Phân khu công nghệ cao (chưa tính phần diện tích Khu Công nghệ cao hiện hữu diện tích 1.952ha) sẽ có diện tích hơn 3.655ha, quy mô dân số dự kiến đến năm 2030 hơn 194.000 người và đến năm 2045 gần 253.000 người. Đồ án quy hoạch phân khu công nghệ cao do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) thực hiện và đang lấy ý kiến người dân.
Khu đô thị mới đang được đầu tư phát triển tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Định vị phạm vi quy hoạch
Căn cứ theo đồ án Quy hoạch chung điều chỉnh thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021, phân khu công nghệ cao (không bao gồm phần diện tích để triển khai dự án Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) thuộc vùng lõi xanh, vành đai công nghiệp công nghệ cao, trung tâm dịch vụ công nghệ cao và trung tâm hành chính cửa ngõ phía bắc.
Cụ thể, trọng tâm phân khu là các khu công nghiệp hiện hữu (Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng), các khu công nghiệp mới (Khu phụ trợ công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung số 2) cùng với bến xe phía bắc, các khu đô thị đã và đang hình thành tại Hòa Sơn, Hòa Liên (huyện Hòa Vang), Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu). Ranh giới quy hoạch giới hạn bởi đường ĐT602 phía nam, sông Cu Đê phía bắc, đường Nguyễn Lương Bằng phía đông, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng ở phía tây. Quy mô lập quy hoạch đồ án phân khu có diện tích 3.655ha, quy mô dân số dự báo đến năm 2030 có 73.600 người, trong đó dân số hiện có khoảng 22.500 người; dự báo dân số tăng thêm đến năm 2030 khoảng 51.100 người.
Đề xuất quy hoạch phân khu công nghệ cao xác định tính chất và chức năng phân khu, đây là khu vực đô thị phát triển mới của thành phố trung tâm kết hợp cải tạo chỉnh trang đồng bộ các cơ sở hạ tầng đô thị; là trung tâm dịch vụ du lịch tầm cỡ quốc tế. Tổ chức không gian phân khu đô thị trên cơ sở khung kết cấu giao thông đường bộ, bao gồm quốc lộ 14G, đường ĐT 602, đường Hoàng Văn Thái nối dài, đường ĐH 2, đường vành đai phía tây.
Những ý tưởng quy hoạch, thiết kế kiến trúc
Quy hoạch phân khu công nghệ cao được chia thành 11 đơn vị ở, 3 khu chức năng độc lập và 1 khu nghĩa trang. Trọng tâm phân khu là các khu công nghiệp hiện hữu (Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng), khu công nghiệp Hòa Ninh, các khu công nghiệp mới (Khu phụ trợ công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung số 1, số 2) cùng với bến xe phía bắc, các khu đô thị đã và đang hình thành để hình thành các khu đô thị với chức năng sử dụng hỗn hợp, hỗ trợ phát triển của Khu Công nghệ cao Đà Nẵng hiện tại.
Ý tưởng chủ đạo đối với quy hoạch phân khu công nghệ cao là hình thành một trung tâm công nghệ cao mang tính quốc tế, là một đô thị xanh thông minh, đô thị của khoa học tri thức, trung tâm của sự sáng tạo đổi mới, là môi trường hàng đầu cho các công ty khởi nghiệp, nơi đến của các nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ hàng đầu khu vực và thế giới. Phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại, mật độ cao gắn với cải tạo, chỉnh trang, xây dựng lại các khu ở hiện có, tạo dựng một phân khu đô thị hoàn chỉnh, đáp ứng các nhu cầu hạ tầng xã hội và nhà ở phục vụ dân cư đô thị. Hình thành các trục đô thị, cảnh quan và các không gian điểm nhấn trọng tâm, đảm bảo sự liên kết hài hòa với không gian xung quanh. Quy hoạch hình thành đầu mối hạ tầng kỹ thuật, đầu mối giao thông gắn với các trung tâm đô thị, bảo đảm kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng chung khu vực. Xây dựng các khu nghiên cứu, các trung tâm đào tạo chất lượng cao nhằm đào tạo nghề, nghiên cứu các sản phẩm công nghệ mới, phục vụ nhu cầu phát triển đô thị; đồng thời tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.
Phát triển không gian đô thị được xác lập theo mô hình đô thị hiện đại, tập trung chọn các vùng đất cao để phát triển, có không gian kiến trúc và cảnh quan phù hợp với môi trường sinh thái. Các công trình cao tầng bố trí tại khu vực đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đường ĐT 602, khu vực dọc tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, khu vực dọc tuyến đường vành đai phía tây. Không gian trong các khu ở, đơn vị ở được tổ chức theo cấu trúc trục lõi trung tâm tạo được sự hài hòa giữa các công trình thương mại cao tầng, chung cư cao tầng với khu nhà ở sinh thái thấp tầng, làng xóm cũ và các công trình hạ tầng xã hội khác.
Thành phố khuyến khích phát triển các loại hình nhà ở sinh thái, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Tổ chức không gian khu trung tâm đô thị được xác định là không gian hai bên các trục đường chính như đường Nguyễn Tất Thành nối dài. Tổ chức không gian xanh lấy khu công viên hồ Bàu Tràm và dải xanh cảnh quan vùng đệm dọc sông Cu Đê, hồ điều hòa, hệ thống kênh thoát lũ xã Hòa Liên để xác định hình thái đô thị. Từ khu vực không gian hành lang xanh tổ chức các dải xanh kết nối qua hệ thống kênh, mương, hồ điều hòa và các khu công viên cây xanh lớn trong các phân khu đô thị, tạo nên sự gắn kết giữa không gian xanh trong khu đô thị với các không gian xanh cấp thành phố. Tổ chức hệ thống công cộng đô thị được xác định với các trung tâm công cộng lớn nằm trên các tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, đường ĐT 602, đường ĐT 601, đường Nguyễn Tất Thành nối dài.
TRIỆU TÙNG