Qua 8 tháng triển khai chủ đề năm 2022 “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội”, kinh tế thành phố ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng, toàn diện ở nhiều lĩnh vực. Đây là thành quả bước đầu qua gần 2 năm thành phố triển khai cùng lúc nhiệm vụ kép: vừa phòng, chống dịch, vừa nỗ lực phục hồi nhanh chóng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố đạt những con số tăng trưởng ấn tượng qua 8 tháng, thành quả này dựa trên tiền đề thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”: vừa phòng chống dịch tốt, vừa nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Phục hồi nhanh, tăng trưởng cao
Dấu ấn đậm nét đầu tiên trong bức tranh tươi sáng của kinh tế thành phố 8 tháng qua là kết quả tăng trưởng mạnh mẽ của các ngành du lịch, dịch vụ, thương mại. Từ đầu năm đến nay, thành phố diễn ra hàng loạt sự kiện lớn, nhỏ ở các lĩnh vực này, qua đó góp phần gia tăng giá trị và kích cầu tiêu thụ hàng hóa, quảng bá rộng rãi các sản phẩm du lịch, dịch vụ trên địa bàn cũng như thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền trong việc triển khai các giải pháp nhằm khôi phục nhanh nền kinh tế, nhất là những ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo số liệu từ Cục Thống kê thành phố, tính chung 8 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 11.859 tỷ đồng, tăng 56,1% so với cùng kỳ năm 2021; tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong 8 tháng ước đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 125,7% so với cùng kỳ.
Theo Sở Du lịch, từ tháng 3 đến tháng 8-2022, đã có 1.500 chuyến bay quốc tế với hơn 200.000 lượt khách đến Đà Nẵng. Sự phục hồi của ngành du lịch được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới khi một số thị trường khách trọng điểm của Đà Nẵng như Hàn Quốc, Nhật Bản từng bước công bố biện pháp nới lỏng hạn chế nhập cảnh, bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR Covid-19.
Theo thông tin từ Công ty CP Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT), số lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng sẽ tiếp tục tăng lên trong những tháng cuối năm. Cụ thể, đến cuối tháng 10-2022, dự kiến có hơn 1.200 chuyến bay quốc tế với hơn 180.000 lượt khách; từ cuối tháng 10-2022 đến cuối tháng 3-2023, có 9 hãng hàng không khai thác khoảng 2.700 chuyến bay với khoảng 360.000 lượt khách. Dự kiến, một số đường bay quốc tế mới đến các thị trường quốc tế tiềm năng như Australia, Ấn Độ, Philippines (Cebu) sẽ được mở.
Cùng với ngành du lịch, ngành dịch vụ - thương mại ghi nhận đà tăng trưởng liên tục kể từ cuối năm 2021. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 43.127 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường của thành phố cơ bản được kiểm soát tốt trước áp lực về giá cả và nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu... tăng mạnh trong thời gian qua.
Đặc biệt, trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,2% so với tháng 7 đã góp phần kiềm chế mức tăng của CPI cả 8 tháng xuống còn 4,25% so với cùng kỳ năm 2021. Một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần kiểm soát hiệu quả đà tăng của CPI trong tháng 8 là nhờ chính sách miễn giảm học phí năm học 2022-2023 cho khối học sinh cấp Tiểu học do thành phố ban hành. Bên cạnh đó, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghệ cao, công nghệ thông tin... tiếp tục khẳng định những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế thành phố.
Thông tin từ Sở Công Thương, 8 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) thành phố ước tăng 9,3% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục ghi dấu ấn nổi bật với mức tăng trưởng 23,4% (ước đạt 1.406,9 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu phần mềm đạt 74 triệu USD, đạt 67% so với kế hoạch, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021.
Công tác thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Từ đầu năm đến nay, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) Đà Nẵng đã cấp mới 15 dự án, trong đó có 3 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 65 triệu USD và 12 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng.
Một điểm nhấn khác về sự phục hồi khá toàn diện của nền kinh tế thành phố trong 8 tháng qua là số lượng doanh nghiệp trên các lĩnh vực quay trở lại hoạt động tăng 40,7% so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương với 1.754 doanh nghiệp).
Nhiều lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố đạt tăng trưởng ấn tượng từ đầu năm đến nay. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA |
Đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng
Trong những tháng cuối năm, các sở, ban, ngành đều chủ động có các phương án và giải pháp cụ thể, đồng bộ để điều hành nền kinh tế thành phố đi đúng quỹ đạo, nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, giải pháp được ngành du lịch thực hiện sẽ là tiếp tục nỗ lực làm mới các sản phẩm, cải thiện, nâng cao và đổi mới chất lượng phục vụ, cập nhật xu hướng, thị hiếu khách du lịch trong công tác xúc tiến quảng bá điểm đến, tìm kiếm khai thác thị trường; tiếp tục khôi phục các thị trường khách quốc tế trong các tháng cuối năm 2022, làm tiền đề cho việc phát triển du lịch trong năm 2023.
Đối với ngành công thương, theo bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, sở tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy Đà Nẵng, UBND thành phố. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả nhằm giữ bình ổn thị trường; chủ động chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm... bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là mùa mưa bão, các dịp lễ, tết cuối năm đang đến gần. Bên cạnh đó, sở đang tập trung đẩy nhanh các thủ tục triển khai các dự án trọng điểm của ngành như: xây dựng chợ Đầu mối Hòa Phước, chợ Cồn; đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ Hàn; xây dựng dự thảo Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030...
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý KCNC&CKCN Đà Nẵng cho hay, trong thời gian tới, ngoài triển khai chương trình xúc tiến đầu tư tại Singapore, Ấn Độ và Hàn Quốc, ban sẽ tập trung thúc đẩy nhanh nhiều phần việc quan trọng, phục vụ cho quá trình hình thành các khu công nghiệp mới của thành phố.
Trong đó, hoàn thành hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông thẩm định để hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Ninh (huyện Hòa Vang); triển khai các thủ tục quy hoạch theo quy định, theo ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố thống nhất điều chỉnh ranh giới KCN Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang); tiếp tục xây dựng Đề án “Nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các khu công nghiệp mới (Hòa Cầm - Giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh) và KCN hỗ trợ KCNC Đà Nẵng”; hoàn thiện đề cương Đề án chuyển đổi mục đích sử dụng đất KCN Đà Nẵng thành Khu thương mại trung tâm An Đồn; rà soát, tổng hợp thông tin về tình hình cho thuê, sử dụng đất, cấp phép về đầu tư, vận hành tại KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng (quận Sơn Trà) để báo cáo UBND thành phố, làm cơ sở để nghiên cứu hình thành cụm công nghiệp.
KHÁNH HÒA - THU HÀ