủ tiệm tạp hóa Tuấn Vy, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho hay, từ sau Tết, một số mặt hàng sữa, sữa chua đã tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/thùng.
Tương tự, bà Thu Hà (chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm, trái cây theo mùa ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, hiện giá cước vận chuyển hàng từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng về cửa hàng của chị đã tăng thêm 40.000 đồng/chuyến cho 11km (trước 60.000 đồng, nay 100.000 đồng). Phí ship của người giao hàng cũng tăng thêm 10.000 đồng/đơn hàng.
“Hầu như sau Tết, do giá xăng, dầu tăng nên các nhà cung cấp đều tăng giá. Dù vậy, tôi cũng cố gắng tính toán để giữ giá nhằm giữ khách vì sức mua khá chậm. Chỉ những mặt hàng tăng giá quá cao thì tôi mới trao đổi để khách hàng thông cảm”, chị Hà nói.
Giá xăng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 8 năm, ngay lập tức làm tăng giá cước, giá dịch vụ. Các ứng dụng Grab, ShopeeFood đều đang áp dụng thêm phí dịch vụ 2.000 đồng/đơn hàng. Trong khi đó, khảo sát giá tại các chợ truyền thống, giá xăng tăng khiến giá nhiều mặt hàng giữ ở mức cao hơn so với trước Tết. Giá hoa, quả cũng tiếp tục tăng, theo lý giải của tiểu thương, giá tăng chủ yếu do cước vận chuyển tăng. Các loại quả từ phía Nam chuyển ra các tỉnh phía Bắc như mận, xoài, cam… giá trung bình tăng khoảng 10 - 20%.
Bà Thanh (hộ kinh doanh rau hành laghim tại chợ đầu mối Hòa Cường) cho biết, mỗi ngày, bà nhập về 2-2,5 tấn rau củ, ngoài bán lẻ cho các chợ nhỏ, còn bỏ mối cho các căng tin, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp. Theo bà Thanh, những ngày qua, giá nhiều mặt hàng rau, củ, quả đã bắt đầu tăng dần theo giá xăng, dù chưa tăng đột biến. Tuy nhiên, trước sức ép giá xăng tăng liên tục, giá các mặt hàng có thể cũng sẽ được điều chỉnh liên tục.
Một số mặt hàng tại chợ truyền thống bắt đầu tăng dần theo giá xăng tăng. (Ảnh chụp tại chợ Đống Đa). Ảnh: QUỲNH TRANG |
Ngư dân gặp khó vì chi phí tăng cao
Tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, nhiều tàu cá của ngư dân miền Trung neo đậu để tránh gió mùa đông bắc hoạt động mạnh trên Biển Đông.
Nói về việc giá xăng, dầu liên tục tăng cao trong thời gian qua làm nhiều ngư dân càng lo lắng bởi chi phí cho mỗi chuyến biển đang liên tục tăng lên, ngư dân Đào Ngọc Minh Tâm (trú phường Thanh Đông, quận Thanh Khê) cho hay: “Từ sau Tết đến nay, gió mùa đông bắc liên tục hoạt động mạnh trên biển nên nhiều ngư dân vẫn đang chờ bớt gió để vươn khơi. Tuy nhiên, giá xăng, dầu tăng cao liên tục nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn”.
Còn ngư dân Nguyễn Văn Khoa (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết: “Trước đây, chúng tôi chỉ tốn cao nhất là 15 triệu đồng chi phí mỗi chuyến biển. Nhưng giá xăng, dầu tăng cao thời gian gần đây làm chi phí tăng lên 20-30 triệu đồng/chuyến biển. Trong khi đó, do tác động của Covid-19, giá thủy sản bán ra bấp bênh và khó tiêu thụ nên ngư dân gặp nhiều khó khăn”.
Tại khu neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang, ngư dân Bùi Văn Hùng (quê Tiền Giang) chia sẻ, do giá dầu tăng cao liên tục nên hiện chi phí cho mỗi chuyến biển tăng thêm 60 triệu đồng so với thời gian đầu năm 2021. Mặt khác, do giá xăng, dầu liên tục tăng nên giá đá lạnh để bảo quản thủy sản tăng, giá lưới, dây... cũng tăng theo. Trong khi đó, giá cá hiện nay lại giảm, nhất là giá cá thu được ngư dân đánh bắt vào bán tại cảng cá Thọ Quang chỉ 90.000-100.000 đồng/kg.
Hiện có hơn 1.230 tàu cá đánh bắt vùng lộng và khơi của Đà Nẵng, chưa kể hơn 450 thúng chai lắp máy đánh bắt gần bờ. Việc giá dầu liên tục tăng cao nhưng giá thủy sản lại thấp do tác động của Covid-19 gây nhiều thiệt hại cho ngư dân thành phố.
Trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang Huỳnh Văn Phương cho rằng, việc giá dầu tăng cao nhiều lần liên tiếp từ khi cảng cá Thọ Quang hoạt động trở lại sau thời gian đóng cửa để phòng, chống Covid-19 (30-9-2021) đến nay làm nhiều ngư dân hoạt động đánh bắt vùng lộng, ven bờ và các tàu cá làm nghề giã cào hoạt động ở vùng khơi gặp rất khó khăn. Còn các ngư dân khai thác hải sản ở vùng khơi cũng chịu tác động, nhưng không nhiều như ngư dân vùng lộng và bờ. Chi cục phó Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Đặng Duy Hải nhìn nhận, giá xăng, dầu tăng cao làm cho chi phí của mỗi chuyến biển đối với ngư dân tăng lên trong khi giá cá không cao.
QUỲNH TRANG - HOÀNG HIỆP
Mỗi lần xăng, dầu tăng giá là mỗi lần doanh nghiệp gặp khó Ông Trần Phước Hồng, ủy viên HĐQT, Giám đốc Công ty CP logistics Cảng Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, dịch bệnh gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải vì chịu nhiều chi phí phát sinh. Hiện nhiên liệu tăng liên tục và vượt đỉnh 8 năm qua nên càng khó khăn hơn. Với tốc độ tăng như hiện nay, doanh nghiệp chủ yếu chạy để cầm cự và hỗ trợ khách hàng, còn nắm chắc sẽ lỗ. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có phương án bình ổn giá nhiên liệu, để hỗ trợ hoạt động. Riêng đối với doanh nghiệp vận tải, nhiên liệu chiếm đến 40% giá thành vận chuyển. Vì vậy, mỗi lần nhiên liệu tăng giá là mỗi lần doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này đồng nghĩa với giá thành đầu ra của sản phẩm buộc phải tăng theo. Tuy nhiên, doanh nghiệp khó có thể tăng chi phí lên theo giá nhiên liệu vì hợp đồng có thể ký kết trước khi giá nhiên liệu tăng, thứ hai, nếu tăng như vậy, nhiều khách hàng cũng không chịu nổi mức tăng. Giá nhiên liệu tăng sẽ gây áp lực lớn lên chi phí vận hành, kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải, logistics... THÀNH LÂN |