Giá nhiên liệu liên tục tăng cao, giá bán hải sản thấp… khiến chi phí cho mỗi chuyến biển tăng nhưng ngư dân quận Sơn Trà vẫn nỗ lực đánh bắt, thúc đẩy giá trị khai thác hải sản, nâng cao thu nhập.
Ngư dân quận Sơn Trà vượt khó, vươn khơi bám biển để ổn định sản xuất. TRONG ẢNH: Anh Nguyễn Văn Bình, ngư dân phường Thọ Quang kiểm tra máy giám sát hành trình để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi sắp đến. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày, anh Nguyễn Văn Bình (ngư dân phường Thọ Quang) cho biết, tranh thủ thời tiết thuận lợi, anh cùng các bạn tàu đã ra khơi trở lại. Đây là chuyến đánh bắt thứ 4 trong năm 2022 của anh.
Chi phí ban đầu mỗi chuyến biển trước đây của anh khoảng 50-70 triệu đồng nhưng do giá xăng dầu, các vật tư khác tăng cao nên giờ lên đến 100 triệu đồng. “Mong những chuyến đánh bắt sắp đến sẽ được nhiều hải sản hơn để anh em có thêm chi phí trang trải”, anh Bình chia sẻ.
Trong khi đó, ông Cao Văn Minh (ngư dân phường Nại Hiên Đông) cho hay, một trong những khó khăn mà các chủ tàu đang gặp phải là vấn đề tìm lao động, bạn tàu đi cùng. Theo đó, chi phí xăng dầu tăng, sản lượng đánh bắt ít, giá bán hải sản không cao khiến lợi nhuận sau mỗi chuyến đánh bắt giảm, thu nhập của các thuyền viên bị ảnh hưởng. Thậm chí, nhiều tàu phải tạm ngưng đánh bắt vì thua lỗ. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, nghề đi biển không phải chuyến nào cũng bội thu nên mọi người đều thông cảm, chia sẻ lẫn nhau cùng vượt khó.
Ông Nguyễn Xấu, Tổ trưởng Tổ đoàn kết Thắng Lợi (phường Thọ Quang) thông tin thêm, thời gian qua, hoạt động khai thác và đánh bắt hải sản của ngư dân trong tổ gặp khó khăn, có thời điểm tạm ngưng, không thể vươn khơi. Được sự quan tâm, động viên của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân máy tàu và đầu tư, ứng dụng các trang, thiết bị hiện đại (mô hình đèn led, pin năng lượng mặt trời) nên các thuyền viên trong tổ đều nỗ lực bám biển dài ngày.
Nhờ vậy, có những chuyến đi, các thành viên trong tổ đã đánh bắt được nhiều loại hải sản chất lượng, giá trị kinh tế cao, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh tế gia đình. “Hiện các thành viên trong tổ đang có 12 tàu khai thác hải sản xa bờ, trong đó có 8 tàu công suất hơn 700CV với sản lượng đánh bắt trung bình 5-10 tấn cá/tàu, có khi còn được trên mức này, giúp ổn định cuộc sống và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương”, ông Nguyễn Xấu cho hay.
Theo Phòng Kinh tế quận Sơn Trà, hiện quận có 1.194 tàu cá, trong đó tàu có chiều dài 15m trở lên để đánh bắt xa bờ là 437 chiếc. Trong năm 2021, sản lượng khai thác thủy sản ước thực hiện 18.914 tấn, đạt 70,4% so với kế hoạch của quận và 74,21% so với cùng kỳ năm 2020.
Để ngư dân yên tâm bám biển, phát triển nghề cá, UBND quận đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến ngư như: đề xuất UBND thành phố xem xét, phê duyệt đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm thân tàu; hỗ trợ 3 giàn pin năng lượng mặt trời, 1 bộ trang bị thiết bị đèn led; 800 khay nhựa đựng hải sản cho 20 tàu cá; đề xuất hỗ trợ khó khăn cho ngư dân có tàu cá gặp nạn với tổng số tiền là 345 triệu đồng. UBND thành phố hỗ trợ 3 mô hình hầm bảo quản sản phẩm cho ngư dân; 1 mô hình máy dò cá; lắp đặt 429 máy giám sát hành trình cho tàu khai thác xa bờ…
Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Huỳnh Văn Hùng cho biết, nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ của trung ương và thành phố đã khuyến khích, tạo điều kiện cho ngư dân trên địa bàn quận đầu tư nâng cấp tàu thuyền, ngư cụ, phát triển nghề nghiệp, vươn khơi bám biển…
Trong thời gian đến, quận Sơn Trà sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ nâng cấp tàu cá, hỗ trợ khai thác trên các vùng biển xa. Đồng thời nâng cao năng lực khai thác hải sản, hiệu quả sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu tàu thuyền và nghề khai thác; phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò của các tổ đoàn kết sản xuất trên biển, đặc biệt là các tổ xa bờ, nghiệp đoàn nghề cá…
VĂN HOÀNG