Các thành phố châu Á - Thái Bình Dương thúc đẩy chuyển đối số

.

ĐNO - Trưa 27-7, tại phiên thảo luận trực tuyến chủ đề “Nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua chuyển đổi số” của hội nghị thượng đỉnh các thành phố châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 (APCS 2022), Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đã có bài phát biểu chia sẻ những định hướng, quan điểm đầu tư, xây dựng, phát triển thành phố trong năm 2022 và thời gian tới.

Video: HOÀNG HIỆP

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (APCS) năm 2022. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại hội nghị Thượng đỉnh các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (APCS) năm 2022. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh, sau 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vị thế của một đô thị hiện đại, văn minh và “đáng sống” tại khu vực miền Trung và cả nước.

Những năm qua, kinh tế của thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Đời sống người dân ngày càng tốt hơn, bộ mặt đô thị được cải thiện, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng được rộng mở.

Đà Nẵng dần trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện của doanh nghiệp, nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước.

Những thành tựu đó đã được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, giải thưởng quốc gia, quốc tế như: Giải thưởng xuất sắc trong thu hẹp khoảng cách số năm 2014 của Tổ chức Chính quyền điện tử thế giới (WeGO); “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á” năm 2016 do World Travel Awards (WTA) bình chọn; giải thưởng ASOCIO Smart City Award do Tổ chức công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương trao tặng năm 2019.

Tháng 4-2021, Đà Nẵng là một trong 30 thành phố có "sáng kiến Thành phố thông minh độc đáo và sáng tạo" và một trong 5 thành phố tiêu biểu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo bình chọn của Tổ chức Chiến lược Eden năm 2021 cùng nhiều giải thưởng do các tổ chức du lịch uy tín, tạp chí thế giới bình chọn, vinh danh. Điều này đã nâng tầm uy tín và vị thế của Đà Nẵng trong khu vực và thế giới.

Thành phố đã chủ động đề ra những mục tiêu và kế hoạch cụ thể trong tình hình và giai đoạn mới để đưa thành phố tiếp tục phát triển. Cụ thể, trong năm 2022, thành phố chọn chủ đề “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.

Quan điểm phát triển hiện nay của thành phố là tập trung vào 3 trụ cột, gồm: du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng và đăng cai tổ chức sự kiện quốc tế; kinh tế tri thức với 2 mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với xây dựng chính quyền số, kinh tế số; trung tâm dịch vụ chất lượng cao với 2 mũi nhọn là cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.

Trong nửa đầu năm 2022, Đà Nẵng là một trong các địa phương Việt Nam có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh, dần lấy lại đà tăng trưởng. Kinh tế thành phố 6 tháng đầu năm tăng trưởng 7,23%, thu ngân sách đạt gần 70% so với dự toán.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới tăng 16,3% với tổng giá trị vốn góp cao gấp 3 lần so với năm 2021.

Đà Nẵng tiếp tục nằm trong tốp các tỉnh thành phố dẫn đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đứng đầu cả nước về Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (2021), đứng thứ 3 cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (2021).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh kêu gọi chính quyền các địa phương, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, góp ý, hoạch định một số giải pháp mang tính thực tiễn để cùng hướng đến tương lai và giúp thành phố Đà Nẵng phát triển xứng tầm, giữ vững ngôi vị trung tâm du lịch hàng đầu của Việt Nam, hướng đến mục tiêu là thành phố đáng đến và đáng sống của khu vực và thế giới. 

Tại hội nghị, bà Maimunah Mohd Sharif, Giám đốc Chương trình Liên Hợp Quốc về phát triển dân cư và đô thị bền vững (UN-Habitat) kêu gọi các thành phố thành viên của APCS tham gia tích cực các hoạt động, hành động hướng đến một tương lai chung và ứng phó các thách thức mới nổi trong khu vực.

Đặc biệt, phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu carbon; triển khai chuyển đổi số và công nghệ mới để giải quyết các vấn đề về môi trường, xây dựng thành phố thông minh, nâng cao chất lượng cuộc sống và để “không ai bị bỏ lại phía sau”... 

Bà Makishima Karen, Bộ trưởng Kỹ thuật số Nhật Bản cho rằng, sau Covid-19, thế giới thấy sự cần thiết áp dụng kỹ thuật số để giải quyết các vấn đề xã hội và phải điều chỉnh chiến lược toàn cầu để bảo đảm người dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Hiện nay, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ nhanh, tuy nhiên, vấn đề là giải pháp nào tối ưu, tối đa hóa những lợi thế mang lại từ công nghệ số. Vì vậy, các thành phố cần phải tạo ra một nền tảng cơ bản nhất để chính quyền các địa phương, cộng đồng sử dụng, triển khai áp dụng công nghệ kỹ thuật số để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.