Hội Cơ khí thành phố quy tụ hơn 500 hội viên, trong đó có nhiều nhà khoa học đầu ngành, kỹ sư, công nhân lành nghề. Hội viên Hội Cơ khí đã và đang phát huy tinh thần say mê nghiên cứu, cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho sự nghiệp cơ khí. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học kỹ thuật được đưa vào thực tiễn sản xuất, tạo sức bật và đòn bẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí tại thành phố.
Sản phẩm cơ khí chất lượng cao thể hiện trong ngành công nghiệp đóng tàu tại Tổng Công ty Sông Thu. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Dấu ấn nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật
Nhìn lại chặng đường phát triển 5 năm qua, Hội Cơ khí thành phố để lại dấu ấn với sự vượt qua những khó khăn về mặt bằng sản xuất, vốn, công nghệ, thị trường, phòng, chống Covid-19 để nỗ lực ổn định sản xuất, cải thiện thu nhập cho người lao động, đóng góp chung vào sự tăng trưởng kinh tế địa phương. Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, thiết kế chế tạo diễn ra sôi nổi với nhiều sản phẩm mới phục vụ phát triển kinh tế và an ninh - quốc phòng.
Kết quả thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội Cơ khí khóa 5, nhiệm kỳ 2015-2020 đã thể hiện chuỗi thành tích tự hào về ngành cơ khí thành phố thể hiện ở các giải thưởng từ Hội thi sáng tạo kỹ thuật, Sao Vàng đất Việt, Vifotec, Thương hiệu Việt, Hội chợ triển lãm hằng năm của Trung ương và địa phương tổ chức.
Cụ thể, các chi hội đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều giải pháp công nghệ mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới như Công ty CP cơ khí Hà Giang Phước Tường đạt giải Nhất giải thưởng Vifotec toàn quốc lần thứ 16, giải Nhì giải thưởng Vifotec lần thứ 14 và 2 giải Nhì cấp thành phố thành phố về khoa học và công nghệ và nhiều giải thưởng khác như Sao Vàng đất Việt, Thương hiệu Việt.... Ngoài ra, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật đã thiết kế và chế tạo thành công các sản phẩm công nghệ phục vụ cho công tác phòng, chống Covid-19...
Một số sản phẩm cơ khí tại thành phố đã có kiểu dáng công nghiệp hiện đại, chất lượng sản phẩm cao hơn, mức tự động hóa cao hơn, gia công được những sản phẩm có độ chính xác cao mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp như: chế tạo máy cuốn ống có độ dày đến 80mm; chế tạo sàn nâng tàu 1.600 tấn; nghiên cứu, thiết kế đóng mới tàu chuyên dùng (tàu cảnh sát biển đa năng, tàu cứu hộ cứu nạn, tàu cao tốc cung ứng thuyền viên, tàu đa năng ứng phó sự cố tràn dầu, tàu khảo sát đo đạc biển, tàu lai, dắt, tàu kéo…) đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được đánh giá rất cao...Một số chi hội đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật chế tạo nhiều thiết bị, tiết kiệm được kinh phí, giúp giảm giá thành phục vụ kịp thời cho sản xuất và rất nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật khác phục vụ trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Thúy Mai, định hướng phát triển của đất nước và thành phố trong giai đoạn đến tiếp tục xác định cơ khí là một ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên phát triển. Về phía UBND thành phố cũng thực sự quan tâm phát triển sản xuất công nghiệp, trong đó có ngành cơ khí. Đây là thời điểm để ngành cơ khí thành phố tạo sức cạnh tranh vươn lên trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Phát huy vai trò tổ chức hội làm động lực phát triển ngành cơ khí
Hội Cơ khí thành phố xác định nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2022-2027 phải thực sự tạo điều kiện hỗ trợ hội viên trong việc hợp tác liên doanh, liên kết trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng như trong các dự án đầu tư mới. Theo đó phát huy vai trò của ngành cơ khí trong công nghệ số; biết đi tắt, đón nhận công nghệ mới; biết khai thác nội lực, sáng tạo, năng động để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của phát triển của nền kinh tế, tham gia tích cực các phong trào thi đua, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch hằng năm.
Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Tổng Hội Cơ khí Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Hội Cơ khí tích cực tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện về khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội trong lĩnh vực cơ khí cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, các ngành trên địa bàn thành phố. Hội tích cực tham gia tư vấn, phản biện phục vụ trực tiếp cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp trong các hoạt động cơ khí, mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất và phát triển ngành công nghiệp thành phố.
Hai nhiệm vụ then chốt trong 5 nhiệm vụ của hội là tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và phát triển sản phẩm cơ khí. Cụ thể, đề xuất các đề tài nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các dự án đầu tư mới; gắn kết các nội dụng nghiên cứu ứng dụng nhằm giải quyết những khó khăn trong thực tế sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao nhất; đồng thời có biện pháp đưa các đề tài, dự án, các công trình, giải pháp hiệu quả vào sản xuất kinh doanh. Đối với phát triển sản phẩm cơ khí mới sẽ thực hiện các chương trình đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, chủ động hội nhập, tạo cơ sở cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp 4.0.
Theo đó, tăng tỷ trọng phát triển công nghiệp cơ khí hướng vào phục vụ công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu và các ngành công nghiệp khác...; nghiên cứu chế tạo các sản phẩm cơ khí động lực, cơ khí phục vụ đóng tàu biển, cơ khí phục vụ ngành điện, cơ khí phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, thiết bị y tế; tiếp tục đầu tư phát triển các mặt hàng mới có cơ hội tăng sản lượng và thị phần phục vụ khu vực và cả nước.
Võ Văn Nhựt
Tổng Thư ký Hội Cơ khí
thành phố Đà Nẵng