Cùng với sự phục hồi của khách nội địa, một số thị trường khách quốc tế tiềm năng đang dần quay trở lại Đà Nẵng. Đây là tín hiệu vui cho ngành du lịch sau thời gian dài nỗ lực kết nối, mở lại các đường bay quốc tế.
Khách quốc tế dạo chơi trên đường Trần Phú, quận Hải Châu. Ảnh: THU HÀ |
Theo Sở Du lịch, tính đến nay, thành phố đã có 10 đường bay quốc tế được nối lại gồm: Singapore, Suvarnabumi, Don Muang (Bangkok, Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Incheon (Hàn Quốc), Daegu (Hàn Quốc), Busan (Hàn Quốc), Muan (Hàn Quốc), Siêm Riệp (Campuchia) và Indonesia - CGK (bay charter 4 chuyến trong tháng 6-2022). Trung bình trong tháng 8, có khoảng 22 chuyến bay đến/ngày và 155 chuyến bay đến/tuần.
Số liệu từ Cục Thống kê cho biết, trong tháng 7 vừa qua, số lượt khách mà các cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 514.800 lượt, tăng 13,1% so với tháng trước và gấp 15,3 lần cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách nội địa ước đạt 457.300 lượt, tăng 10,2% so với tháng trước và gấp 15,7 lần so với tháng cùng kỳ năm 2021; khách quốc tế ước đạt 57.500 lượt, tăng 42,3% so với tháng trước, tăng 12,2 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,88 triệu lượt, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 127.000 lượt, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm 2021; khách nội địa ước đạt 1,76 triệu lượt, tăng 86,6% so với cùng kỳ năm 2021, tập trung ở thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Anh, Australia, Lào, Ấn Độ.
Là một trong những đơn vị chuyên khai thác thị trường khách Thái Lan, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Duy Nhất Đông Dương phân tích, nhờ có các sản phẩm du lịch như cầu Vàng tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, các công viên chủ đề tại Đà Nẵng, Quảng Nam cùng với hệ sinh thái du lịch đầy đủ, phong phú, đẳng cấp, sự phục vụ hiếu khách, chân thành của người miền Trung đã thu hút khách du lịch Thái Lan.
Có thể thấy, năm 2018, có khoảng 68.432 lượt khách Thái Lan đến Đà Nẵng nhưng đến năm 2019 tăng lên khoảng 213.549 lượt khách, tốc độ tăng trưởng khách trên 200%; đặc biệt năm 2019 có tới 11 chuyến bay hằng ngày đến Đà Nẵng từ Bangkok, Chiang Mai...
Theo đánh giá của ông Nguyễn Sơn Thủy, tiềm năng, nhu cầu của thị trường khách Thái Lan nói riêng và khách Đông Nam Á nói chung rất lớn. Việc các đường bay thương mại trực tiếp từ Đà Nẵng đến Singapore, Thái Lan... được nối lại sớm đã góp phần đáng kể trong việc thu hút khách từ các thị trường này.
Trước Covid-19, Hàn Quốc luôn là thị trường khách quốc tế nằm trong top đầu của Đà Nẵng, đến nay các đường bay được nối trở lại, khách Hàn Quốc cũng đang đến Đà Nẵng nhiều hơn. Hiện có 9 hãng hàng không (Vietjet Air, Vietnam Aairlines, Tway, Air Busan, Korean Air, Asiana Airlines, Jin Air, Jeju Air, Air Seoul) khai thác các chuyến bay từ Hàn Quốc đến Đà Nẵng gồm các chặng bay Incheon, Busan, Daegu, Muan. Từ khi nối lại các đường bay từ Hàn Quốc, thành phố đã đón khoảng 75.159 khách.
Ông Chung Eui Seock, Trưởng đại diện Hãng hàng không Korean Air tại Đà Nẵng bày tỏ, Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn đối với du khách Hàn Quốc. Sau khi khởi động lại đường bay thuê chuyến, hãng có kế hoạch bay thường kỳ hằng ngày đến Đà Nẵng từ cuối tháng 7. “Chúng tôi hy vọng sẽ sớm khai thác được tối đa công suất bay và trở lại được như trước khi Covid-19 xảy ra với tần suất 3 chuyến bay/ngày”, ông Chung Eui Seock nói.
Khách du lịch quốc tế dạo chơi bằng xích lô trên đường Bạch Đằng. (Ảnh chụp ngày 4-8) Ảnh: THU HÀ |
Để thu hút khách đến Đà Nẵng trong thời gian tới, mới đây, các doanh nghiệp du lịch của Đà Nẵng đã tham gia chuyến đi nhằm xúc tiến, quảng bá du lịch tại thị trường Hàn Quốc. Ông Gentzsch Andre Piere, Tổng Giám đốc vận hành quần thể du lịch Furama - Ariyana Đà Nẵng kỳ vọng các chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Hàn Quốc sẽ góp phần phục hồi và đưa thị trường này trở lại vị trí hàng đầu của Đà Nẵng trong thời gian tới.
“Đà Nẵng là điểm đến quen thuộc của khách du lịch Hàn Quốc. Hàn Quốc là điểm đến du lịch ưa thích của người dân Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Sự trao đổi nguồn khách này góp phần phát triển du lịch giữa hai nước một cách bền vững”, ông Pierce nhận định.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình cho biết, Hàn Quốc là một trong những thị trường lớn của Đà Nẵng. Vì thế tới đây, ngành du lịch thành phố tiếp tục đón các đoàn famtrip từ thị trường Hàn Quốc đến khảo sát, xây dựng các tour, tuyến đến Đà Nẵng. Sở Du lịch cũng đã tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Hàn Quốc (ngày 8-8) để cung cấp thông tin tình hình du lịch, quảng bá sản phẩm du lịch mới phù hợp với du khách hậu Covid-19, kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác Hàn Quốc.
Sau sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á (Routes Asia 2022), các đường bay thẳng đến Đà Nẵng có nhiều khởi sắc. Do đó, để khôi phục các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, sở phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Công ty cổ phần Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng, các hãng hàng không, công ty lữ hành khai thác khách quốc tế đến, các đơn vị kinh doanh du lịch xúc tiến mở lại và duy trì các chặng bay trực tiếp đến Đà Nẵng.
Cùng với đó, thành phố tập trung xúc tiến quảng bá du lịch Đà Nẵng tại các thị trường quốc tế trọng điểm như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Thái Lan...); xúc tiến mở 2 đường bay mới từ Ấn Độ đến Đà Nẵng và đường bay từ Cebu (Philippine) tới Đà Nẵng; dự kiến sẽ mời thêm các đoàn famtrip, presstrip Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia đến Đà Nẵng trong quý 4-2022 và quý 1-2023; tổ chức đoàn đi và xúc tiến quảng bá du lịch tại Nhật Bản (dự kiến tháng 9-2022)...
“Ngành du lịch thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch, dịch vụ ẩm thực phục vụ thị trường Ấn Độ và hồi giáo, sản phẩm MICE, nghỉ dưỡng, các sản phẩm dành cho thị trường khách cao cấp đến với Đà Nẵng”, ông Nguyễn Xuân Bình cho hay.
THU HÀ