ĐNO - Để giữ ổn định thị trường, bảo đảm văn minh thương mại, không xảy ra tình trạng “chặt chém” trong dịp lễ 30-4 và 1-5, các sở, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát giá cả, nâng cao thái độ phục vụ tại các cơ sở kinh doanh, các điểm du lịch, mua sắm, vui chơi, giải trí...
Du khách mua sắm tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn vào sáng 29-4. |
Qua khảo sát, đến thời điểm này, giá cả dịch vụ ở các chợ, khu danh lam thắng cảnh, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng… đều cơ bản giữ ổn định, không xảy ra tình trạng “chặt chém”.
Trường hợp tăng giá (nhất là các khách sạn) đều do bán kèm chỗ ngồi xem pháo hoa hoặc phụ thu thêm giá dịch vụ ăn uống trong dịp lễ.
Trong đó, phần lớn các khách sạn nằm ở khu vực ven biển, đông khách du lịch như khu phố An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), đường Võ Nguyên Giáp, đường Bạch Đằng, đường Trần Hưng Đạo… có lượng khách đến lưu trú tăng từ 30-40% so với ngày thường, nhiều cơ sở đã báo kín phòng. Một số khách sạn tăng giá từ 20-30%, số khác không tăng giá nhưng có phụ thu thêm từ 200.000-400.000 đồng/phòng/đêm.
Nhìn nhận về giá phòng khách sạn tăng vào dịp lễ 30-4, 1-5, nhất là vào đêm khai mạc Lễ hội pháo hoa quốc tế (DIFF) 2018, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours), cho rằng, người dân và du khách đều chấp nhận được mức tăng (khoảng từ 20-40%) nhưng với điều kiện các dịch vụ đi kèm phải bảo đảm chất lượng và không ngừng cải tiến nhằm làm vừa lòng khách.
Trong khi đó, tại khu vực bãi biển Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê…, nơi tập trung đông du khách, giá các dịch vụ được giữ ổn định và niêm yết công khai nhằm tạo thuận lợi cho du khách lựa chọn.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Phó trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, đơn vị hiện quản lý 23 tổ kinh doanh dịch vụ với 132 hộ tham gia, nằm ở tuyến đường biển Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà) và Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê). Tất cả đều ký cam kết bảo đảm kinh doanh văn minh, gìn giữ hình ảnh của thành phố.
Giá cả các dịch vụ được niêm yết công khai |
Một số nhà hàng lớn với lượng khách đến đông như Mỹ Hạnh, Phước Thái (quận Sơn Trà)… cũng khẳng định không để xảy ra tình trạng tăng giá hoặc “chặt chém” khách.
“Sức ép cạnh tranh hiện nay rất lớn nên nếu mình làm không chuẩn sẽ mất uy tín. Ngoài bảo đảm giá cả ổn định, nguồn hàng tươi sống, an toàn, chúng tôi cũng kiểm soát chặt khâu giữ vệ sinh môi trường, cảnh quan để nhà hàng luôn sạch, đẹp”, ông Nguyễn Hồng Phúc - chủ nhà hàng Mỹ Hạnh cho hay.
Trong khi đó, lượng khách đến tham quan, mua sắm tại chợ Hàn đã tăng lên đáng kể. Chị Đoàn Thị Phương, chủ lô 146 kinh doanh ngành hàng áo quần cho biết, lượng khách mua tăng khoảng 30% so với ngày thường, chủ yếu là những sản phẩm may mặc mùa hè. Giá bán được quầy niêm yết trên bảng tên.
Tại quầy hàng hải sản khô của chị Lại Nam Định, lượng khách ra vào tấp nập. Vừa nhanh tay gói hàng cho khách, chị Định vừa cho biết: "Giá bán đã ổn định nhiều năm nay, có tăng cũng chỉ khoảng 10%, khách du lịch bây giờ có kinh nghiệm lắm rồi, ai “chặt chém” là bị tẩy chay ngay".
Trước dự đoán lượng khách về Đà Nẵng tăng vào dịp lễ sắp tới, nhất là đêm khai mạc DIFF 2018, Sở Du lịch đã có văn bản gửi đến các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố.
Theo đó, nghiêm cấm tùy tiện tăng giá, ép khách, găm giữ phòng, gây sốt giá, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của thành phố. Các trường hợp tăng hoặc giảm giá, đề nghị đơn vị kê khai trực tuyến trên phần mềm kê khai giá trực tuyến của Sở Tài chính.
Bài và ảnh: Khánh Hòa – Văn Hoàng