Sớm khai thác các bến tàu du lịch đã được đầu tư

.

Hiện trên địa bàn thành phố có một số cầu tàu du lịch được đầu tư xây dựng từ ngân sách vào năm 2017 nhưng đến nay chưa đón chuyến tàu chở khách du lịch. Do vậy, cần thúc đẩy phát triển du lịch đường sông để sớm đưa các cầu tàu vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cầu tàu Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) xây dựng xong hơn 4 năm nhưng chưa đón được tàu chở khách du lịch. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Cầu tàu Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) xây dựng xong hơn 4 năm nhưng chưa đón được tàu chở khách du lịch. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Một số cầu tàu chưa được khai thác sử dụng

Tháng 9-2016, UBND thành phố ban hành Quyết định số 6466/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các cầu tàu K.20 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) ở trên sông Cổ Cò; cầu tàu Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) và Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) ở trên sông Túy Loan...

Đến ngày 13-7-2017, UBND thành phố có Quyết định số 3947/QĐ-UBND ban hành kế hoạch đầu tư phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa và bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025; trong đó, UBND thành phố giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng triển khai, hoàn thành thi công 3 cầu tàu nói trên trong năm 2017.

“Cầu tàu Túy Loan đúng là đã thi công trong năm 2017 và nhanh chóng hoàn thành nhưng hơn 4 năm qua, cầu tàu này chỉ đón khoảng 1-2 tàu chở cán bộ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp đi khảo sát tuyến du lịch chứ chưa có chuyến tàu nào chở khách du lịch cập bến. Các bậc cấp để đưa khách từ cầu tàu lên tuyến quốc lộ 14G cũng hẹp và bị lan can của tuyến quốc lộ chắn ngang. Người dân mong có các chuyến tàu du lịch cập bến để chấm dứt tình trạng bỏ hoang, lãng phí cầu tàu và góp phần phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, nhất là đình làng Túy Loan cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương”, ông Nguyễn Văn Tính (một người dân thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong) đề nghị.

Quả thực, đứng ở cầu tàu Túy Loan, không ai khỏi bức xúc vì lối lên từ cầu tàu bị chắn ngang và có rất nhiều rác vương vãi. Bên cạnh đó, do lũ tác động vào cầu tàu gây sạt lở đất sản xuất và bờ sông đối diện (thuộc địa bàn xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang). Người dân cũng bức xúc vì cầu tàu Thái Lai, cách cầu tàu Túy Loan hơn 1km về phía thượng lưu cũng bỏ hoang hơn 4 năm nay.

Các đơn vị chức năng đã thi công xong cầu tàu Thái Lai và nhà chờ để phục vụ khách nhưng 4 năm nay chỉ có 2 chuyến tàu chở cán bộ lên khảo sát, chưa có tàu nào chở khách du lịch lên tham quan. Tương tự, những năm qua, cầu tàu K.20 chưa đón tàu chở khách du lịch. Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Đức Việt thông tin: “Cầu tàu K.20 vẫn chưa được công bố hoạt động bến thủy nội địa (tính đến sáng 31-3-2022)”.

Làm gì để khai thác các bến tàu du lịch hiệu quả?

Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Phan Đình Đức cho biết, đã xây dựng xong các cầu tàu và bàn giao cho các đơn vị, địa phương là chủ bến. Trách nhiệm của ban quản lý đã hoàn thành. Việc khai thác hoạt động tại cầu tàu là trách nhiệm của các chủ bến.

“Hiện nay, ban quản lý đang làm thủ tục chuẩn bị đầu tư 2 cầu tàu du lịch trên sông Cẩm Lệ ở phía sau Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng (tuyến đường Thăng Long) và khu di tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ). Theo kế hoạch từ nay đến năm 2025 sẽ triển khai thi công 10 bến tàu du lịch trên các sông để hoạt động thủy nội địa đồng bộ vì mấy năm qua chỉ đầu tư một số cầu tàu thì không hiệu quả, nhất là các cầu tàu tại huyện Hòa Vang đang bỏ không các bến đã đầu tư. Mặt khác, vào mùa khô, sông Túy Loan cạn nước và cũng vướng cao độ tĩnh không cầu đường bộ bắc qua sông nên các cầu tàu trên sông Túy Loan gặp khó khăn khi hoạt động”, ông Phan Đình Đức nói.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng cho rằng, hiện bến tàu du lịch Thái Lai đã được đầu tư hoàn chỉnh về cầu tàu, nhà chờ phục vụ khách... Tuy nhiên, các tàu du lịch từ sông Hàn lên các cầu tàu Thái Lai, Túy Loan bị vướng cao độ tĩnh không của cầu Túy Loan. Bên cạnh đó, cầu tàu Túy Loan quá sát tuyến quốc lộ 14G nên không được chấp thuận cho mở bến thủy nội địa vì xung đột giao thông.

Mặt khác, đoạn sông từ cầu tàu Túy Loan đến Thái Lai chỉ hơn 1km mà cũng chưa có sản phẩm du lịch hấp dẫn ở dọc bờ sông. Do đó, huyện đề nghị UBND thành phố đầu tư một số bến mềm dọc bờ sông đoạn qua miếu thờ Ông Ích Đường, vùng rau Bồ Bản... để có tuyến du lịch hấp dẫn khách, khai thác hiệu quả các cầu tàu đã đầu tư, nhất là tuyến du lịch xuất phát từ bến Thái Lai.

Để khai thác hiệu quả các bến tàu du lịch đã được đầu tư, ngày 17-3-2022, Văn phòng UBND thành phố ban hành Thông báo số 153/TB-VP truyền đạt chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn giao UBND huyện Hòa Vang chủ trì, phối hợp các sở, đơn vị liên quan khẩn trương đầu tư hạ tầng bến tàu du lịch Túy Loan bảo đảm an toàn giao thông tuyến quốc lộ 14G theo yêu cầu của Tổng Cục đường bộ Việt Nam và các quy định hiện hành.

Đồng thời nghiên cứu loại hình phương tiện vận tải hành khách trên sông cũng như các sản phẩm dịch vụ khai thác du lịch trên bờ phù hợp để khai thác tuyến du lịch đường sông trong phạm vi giữa quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang. UBND quận Ngũ Hành Sơn bổ sung đầu tư xây dựng hạng mục cảnh quan bến tàu du lịch K.20. Sở Giao thông vận tải phối hợp UBND các quận, huyện và đơn vị liên quan rà soát, công bố hoạt động bến thủy nội địa tại các cầu tàu đã đầu tư hạ tầng và nghiên cứu, đề xuất lại kích cỡ tàu cho từng tuyến phù hợp với quy mô bến, luồng chạy tàu và cao độ tĩnh không qua các cầu đường bộ...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích