Mang tinh thần khởi nghiệp đến với công chúng

.

Quyển sách “Chat với startups - Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công” ra mắt năm 2021 đã tạo dấu ấn trong cộng đồng khởi nghiệp. Tác giả là chị Lê Mỹ Nga, nhân vật quen thuộc trong giới khởi nghiệp Đà Nẵng. Nhiều năm qua, chị là cố vấn, đồng hành nhiều startup tại các vườn ươm khởi nghiệp trên địa bàn thành phố.

Chị Lê Mỹ Nga tại một hội nghị dành cho các huấn luyện viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức tháng 1-2022.  Ảnh: NVCC
Chị Lê Mỹ Nga tại một hội nghị dành cho các huấn luyện viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức tháng 1-2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về cơ duyên viết quyền sách này, chị Lê Mỹ Nga cho biết:

- Chúng ta đang chứng kiến sự chuyển hướng mô hình kinh doanh và ứng dụng công nghệ ở tất cả các ngành công nghiệp trên toàn cầu. Kinh doanh thông thường đã rất khó, khởi nghiệp đúng nghĩa càng khó gấp bội. Người chủ dự án khởi nghiệp phải có kiến thức rộng, phải học rất nhiều thứ từ kinh tế, chính trị đến xã hội. Không phải cứ gọi được vốn là khởi nghiệp thành công nhưng nhiều ngộ nhận “chết người” như vậy vẫn đang tồn tại, khiến xã hội thất thoát nguồn lực từ con người đến tài sản, thời gian.

Tôi đã viết quyển sách đầu tiên trong loạt sách “Chat với Startups” với nhiều chủ đề liên quan đến quản trị. Quyển sách cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chỉ nhằm trả lời câu hỏi: “Startup là gì? Startup khác với khởi sự kinh doanh truyền thống như thế nào?” Tôi mong quyển sách sẽ giúp các bạn trẻ định hình chính mình, quyết định việc liệu mình nên khởi nghiệp hay tham gia thị trường lao động sau khi tốt nghiệp đại học. Tôi muốn vẽ một bức tranh toàn diện về hệ sinh thái mà bạn trẻ cần tham gia để có thể thiết kế một dự án tiềm năng, thu hút quỹ đầu tư rót vốn.

* Nội dung chính của quyển sách là gì?

- “Chat với Startups - từ ý tưởng đến gọi vốn thành công” mổ xẻ từ lý thuyết đến thực tế, đúc rút thành các bài học, điển hình như: “Đa số các startup thất bại trong việc tạo ra đúng sản phẩm, chứ không phải trong việc tạo ra sản phẩm đúng cách”, hay “Mô hình kinh doanh không khả thi hoặc giấc mơ quá lớn sẽ như một chiếc áo quá khổ, khiến bạn kiệt sức và không biết nên bắt đầu từ đâu”.

Quyển sách giới thiệu về cách xác định tệp khách hàng: hãy tập trung vào một đối tượng khách hàng cụ thể, thị trường cụ thể với quy mô đủ lớn, xác định đúng “nỗi đau” thị trường và đưa ra giải pháp cụ thể; cần tạo lập dữ liệu khách hàng càng sớm càng tốt. Sản phẩm thành công không nhất thiết phải là sản phẩm đột phá, mà đôi khi chỉ cần là sản phẩm được cải tiến phù hợp với người tiêu dùng, xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng và phải được thực hiện một cách chỉn chu.

Quyển sách cũng nêu chi tiết những điều các startup cần cân nhắc khi nhờ cậy đến “ông tơ bà nguyệt” là những vườn ươm khởi nghiệp, tổ chức tăng tốc kinh doanh; đồng thời chỉ ra cách để nhận diện, tìm kiếm người cố vấn giỏi. Bên cạnh đó, một phần đặc biệt quan trọng trong quá trình khởi nghiệp là trình bày dự án trước nhà đầu tư để gọi vốn.

Quyển sách dành nhiều dung lượng để trả lời những câu hỏi thực tế như: Chuẩn bị hồ sơ thuyết minh kế hoạch kinh doanh ra sao? Thuyết trình dự án như thế nào? “Uốn ba tấc lưỡi” kiểu gì để nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm chịu xuống tiền? Thực hiện các vòng gọi vốn (tiền hạt giống, hạt giống, giai đoạn sớm, giai đoạn sau, IPO…) sao cho mượt mà, hiệu quả? Có nên dùng đến crowdfunding (gọi vốn cộng đồng) hay không?

Tóm lại, tôi viết quyển “Chat với Startups - Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công” với mong muốn không đơn thuần cung cấp kiến thức nền tảng về khởi nghiệp mà quan trọng hơn là cung cấp “bí kíp” thực chiến giúp những người đam mê kinh doanh không rơi vào tỷ lệ 90% tử sĩ “xanh cỏ” mà lọt vào tốp 10% chiến binh “đỏ ngực” - mà trong đó, chiếc huy chương “đỏ ngực” danh giá nhất có lẽ là danh hiệu “Startup Kỳ lân”.

* Nhiều năm là cố vấn ở các vườn ươm khởi nghiệp và giám khảo các cuộc thi khởi nghiệp; đồng thời cũng là diễn giả, nhà đầu tư, “bà đỡ” của nhiều dự án khởi nghiệp Đà Nẵng, chị nhìn nhận thế nào về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố?

- Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng rất tiềm năng. Chính quyền thành phố đã rất quan tâm tạo điều kiện thiết thực, trong đó có hỗ trợ tài chính cho những dự án tiềm năng, có chính sách thu hút các startup từ nhiều địa phương nhằm xây dựng và hoàn thiện bức tranh đa sắc màu về khởi nghiệp cho thành phố. Đây chính là bước đi phục vụ chiến lược hiện thực hóa mục tiêu Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh, là điểm sáng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam và khu vực trong tương lai gần.

Trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, một hệ sinh thái hoàn chỉnh và năng động đóng vai trò rất quan trọng, giúp startup nhanh chóng hoàn thiện mô hình, kết nối được các nguồn lực để tung ra thị trường và tăng quy mô nhanh chóng. Đây là dư địa để Đà Nẵng có thể cải thiện. Tôi nghĩ, thành phố và các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp cần năng động hơn trong kết nối hợp tác với các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước, coi đây là chiến lược quan trọng để hoàn thiện hệ sinh thái. Bởi vốn đầu tư thiên thần và mạo hiểm là thành tố cực kỳ quan trọng trong hệ sinh thái bên cạnh các cố vấn khởi nghiệp và các tổ chức ươm tạo, tăng tốc.

* Chị có lời khuyên gì cho các nhà khởi nghiệp trẻ tại Đà Nẵng?

- Hãy quan sát, tìm hiểu các mô hình thành công, chí ít là những mô hình đã gọi được vốn mạo hiểm. Để thiết kế ra được một mô hình sáng tạo, giải quyết được “nỗi đau” của thị trường trên diện rộng, các startup cần phải nắm vững thị trường hiện hữu, ứng dụng công nghệ để thiết kế mô hình mới, sáng tạo hơn, đáp ứng nhu cầu cao hơn, hiệu quả hơn những sản phẩm/dịch vụ hiện hữu.

Và dĩ nhiên, mô hình đó phải có khả năng tăng qui mô nhanh chóng. Có rất nhiều nguyên nhân khiến các startup thất bại ngày từ lúc khai sin, nhưng đa phần các dự án không thu hút được vốn đầu tư thiên thần là do chưa tìm được ra đúng vấn đề thị trường đang gặp phải, vấn đề chưa phải là “nỗi đau” chung của số đông người dùng hoặc là nếu có giải pháp tốt thì đội ngũ thực thi chưa thật sự thuyết phục.

Bên cạnh vai trò người sáng lập Công ty quản lý quỹ WeAngels, chị Lê Mỹ Nga còn là thành viên Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, giám đốc điều hành Công ty cố vấn và đầu tư khởi nghiệp Hermes Management. Nắm giữ vai trò quản lý của nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp, thấu hiểu những vấn đề mà cộng đồng startup trẻ đang vướng mắc, chị đã viết quyển sách “Chat với startup - Từ chiến lược đến gọi vốn thành công” với mong muốn mang tinh thần khởi nghiệp bền vững đến gần với công chúng.

PHONG LAN thực hiện

;
;
.
.
.
.
.