Hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn của Đà Nẵng được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp… Điều này không chỉ giúp nâng cao vị thế hàng nội địa mà còn góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ông Nguyễn Phi Sinh (bên phải), chủ Cơ sở sản xuất kinh doanh Thảo Sinh giới thiệu sản phẩm tại điểm trưng bày và bán hàng OCOP quận Thanh Khê (86 Phạm Nhữ Tăng). Ảnh: THIÊN NGUYỆN |
Sức hút của chương trình OCOP
Với lợi thế sở hữu hai sản phẩm OCOP, cuối năm 2022, Cơ sở sản xuất kinh doanh Thảo Sinh (86 Phạm Nhữ Tăng, quận Thanh Khê) tiếp tục đăng ký tham gia chương trình OCOP đợt 1-2022 với sản phẩm “Chả bao tử da bao” và được phân hạng 3 sao. Ông Nguyễn Phi Sinh, chủ cơ sở cho biết, từ khi tham gia chương trình, các sản phẩm của cơ sở đều được các đơn vị, đặc biệt là Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố hỗ trợ tham gia nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại. Qua đó, nâng cao giá trị hàng hóa, quảng bá sản phẩm đến nhiều kênh phân phối và người tiêu dùng. Giữa tháng 12-2022, cơ sở đã tổ chức khai trương Cửa hàng trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, chủ lực, đặc trưng tại số 86 Phạm Nhữ Tăng. Đây không chỉ là hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của các chủ thể, hộ sản xuất, kinh doanh tại quận Thanh Khê nói riêng và toàn thành phố nói chung mà còn tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP tiếp cận với người tiêu dùng trong và ngoài thành phố.
“Đến nay, cửa hàng chúng tôi đang giới thiệu và bày bán gần 50 sản phẩm OCOP, chủ lực, đặc trưng, trong đó có 24 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 và 4 sao. Chúng tôi mong các sản phẩm OCOP sẽ tiếp tục được quảng bá để tiếp cận với khách hàng nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của các chủ thể, cơ sở sản xuất và góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố”, ông Sinh cho hay.
Trong khi đó, với hơn 30 năm trong nghề sản xuất nước mắm truyền thống, sản phẩm của Cơ sở sản xuất nước mắm Văn Tranh (60 Chính Hữu, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) là một trong những mặt hàng được người dân thành phố tin dùng, lựa chọn lâu nay. Các sản phẩm của cơ sở được phân phối ở nhiều tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Nội… và nhiều chợ truyền thống. Dù vậy, ở kênh siêu thị và các kênh thương mại hiện đại khác, sản phẩm vẫn bị hạn chế trong vấn đề quảng bá và tiêu thụ. Cuối năm 2022, sản phẩm “Nước mắm nguyên chất” của cơ sở được đánh giá và phân hạng OCOP 3 sao.
Theo anh Trương Văn Tường, quản lý Cơ sở sản xuất nước mắm Văn Tranh, so với trước, sản phẩm OCOP, sản phẩm hàng Việt đang dần được nhiều người biết đến và lựa chọn. Điều này cho thấy, xu hướng của người tiêu dùng đang dần thay đổi khi chuyển sang lựa chọn các sản phẩm của người Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và an toàn.
“Trong năm đến, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, cải tiến mẫu mã để phấn đấu nâng hạng sản phẩm thành 4 sao. Bên cạnh đó, sẽ đăng ký thêm nhiều sản phẩm khác tham gia chương trình OCOP để tạo “hệ sinh thái” OCOP thương hiệu “Nước mắm Văn Tranh”; qua đó, nâng cao vị thế của sản phẩm, định vị thương hiệu và quảng bá đến với nhiều người tiêu dùng, góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, anh Tường chia sẻ.
Tương tự, sản phẩm “Yến sào Tiên Sa” của Công ty TNHH Yến sào Tiên Sa (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) là 1 trong 2 sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao trong đợt 1-2022. Được biết, doanh nghiệp hiện có hơn 30 căn nhà nuôi yến tại nhiều tỉnh, thành phố. Ngoài cung ứng sản phẩm yến sào, công ty còn hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Trong năm 2022, công ty đăng ký tham gia phân hạng 2 sản phẩm OCOP. Theo đánh giá của bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Tiên Sa, việc tham gia chương trình OCOP mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, đặc biệt là được hỗ trợ đăng ký các chứng nhận tiêu chuẩn an toàn, xúc tiến thương mại thông qua các chương trình, hội chợ, quảng bá sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng… Ngoài ra, giúp doanh nghiệp tiếp cận được với xu hướng lựa chọn sản phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng trong nước và các thị trường quốc tế.
Các sản phẩm OCOP ngày càng được người dân tin dùng và lựa chọn. TRONG ẢNH: Người dân đang lựa chọn sản phẩm OCOP tại các quầy hàng trong “Tuần hàng OCOP - Sản vật Việt Nam, phát triển và hội nhập” vào tháng 11-2022. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Nâng cao chất lượng hàng Việt
Những năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được chính quyền thành phố, các sở, ban, ngành quan tâm và thực hiện. Nhiều chương trình tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp hưởng ứng cuộc vận động được đẩy mạnh; công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của thành phố được lan tỏa đến đông đảo nhân dân, người tiêu dùng thành phố thông qua các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại, hội thảo, tập huấn…
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố, trong năm 2022, các cơ quan, đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện thường xuyên, thống nhất và tạo sự đồng thuận, hưởng ứng, góp phần nâng cao nhận thức, làm thay đổi hành vi mua sắm, tiêu dùng; tạo sự chuyển biến tích cực đối với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm hàng Việt có chất lượng, nông sản địa phương được quan tâm tổ chức thường xuyên. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nỗ lực tạo ra những sản phẩm tạo được lòng tin của người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội…
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động, trong năm 2023, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố đề nghị các đơn vị tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động trong tình hình mới; vận động người dân, doanh nghiệp tham gia hưởng ứng bằng nhiều hình thức; phát triển các điểm giới thiệu và bán các sản phẩm của Đà Nẵng. Mặt khác, tiếp tục tổ chức các hội chợ hàng Việt, phiên chợ nông sản, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các chương trình kết nối, quảng bá....
Đồng thời, tăng cường các hoạt động thương mại điện tử nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả; hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong kinh doanh; hỗ trợ thiết lập, xây dựng các website thương mại điện tử, triển khai nền tảng triển lãm ảo để quảng bá, giới thiệu, triển lãm sản phẩm trực tuyến. Các cơ quan liên quan thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng... để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng thành phố.
VĂN HOÀNG