Trong tháng 3-2022, một số công trình, dự án sẽ được khánh thành và khởi công xây dựng mới trên địa bàn thành phố. Hoạt động sản xuất duy trì đà phục hồi và đặc biệt ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch được kích hoạt trở lại sau giai đoạn im ắng bởi tác động của Covid-19. Tất cả tạo sức bật, động lực mới để thành phố thúc đẩy phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông trọng điểm sẽ tạo động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội thành phố. TRONG ẢNH: Công trình cải tạo nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý chuẩn bị khánh thành vào ngày 28-3. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư công
Dấn ấn trong tháng 3 năm nay là kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2022) với sự kiện khánh thành và đưa vào sử dụng nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý sau 2 năm thi công. Công trình cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý là nút giao khác mức ba tầng với tổng vốn đầu tư hơn 723 tỷ đồng. Công trình có thiết kế đường hầm dài hơn 900m ngầm bên dưới đường Duy Tân xuyên qua nút giao đường 2 Tháng 9 đến chân cầu Trần Thị Lý.
“Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với giao thông thành phố thành phố. Dự án hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm tại nút giao đường 2 Tháng 9 - Duy Tân - phía tây cầu Trần Thị Lý. Đồng thời tạo trục giao thông hoàn chỉnh kết nối với sân bay quốc tế Đà Nẵng và đường biển phía đông”, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải Bùi Hồng Trung chia sẻ. Công trình nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý cũng là điểm nhấn cảnh quan hạ tầng đô thị làm cơ sở trong việc triển khai đầu tư cải tạo các nút giao thông khác, đưa nơi đây trở thành địa điểm thu hút du khách với thiết kế kiến trúc hầm chui cùng những ô cửa lấy ánh sáng đầy ấn tượng.
Một công trình giao thông khác mặc dù đang thi công nhưng đã linh hoạt khi vừa tổ chức thi công vừa đưa vào khai thác trên cơ sở bảo đảm an toàn giao thông gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế. Đó là công trình cải tạo, nâng cấp tuyến đường Ngũ Hành Sơn - Ngô Quyền.
Theo đó, đoạn Ngô Quyền - Nguyễn Công Trứ đến cảng Tiên Sa đã hoàn thành, thông tuyến kỹ thuật. Sau cải tạo, việc phân làn giao thông hợp lý giúp lưu thông thông suốt, an toàn và cũng gián tiếp tăng lưu lượng vận tải, góp phần giải phóng hàng hóa qua cảng Đà Nẵng, kích thích tăng trưởng kinh tế. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2022, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Đà Nẵng đạt hơn 1,57 triệu tấn, tăng 1,62% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, công trình Nhà máy Cấp nước Hòa Liên giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư hơn 1.170 tỷ đồng cũng qua 2 năm khởi công xây dựng nay đã cơ bản hoàn thành. Hiện thành phố đang xây dựng phương án vận hành nhà máy để chuẩn bị đưa vào khai thác.
Bên cạnh đầu tư các công trình giao thông, đô thị quan trọng, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch cũng được thành phố quan tâm nhằm thu hút du khách trở lại. Mới đây, Sở Giao thông vận tải công bố mở bến du lịch đường thủy bán đảo Sơn Trà. Theo Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng Nguyễn Đức Vũ, hiện bến thủy CT15 đã hoàn thành hạ tầng, bảo đảm các điều kiện khai thác, tạo ra sản phẩm mới cho hoạt động du lịch.
Công viên vườn tượng APEC (quận Hải Châu) đã trở thành địa điểm hấp dẫn du khách, tạo điểm nhấn góp phần khôi phục hoạt động du lịch. Ảnh: THU HÀ |
Huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển
Phát huy hiệu quả đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, kích hoạt các phương án, chương trình mở cửa đón khách du lịch trở lại đã tạo các nguồn lực đầu tư phát triển xã hội. Trong đó, việc thu hút đầu tư nước ngoài với dự án khách sạn Fusion tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, tổng vốn đầu tư 50 triệu USD do Tập đoàn đầu tư khách sạn Lodgis Hospitality Holdings và thương hiệu bất động sản VinaLiving (Tập đoàn VinaCapital) đầu tư đã khởi công vào ngày 21-3 là tín hiệu rất tích cực.
“Dù gặp những khó khăn bởi Covid-19 nhưng chúng tôi cam kết triển khai dự án đúng tiến độ, dự án này đánh dấu cho sự trở lại của ngành du lịch địa phương trong thời gian sắp tới”, ông Peter Meyer, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn đầu tư khách sạn Lodgis Hospitality Holdings nói.
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty TNHH MTV ITL Logistics Đà Nẵng có kế hoạch trong tháng 3-2022 sẽ khởi công xây dựng dự án Trung tâm tiếp vận ITL Logistics Đà Nẵng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng. Dự án Trung tâm tiếp vận ITL Logistics Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng nhằm xây dựng nhà xưởng tiêu chuẩn để cho thuê; dịch vụ kho và hạ tầng dùng chung; đóng gói là lưu trữ hàng hóa (300.000 tấn hàng hóa qua kho/năm).
Vừa qua, Hội đồng quản trị Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) phê duyệt đầu tư hơn 900 tỷ đồng để mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải. Sau khi hoàn thành, nhà máy sản xuất lốp xe tải radial sẽ nâng công suất từ 600.000 lốp/năm lên 1 triệu lốp/năm. Hiện tại, quý 1- 2022, giá trị sản xuất của DRC vượt 18% kế hoạch, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước với doanh thu đạt 1.164 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước và dự báo doanh thu cả năm 2022 đạt 5.034 tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm 2021.
Chuyển động có tính bước ngoặt trong phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng trong tháng 3 cũng như quý 1-2022 là việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.200 tỷ đồng, quy mô diện tích 120ha. Dự án tạo dư địa về bất động sản công nghiệp để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
TRIỆU TÙNG