Trong 7 tháng đầu năm 2022, dù đạt tăng trưởng 20,1% so với cùng kỳ năm 2021 (1.213,5 triệu USD) nhưng nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của thành phố đang gặp khó khăn do những biến động khó lường của thị trường.
Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Doanh nghiệp gặp khó
Báo cáo từ Sở Công Thương cho thấy, ngoài lĩnh vực khai khoáng tiếp tục giảm 30,55%, có 9/12 phân ngành quan trọng của công nghiệp chế biến - chế tạo tiếp tục giảm đà tăng trưởng như: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ (giảm 5,63%); dệt (giảm 12,85%); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (giảm 22,64%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 8,27%); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (giảm 6,81%); sản xuất thiết bị điện (giảm 9,51%); sản xuất kim loại (giảm 8,6%); sản xuất trang phục (giảm 2,29%)…
Sự sụt giảm của các ngành nói trên tác động không nhỏ đến tăng trưởng chung của nhóm hàng công nghiệp chế biến nói riêng, sản xuất công nghiệp nói chung. Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đang dần chậm lại, đơn hàng không được dồi dào như trước; thậm chí có doanh nghiệp trong ngành đã bị hủy đơn hàng vì nhu cầu tiêu thụ sụt giảm. Ngoài những hệ lụy do ảnh hưởng từ dịch bệnh thì lạm phát ở các nước châu Âu và xung đột giữa Nga - Ukraine tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến sức mua toàn cầu khiến đơn đặt hàng của các doanh nghiệp bị giảm.
Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và kiến trúc Á Châu cho biết, tình hình hoạt động của doanh nghiệp ngành giấy hiện vẫn còn khó khăn. Ở thời điểm này, mặc dù doanh nghiệp vẫn duy trì được đơn hàng, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động nhưng dự báo mức tăng trưởng vào cuối năm nay sẽ khó đạt được như kế hoạch đề ra. Tương tự, các doanh nghiệp thủy sản cũng đang đối mặt với tình hình xuất khẩu có dấu hiệu “hạ nhiệt” từ hơn một tháng nay, dù tính chung 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành ước đạt 145 triệu USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ 2021.
Ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc Công ty TNHH Bắc Đẩu cho hay, nguồn cung nguyên liệu phục hồi được khoảng 50-70% đã giúp doanh nghiệp vận hành 100% công suất ở các nhà máy; các thị trường chủ lực Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… vẫn giữ được sự ổn định, tuy nhiên, giá nguyên liệu đầu vào vẫn tăng 10-15% nên 7 tháng đầu năm chỉ huề vốn, không tăng trưởng.
Dự báo những tháng cuối năm, bài toán về nguồn cung và giá nguyên liệu cho doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, tạo sức ép lớn cho doanh nghiệp trong việc duy trì hoạt động và đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của bạn hàng.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Thuận Phước, 7 tháng qua, doanh nghiệp đạt tăng trưởng khoảng 25%. Tuy tăng trưởng ngoạn mục về sản lượng nhưng thực tế, hiệu quả kinh tế doanh nghiệp đạt được không cao do phí vận tải cao.
Từ tháng 7 trở lại đây, ảnh hưởng từ lạm phát, đồng tiền euro mất giá so với đồng đô la Mỹ đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp thủy sản, trong đó, hai thị trường chủ lực và lớn nhất là Mỹ, châu Âu ghi nhận sự chững lại và sụt giảm hẳn về sản lượng.
Nhiều doanh nghiệp ở ngành may mặc cũng đang gặp khó khăn trong thời gian này. Dù tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra trong 7 tháng qua nhưng theo bà Phan Thị Kiều Oanh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Vinatex quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng, dự báo những tháng cuối năm thị trường của ngành dệt may khá ảm đạm, sức tiêu thụ không cao.
Có thể thấy, hoạt động xuất khẩu 7 tháng đầu năm trên địa bàn vẫn đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo dự báo của Sở Công Thương, từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của nước ta nói chung, Đà Nẵng nói riêng như Mỹ, EU chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái; người dân, nhất là ở các nước EU đang thắt chặt chi tiêu. Từ đó, nhu cầu cho các mặt hàng gia dụng, tiêu dùng sẽ giảm, ảnh hưởng đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động ứng phó với các thách thức.
Công nhân sản xuất tại Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng. Ảnh: M.Q |
Chủ động thích ứng
Trước bài toán khó về thị trường xuất khẩu đang giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào lại tăng cao, các doanh nghiệp xác định không thể thụ động dựa vào các đối tác nước ngoài hoặc chờ đợi lạm phát đi xuống. Thay vào đó, doanh nghiệp chủ động đưa ra nhiều giải pháp để nỗ lực giảm chi phí đầu vào, hạn chế tăng giá bán sản phẩm; giảm bớt chi phí các khâu trung gian...
Để giảm thiểu những tác động từ sự biến động của thị trường, nhất là Mỹ, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng tập trung vào những giải pháp như tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu tư mở rộng công suất và nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng cho biết: “Thực tế thời gian qua, doanh nghiệp chịu tác động từ những biến động của thị trường thế giới nhưng do công ty xuất khẩu trực tiếp với bạn hàng, không qua khâu trung gian nên ảnh hưởng không quá lớn. 7 tháng đầu năm, doanh thu của công ty vượt kế hoạch đề ra 25%, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng cho đến cuối năm khi hiện nay, tất cả các tháng đều đã có đơn đặt hàng”.
Ở lĩnh vực thủy sản, theo ông Nguyễn Văn Chín, từ nay đến cuối năm doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất nhằm bảo đảm có đủ chi phí bù lỗ, khấu hao và trả lương cho người lao động là thành công. Công ty Cổ phần Thủy sản Thuận Phước tập trung vào việc lựa chọn các thị trường và mặt hàng ít lỗ để sản xuất, xuất khẩu. Dự báo đến cuối năm, tình hình của doanh nghiệp vẫn khả quan với ước đạt tăng trưởng từ 18-20% so với năm 2021. Trong khi đó, giải pháp để “vượt bão” mà Công ty Cổ phần Vinatex quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng đề ra ở thời điểm này, ngoài nỗ lực thích ứng nhanh với biến động của thị trường, đó là “khéo co thì ấm”.
Nhìn chung, theo các doanh nghiệp xuất khẩu, những tháng cuối năm 2022 được dự báo sẽ còn nhiều thách thức. Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, việc tận dụng tốt thị trường, khai thác tối đa các hiệp định thương mại sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu bứt tốc. Điều quan trọng là từng doanh nghiệp phải nhận định rõ khó khăn, thách thức cụ thể của mình để có những giải pháp thích ứng phù hợp, chủ động trước các tác động không mong muốn.
Nhằm tạo đà cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm, đặc biệt là khai thác tốt tại những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản..., bên cạnh các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Sở Công Thương tập trung triển khai các giải pháp cũng như yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để tìm thị trường mới.
KHÁNH HÒA