Nông dân ứng phó với giá vật tư nông nghiệp tăng

.

Giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao khiến nhiều nông dân lo lắng. Trước tình trạng này, nông dân trên địa bàn thành phố đang nỗ lực tìm giải pháp để thích ứng, giảm chi phí đầu vào…

Thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao khiến nông dân lo lắng. Trong ảnh: Nông dân tại vùng sản xuất hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đang chăm sóc các luống rau. Ảnh: VĂN HOÀNG
Thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao khiến nông dân lo lắng. TRONG ẢNH: Nông dân tại vùng sản xuất hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đang chăm sóc các luống rau. Ảnh: VĂN HOÀNG

Thức ăn chăn nuôi, phân bón tăng liên tục

Từ tháng 1-2022, khi các xã tại huyện Hòa Vang công bố hết dịch tả heo châu Phi, nhiều nông dân trên địa bàn đã bắt đầu tái đàn, chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh cùng với giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, số hộ dân tái đàn hạn chế nên tổng đàn heo giảm mạnh.

Ông Nguyễn Năm (trú thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong) cho hay, tổng đàn heo nhà ông giảm hơn 70% so với lúc trước, chỉ còn khoảng 30 con. Trung bình mỗi tháng, đàn heo của gia đình được ăn bổ sung thêm khoảng 12 bao bột với chi phí tiêu hao khoảng 5,6 triệu đồng. Được biết, giá mỗi bao thức ăn chăn nuôi (bao 25kg) dành cho heo nhỏ: hơn 500.000 đồng; loại dành cho heo lớn: khoảng 350.000 đồng trở lên. Để heo đạt trọng lượng từ 80kg trở lên, lúc xuất chuồng, ông Năm phải nuôi 5-6 tháng. “Hiện tại, đàn heo của tôi đã được khoảng 3 tháng và đạt trọng lượng 35-40kg. Nếu cứ tăng liên tục như vậy cùng với giá bán heo thấp, nông dân chỉ có lỗ đến hòa vốn”, ông Năm lo lắng.

Còn anh Nguyễn Hồng Thuyên, Tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi gà Kê Sơn (thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong) cho biết, thức ăn chăn nuôi cho gà hiện nay ở mức 350.000 đồng/bao 25kg trở lên. Để mỗi con gà đạt trọng lượng 2kg, khi xuất bán, nông dân phải nuôi 3-4 tháng với khoảng 7kg thức ăn. Trung bình, chi phí vốn bỏ ra nuôi mỗi con gà khoảng 120.000 đồng/con, chưa kể các chi phí về con giống, vắc-xin… trong khi đó, giá bán gà hiện nay chỉ khoảng 65.000 đồng/kg. Người chăn nuôi có nguy cơ chịu lỗ nếu giá cám liên tục tăng và trường hợp xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Vì thế, nhiều hộ dân trong tổ hợp tác chưa dám tái đàn.

Qua khảo sát, một số đơn vị kinh doanh vật tư nông nghiệp thông tin, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng 300-400 đồng/kg theo điều chỉnh của các công ty sản xuất kinh doanh vào đầu tháng 5-2022. Trung bình mỗi bao 25kg, nông dân phải chịu thêm 7.500 đồng so với đợt tăng trước. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 4 đợt với mức tăng gần 35.000 đồng/bao 25kg.

Bên cạnh giá thức ăn chăn nuôi, giá phân bón và giống cây trồng cũng tiếp tục tăng cao. So với tháng 6-2021, một số loại phân bón có giá tăng gấp đôi, thậm chí những loại phân bón có nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài có giá tăng 1,5 lần. Cụ thể, mỗi bao phân NPK (50kg) từ 830.000 đồng/bao trở lên; phân ure có giá bán: 950.000 đồng/bao, DAP Hàn Quốc từ 1,4 triệu đồng/bao, Kali Belarus từ 1 triệu đồng/bao… Các giống cây trồng và vật tư khác tăng khoảng 20%.

Chật vật tìm cách thích ứng

Trước thực trạng giá cả vật tư tăng cao, nhiều nông dân trên địa bàn nỗ lực tìm cách thích ứng để giảm chi phí sản xuất đầu vào. Tại vùng sản xuất rau an toàn La Hường (phường Hòa Thuận Đông, quận Cẩm Lệ), nhiều nông dân sử dụng phân bón hữu cơ từ cây lục bình. Nhiều năm canh tác tại vùng rau, lão nông Lê Tường Hải cho hay, vào mỗi mùa mưa, khu vực ven sông Cẩm Lệ có rất nhiều cây lục bình. Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, nông dân tại đây đã ủ lục bình. Sau vài tháng, lục bình trở thành phân bón. Việc bón phân hữu cơ từ lục bình mang lại nhiều hiệu quả như: phục hồi lại tài nguyên đất, làm giàu hệ sinh vật, hạn chế bệnh hại trên cây trồng. Đây là loại phân chứa lượng lớn vi sinh vật có ích nên rau, màu luôn trở nên tươi tốt. Song song đó, ông Hải cùng nhiều nông dân khác tại vùng rau còn sử dụng các loại phân hữu cơ khác để việc sản xuất đạt được hiệu quả hơn.

Tương tự, bà Từ Thị Sung, nông dân trồng hoa cúc tại vùng hoa Dương Sơn (thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu) cho biết, để tiết kiệm chi phí đầu vào, bà hạn chế sử dụng các loại phân vô cơ, hóa học. Trong quá trình canh tác, bà bón thêm phân chuồng, phân gà và sử dụng vỏ trấu để đất tơi xốp, hạn chế sâu, bệnh hại. Được biết, giá hoa cúc hiện nay 250.000-300.000 đồng/bó 50 cây. Bà Sung cho rằng, dù hoa được giá nhưng giá vật tư liên tục tăng mạnh khiến nông dân không có lãi, chỉ hòa vốn. “Nhà tôi hiện đang sản xuất 8 sào (4.000m2). Mọi chi phí bây giờ đều tăng, chúng tôi phải tìm cách thích ứng, giảm chi phí đầu vào chứ không khó mà sản xuất tiếp được”, bà Sung nói.

Theo ông Lý Phước Dạng, Tổ trưởng Tổ hợp tác xã sản xuất hoa Dương Sơn, giá phân bón và vật tư nông nghiệp liên tục gia tăng khiến lợi nhuận sau thu hoạch của nông dân giảm mạnh. Để ứng phó với tình hình hiện nay, nông dân cần bón và điều chỉnh lượng phân phù hợp, tránh để cây chết do bón nhiều phân hữu cơ. Ngoài ra, cần lựa chọn những đơn vị cung cấp vật tư uy tín, tránh mua nhầm các loại phân bón chất lượng kém…

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, chi phí đầu vào, thức ăn chăn nuôi tăng cao, nguồn vốn của nông dân hạn chế do thiệt hại vì dịch tả heo châu Phi… là những nguyên nhân dẫn đến việc nông dân chưa mạnh dạn tái đàn chăn nuôi. UBND huyện Hòa Vang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các xã xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch như: “Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường” nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, ngăn ngừa bệnh truyền lây cho người, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, đặc biệt là các hộ dân tái đàn chăn nuôi… Đối với lĩnh vực trồng trọt, UBND huyện đã đề xuất và thực hiện hỗ trợ thu đổi lúa giống, phân phát lúa giống cho nông dân khắc phục thiệt hại trong các đợt mưa lớn trên địa bàn.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.