Làm gì để phát huy thế mạnh đường ven biển Nguyễn Tất Thành?

.

Đường ven biển Nguyễn Tất Thành với chiều dài hơn 15km, đi qua hai quận Thanh Khê và Liên Chiểu và một phần quận Hải Châu được kỳ vọng thúc đẩy phát triển dịch vụ - du lịch khu vực phía tây bắc Đà Nẵng. Thế nhưng, sau gần 20 năm đưa vào sử dụng, tuyến đường này chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình.

Một mô hình cảnh quan khu vực tuyến đường Nguyễn Tất Thành theo thiết kế của Công ty TNHH Huni Việt Nam. Ảnh: THÀNH LÂN
Một mô hình cảnh quan khu vực tuyến đường Nguyễn Tất Thành theo thiết kế của Công ty TNHH Huni Việt Nam. Ảnh: THÀNH LÂN

Từng được ví là tuyến đường “5 sao” ôm quanh vịnh Đà Nẵng tuyệt đẹp nhưng đến nay tuyến đường Nguyễn Tất Thành vẫn chưa được khai thác tốt giá trị mang lại ngoài mục đích giao thông. Chính vì thế, thời gian qua, thành phố nỗ lực khởi động, triển khai một số công trình, dự án... nhằm khơi dậy tiềm năng thương mại, du lịch của tuyến đường biển này.

Tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cấu trúc đô thị Đà Nẵng được gắn với cảnh quan đặc trưng theo 3 vùng đô thị, gồm: vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và 1 vùng sinh thái..., trong đó về tổ chức không gian mặt nước, đối với khu vực dải cát ven biển Đà Nẵng, ưu tiên tổ chức các công viên, lối đi bộ, bảo đảm hành lang bảo vệ bờ biển và tiếp cận của người dân, du khách...

Trước đó, tại Quyết định số 393/QĐ-TTg ngày 18-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã xác định nghiên cứu quy hoạch và đầu tư xây dựng vịnh Đà Nẵng với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng. Do đó, khai thác vịnh Đà Nẵng là một trong những kế hoạch lớn thời gian tới để góp phần nâng cao giá trị du lịch và tầm vóc của thành phố. Ngày 14-2-2022, UBND thành phố đã làm việc với Công ty TNHH Huni Việt Nam về tư vấn thiết kế kiến trúc cảnh quan đường Nguyễn Tất Thành.

Tại đây, đại diện Công ty TNHH Huni Việt Nam cho rằng, đường Nguyễn Tất Thành nằm ngay vịnh biển Đà Nẵng chưa được khai thác hết tiềm năng vốn có. Khu vực biển Nguyễn Tất Thành vẫn chưa được phát triển đúng mức và hiện chỉ sử dụng cho nhu cầu của người dân địa phương. Do đó, cần thiết kế lại cảnh quan khu vực kết hợp với những yếu tố biển và núi vào một thành phố đang phát triển mạnh mẽ, mang lại sự kết nối giữa những giá trị hữu hình, người dân địa phương và phát triển du lịch...

KTS Nguyễn Thượng Vũ (Công ty CP Đầu tư tư vấn kỹ thuật xây dựng Kỹ Việt) đánh giá đường ven biển Nguyễn Tất Thành đầy tiềm năng về du lịch, thương mại, mang trong mình một “trọng trách” rất lớn về phát triển dịch vụ biển trong tương lai, nơi cửa ngõ tây bắc thành phố. Tuyến đường không chỉ tạo hệ thống thông suốt từ hầm Hải Vân về cầu Thuận Phước, qua bán đảo Sơn Trà rồi nối tiếp tuyến du lịch Đà Nẵng đi Hội An, mà còn mở ra một tiềm năng du lịch lớn mạnh cho thành phố Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung...

Theo Chánh văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Hoàng, ngoài điểm nhấn là quy hoạch một phần của vịnh Đà Nẵng sẽ trở thành “đô thị trên biển”, một số dự án đang triển khai sẽ thúc đẩy khu vực vịnh Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới như: dự án xây dựng cảng biển Liên Chiểu; tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu; khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân; Mikazuki Spa & Hotel Resort; căn hộ Asiana Đà Nẵng...

Trong khi đó, cuối tuyến Nguyễn Tất Thành, các hạng mục thuộc Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô đang được tập đoàn Trung Thủy (chủ đầu tư khu du lịch sinh thái Nam Ô) triển khai thi công. Nổi bật như: công viên kết hợp bãi đỗ xe công cộng mặt tiền Nguyễn Tất Thành hay công viên quảng trường biển... Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng đang triển khai đầu tư 4 quảng trường, bãi tắm kết hợp công viên biển và quy hoạch cảnh quan bãi biển dọc tuyến đường Nguyễn Tất thành để thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế đô thị khu vực vịnh Đà Nẵng.

Theo ông Pierre Huyard, Tổng Giám đốc phát triển Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Huni Architectes, để phát huy thế mạnh của cung đường du lịch ven biển Nguyễn Tất Thành và khu vực lân cận, thành phố cần quan tâm thiết kế cảnh quan cho tuyến không gian công cộng giáp khu đô thị. Bên cạnh đó, thiết kế cần hài hòa, có điểm nhấn và có bản sắc, tạo sự tương đồng về cảnh quan đặc thù của tuyến đường ven biển. Việc này sẽ thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ trên tuyến đường trọng điểm. Ông Pierre Huyard mong muốn trong thời gian tới, khi các dự án cảnh quan thành phần dọc tuyến đường được hoàn thành sẽ phát huy hết tiềm năng và giá trị chưa được khai thác.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.