Chú trọng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

.

Chiều 11-7, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Tạ Đình Thi làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND thành phố về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Theo báo cáo của Sở Công Thương, từ năm 2012 đến nay, sở và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 322 vụ việc khiếu nại, chủ yếu liên quan đến chất lượng hàng hóa và dịch vụ, an toàn thực phẩm, bảo hành hàng hóa, dịch vụ truyền hình, mua hàng hóa qua mạng internet, bán hàng đa cấp.

Trong năm 2021 và quý 1-2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiếp nhận và giải quyết các vụ việc liên quan đến phản ánh sai số của đồng hồ đo nước. Đối với một số trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Sở Công Thương và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã chuyển đơn của người tiêu dùng đến Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng có liên quan để kiểm tra, xác minh, xử lý vi phạm.

Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn nhấn mạnh, cùng với xu thế phát triển của toàn xã hội và nền kinh tế trong giai đoạn công nghiệp 4.0 hiện nay, hoạt động thương mại điện tử đã làm thay đổi tư duy, thói quen tiêu dùng của người dân.

Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên môi trường thương mại điện tử còn hạn chế; việc kinh doanh trên môi trường mạng khá dễ dàng, trong khi các quy định ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các cơ sở kinh doanh trên mạng xã hội còn thiếu chặt chẽ nên việc xác minh chủ thể của các hoạt động thương mại điện tử rất phức tạp, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng.

Mặt khác, người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của mình, ngại phản ánh, khiếu nại vì chưa hiểu hết quyền và trách nhiệm của mình được pháp luật bảo vệ… Vì vậy, thời gian tới, cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người tiêu dùng về một số lưu ý khi thực hiện giao dịch trực tuyến.

UBND thành phố cũng đề nghị Quốc hội sớm thông qua luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 làm cơ sở để triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia và Cổng thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, hệ thống pháp luật cần xây dựng được các quy định, cơ chế, chính sách phù hợp với sự sáng tạo, đổi mới của nền kinh tế. Bên cạnh đó, UBND thành phố đề nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn cụ thể, phổ biến các thông tin liên quan về quy định, văn bản pháp luật để việc xem xét hợp đồng mẫu đối với từng lĩnh vực được thực hiện tốt hơn.

Kết luận buổi làm việc, ông Tạ Đình Thi đề nghị thành phố Đà Nẵng hoàn thiện báo cáo như bổ sung đánh giá thực trạng về thực thi chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bổ sung các số liệu cụ thể ở các kết quả thực hiện tập trung ở 6 nhóm chính sách.

Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng quan tâm đóng góp sâu hơn vào quá trình hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kiện toàn Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.