Chống gian lận, hàng giả, kém chất lượng trước Tết

.

Cuối năm là thời điểm nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao, các loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trà trộn vào thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân.

 Bánh kẹo là một trong những mặt hàng tiêu thụ mạnh dịp Tết và cũng dễ bị làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng. (Ảnh chụp tại chợ Cồn) Ảnh: QUỲNH TRANG
Bánh kẹo là một trong những mặt hàng tiêu thụ mạnh dịp Tết và cũng dễ bị làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng. (Ảnh chụp tại chợ Cồn). Ảnh: QUỲNH TRANG

Nhiều loại hàng hóa bị làm giả, làm nhái

Càng gần Tết, tại các chợ, cửa hàng, tạp hóa trưng bày bánh kẹo trong và ngoài nước với số lượng ngày càng nhiều, đáng chú ý, có một số sản phẩm không có nhãn mác. Khảo sát tại chợ Cồn, ghi nhận nhiều mặt hàng thời trang như quần áo, túi xách, nước hoa, đồng hồ nhái các thương hiệu nước ngoài và được bán với giá khá rẻ, chỉ từ vài chục nghìn đến dưới 1 triệu đồng/món hàng.

“Đây là túi xách hàng fake loại 1 (hàng giả cao cấp) nhập khẩu nên rất tinh xảo, mẫu mã, chất liệu giống như hàng thật chứ không phải hàng “xưởng” sản xuất hàng loạt từ Sài Gòn đâu”, một chủ kiot thời trang trong chợ Cồn chào mời.

Theo tìm hiểu, tâm lý người tiêu dùng khá thích mua “hàng xách tay”, vì tin tưởng hàng hóa được đưa về từ nước ngoài thường chính hãng; có trường hợp phải chi một số tiền khá lớn cho “hàng xách tay” nhưng lại mua nhầm hàng giả mà không biết. Tuy nhiên, bên cạnh những người mua nhầm hàng giả thì vẫn còn nhiều người tiêu dùng muốn sử dụng hàng giả, hàng nhái vì mẫu mã tương tự các thương hiệu nổi tiếng, nhưng giá rẻ hơn rất nhiều. Những loại hàng hóa này thường là quần áo, túi xách, đồng hồ, nước hoa,... nhái các thương hiệu và được giới thiệu là hàng F1, like auth (loại hàng cao cấp nhất trong các loại hàng giả).

Còn với những loại hoa quả nhập khẩu từ Hàn Quốc, thời gian gần đây rất được người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là quả lê bởi chất lượng ổn định, giá cả hợp lý. Chính vì lẽ đó, đây cũng là loại quả bị giả mạo xuất xứ nhiều nhất. Tại một cửa hàng bán trái cây trên đường Bùi Dương Lịch (quận Sơn Trà), khi chúng tôi hỏi về tem truy xuất nguồn gốc của quả lê Hàn Quốc - điểm nhận dạng của hàng ngoại thì chủ cửa hàng cho biết chỉ có hóa đơn đỏ đầu vào nếu khách cần kiểm tra, không có tem truy xuất nguồn gốc, chỉ nhà nhập khẩu trực tiếp số lượng lớn mới có?(!).

Thời điểm cuối năm, bánh kẹo là một trong những mặt hàng bị làm nhái nhiều nhất, từ hình thức đến nội dung với mức độ tinh vi cao. Để phân biệt với hàng nhái, các nhãn hàng luôn có mã vạch, số lô sản xuất trên từng sản phẩm. Tuy nhiên, đôi khi người tiêu dùng khi mua không chú ý các chi tiết này. Hiện, tại các chợ đã bày bán nhiều loại hàng hóa Tết, song bên cạnh những mặt hàng có bao bì, nhãn mác công ty thì những sản phẩm “nhà làm” như các loại hải sản rim, mứt đều chỉ được đựng sơ sài trong các túi nilon và đính tờ giấy nhỏ ghi dòng chữ “Đặc sản Đà Nẵng”.

Tập trung kiểm tra các điểm “nóng”

Dự báo từ nay đến Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2023 là thời điểm hàng giả, hàng nhái, buôn lậu và các hành vi gian lận gia tăng, do đó, Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao. Cụ thể như: hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, bánh kẹo, đường cát, hoa, quả, rượu bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, động vật và các sản phẩm chế biến từ động vật; đặc biệt tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại; tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.

QLTT cũng đồng thời tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, làng nghề, các tuyến đường bộ, đường sắt… Mặt khác, ứng dụng công nghệ thông tin để phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

Trong khi đó, Trưởng ban quản lý chợ Cồn Phan Thành Thoại cho biết, trước thời điểm mua sắm nhộn nhịp nhất năm, ban quản lý chợ liên tục phát loa tuyên truyền pháp luật về giá, nhắc nhở tiểu thương thực hiện niêm yết giá bán đầy đủ, rõ ràng, bán đúng giá niêm yết theo quy định; không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Việc nhắc nhở thường xuyên này cũng là động thái giúp người tiêu dùng cảnh giác trước hành vi bán hàng bất hợp lý của tiểu thương.

Quyền Cục trưởng Cục QLTT thành phố Trần Phước Trí cho biết, sắp tới sẽ thực hiện việc ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, phối hợp ban quản lý các chợ, các trung tâm thương mại, siêu thị tại địa bàn các quận, huyện phát thanh trực tiếp và phát tờ rơi khuyến cáo đến các đối tượng kinh doanh và người tiêu dùng để tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… gây thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng. Hơn ai hết, người tiêu dùng nên tự bảo vệ quyền lợi của chính mình, bằng cách cảnh giác và tẩy chay các sản phẩm, thương hiệu không bảo đảm chất lượng, làm giả, làm nhái; đồng thời khi phát hiện phải tố giác với lực lượng chức năng. Mặt khác, cơ quan chức năng cần công khai mọi vi phạm để người dân nắm bắt và khuyến khích trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đấu tranh với các hành vi vi phạm. Khi có sự phối hợp của cơ quan chức năng cũng như sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp thì việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh vừa có văn bản đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo 389 thành phố theo chức năng, nhiệm vụ triển khai Kế hoạch số 115/KH-BCĐ389 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Lãnh đạo thành phố giao Cục Quản lý thị trường (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 thành phố) chủ trì, phối hợp các ngành liên quan thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ động tổ chức lực lượng, phương tiện, có giải pháp phù hợp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách. Xây dựng, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Quý Mão 2023.
 

Đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác

Ban chỉ đạo 389 thành phố vừa công bố đường dây nóng (24/7) 0898.243.333 tiếp nhận thông tin tố giác về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thông tin tố giác cá nhân, đơn vị chức năng không thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, có hành vi tiêu cực, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Địa chỉ tiếp nhận đơn, thư, văn bản: Cục Quản lý thị trường (327 Lê Thanh Nghị, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu).

HẢI ÂU

;
;
.
.
.
.
.
Giải pháp quà tặng doanh nghiệp hàng đầu