Đẩy mạnh nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông

.

Xác định đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đi trước tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua, thành phố đã ưu tiên và tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông từ nhiều nguồn đầu tư... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, góp phần hoàn thiện hạ tầng đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Thời gian qua, thành phố tập trung phát triển hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Hầm chui Nguyễn Tri Phương mang lại hiệu quả cao trong việc giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: THÀNH LÂN
Thời gian qua, thành phố tập trung phát triển hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. TRONG ẢNH: Hầm chui Nguyễn Tri Phương mang lại hiệu quả cao trong việc giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: THÀNH LÂN

Đầu tư nguồn vốn lớn cho các dự án động lực, trọng điểm

Năm 2022, UBND thành phố phân bổ hơn 7.880 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các dự án động lực, trọng điểm. Trong đó, riêng nguồn lực vốn đầu tư các dự án công trình giao thông có giá trị gần 1.529 tỷ đồng, với 66 công trình. Đặc biệt, mới đây, HĐND thành phố đã thông qua các nghị quyết về chủ trương đầu tư 1.203 tỷ đồng xây dựng đường ven biển nối cảng Liên Chiểu; 274 tỷ đồng triển khai xây dựng cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu bắc qua sông Yên...

Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bùi Hồng Trung chia sẻ, năm 2022, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các công trình, dự án giao thông trọng điểm, động lực. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông động lực, trọng điểm giai đoạn 2021-2025 phù hợp quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời tập trung triển khai, đôn đốc tiến độ thực hiện các công trình nâng cấp, cải tạo đường ĐT601; đường vành đai phía tây và vành đai phía tây 2; cải tạo đường Ngô Quyền và đường Ngũ Hành Sơn; đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan; đường ĐH2… Đồng thời theo dõi, đôn đốc triển khai các bãi đỗ xe tại số 255 Phan Châu Trinh (giai đoạn 2) và 166 Hải Phòng. Ngành giao thông tiếp tục đề xuất đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe theo quy hoạch được duyệt, ưu tiên tại khu vực trung tâm thành phố; triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh tại thành phố Đà Nẵng.

Đặc biệt, thành phố đã và đang tích cực, chủ động phối hợp các bộ, ngành Trung ương, chủ đầu tư triển khai các dự án: Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung (phấn đấu khởi công dự án trong tháng 9-2022); di dời đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố (giai đoạn 1); nâng cấp nhà ga hành khách T1 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14B (đoạn từ Túy Loan đến giáp Quảng Nam); dự án cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan; đề xuất các bộ,  ngành chức năng Trung ương ưu tiên đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến quốc lộ 14G, 14D.

Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ thực hiện đầu tư hàng chục công trình hạ tầng giao thông nội thị với tổng vốn hàng trăm tỷ đồng như: tuyến đường 19,5m nối từ đường quy hoạch khu dân cư Phần Lăng 2 đến đường Trường Chinh; cải tạo nâng cấp đường Võ Duy Ninh; khởi công dự án bến cảng Liên Chiểu...; đường 45m đoạn từ Lê Hữu Trác đến Nguyễn Văn Thoại; đường 45m đoạn từ Hồ Ngọc Lãm đến Trương Định.

Song song đó, thành phố cũng có kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, như: mở rộng đường Lưu Quý Kỳ (đoạn phía nam Phan Đăng Lưu); dự án đường nối từ đường Châu Thị Vĩnh Tế đến Mỹ Đa Đông 8; đường giao thông phía bắc Lê Trọng Tấn (khu vực khu đô thị phía tây tuyến đường Trường Chinh); hoàn thành cải tạo các tuyến đường An Thượng 2, An Thượng 3, Ngô Thì Sỹ - Võ Nguyên Giáp, Hoàng Kế Viêm - Võ Nguyên Giáp, Trần Bạch Đằng, Lê Quang Đạo... để phục vụ phát triển du lịch.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, năm 2022, có 455 tỷ đồng vốn đầu tư bố trí bổ sung cho 13 dự án, công trình có tính chuyển tiếp từ các năm trước như: tuyến đường trục 1 Tây Bắc (đoạn từ ngã ba Huế đến Bệnh viện Ung bướu, đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến Nguyễn An Ninh); tuyến đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh...

Tập trung phát triển hạ tầng dịch vụ logistics

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch số 2581/KH-UBND ngày 20-4-2020 thực hiện Chương trình số 41-CTr/TU ngày 5-2-2020 của Thành ủy về triển khai thực hiện chuyên đề “Tập trung phát triển dịch vụ logistics, cảng biển, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước”, thành phố sẽ quy hoạch và kêu gọi đầu tư hạ tầng để hình thành các trung tâm logistics.

Theo ông Bùi Hồng Trung, từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố sẽ hình thành 5 trung tâm logistics chính được bố trí tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, gồm có: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Trung tâm logistics đường sắt Đà Nẵng, Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Trung tâm logistics Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Trong 5 trung tâm logistics trên, Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu có vai trò là trung tâm logistics cảng biển, quy mô đến năm 2030 là 35ha, đến năm 2045 đạt 69ha; vị trí đặt tại khu vực hậu cần cảng Liên Chiểu. Hiện Ban quản lý dự án đang lập quy hoạch chi tiết mặt bằng khu bến cảng Liên Chiểu. Trung tâm logistics Hòa Nhơn là trung tâm logistics đường bộ, quy mô đến năm 2030 là 27ha, đến năm 2045 đạt 54ha; vị trí đặt gần nút giao giữa cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường Hoàng Văn Thái (phía nam).

Trung tâm này có chức năng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật phương tiện vận tải đường bộ, dịch vụ logistics cho luồng hàng hóa bắc - nam và các tỉnh lân cận trung chuyển qua Đà Nẵng. Trung tâm logistics đường sắt là trung tâm logistics phục vụ vận tải đường sắt, quy mô đến năm 2030 là 5ha, đến năm 2045 đạt 10ha; vị trí tại khu vực Hòa Liên, gần nút giao cắt của đường sắt quốc gia với đường bộ quốc gia và đường vành đai của thành phố.

Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không, quy mô đến năm 2030 là 4ha, đến năm 2045 đạt 8ha; vị trí đặt trong hoặc gần khu vực Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Trung tâm logistics Khu công nghệ cao Đà Nẵng là trung tâm logistics khu công nghiệp, quy mô đến năm 2030 là 3ha, đến năm 2045 dự kiến đạt 20ha; vị trí đặt trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Trung tâm này có vai trò là trung tâm logistics phụ trợ trung tâm logistics hàng không và đường bộ. Ngoài ra còn có các trung tâm logistics nhỏ lẻ và các kho bãi khác với tổng quy mô đến năm 2030 đạt 26ha, đến năm 2045 đạt 68ha; được bố trí theo thực tế nhu cầu và điều kiện quỹ đất của thành phố tại các địa điểm thuận tiện giao thông và gần các đầu mối sản xuất tiêu thụ hàng hóa...

Thời gian qua, việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã hình thành với nhiều công trình lớn, hiện đại đáp ứng nhu cầu giao thương của thành phố; góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.
Cách mua hàng trên 1688 về Việt Nam